05/12/2018 11:23 GMT+7

TP.HCM: chất vấn phân loại rác tại nguồn và trợ giá xe buýt

MAI HOA - MAI HƯƠNG - TIẾN LONG
MAI HOA - MAI HƯƠNG - TIẾN LONG

TTO - 'Chủ trương tốt, quy định có mà sao việc thực hiện cứ trầy trật? Vậy có phải thay đổi cách làm hay không, phải chăng đã làm không đúng quy trình?' đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm chất vấn.

TP.HCM: chất vấn phân loại rác tại nguồn và trợ giá xe buýt - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm - Ảnh: TỰ TRUNG

Sáng 5-12, kỳ họp thứ 12 HĐND TP.HCM khóa IX tiếp tục với phiên thảo luận tại hội trường trong đó nhiều đại biểu đặt vấn đề về quyết định phân loại rác tại nguồn mà UBND TP.HCM vừa ban hành.

Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm nói rằng quy định phân loại rác tại nguồn nhận được sự đồng thuận của người dân, nhưng còn nhiều việc cần phải thay đổi.

Theo đại biểu Tố Trâm, thực tế cho thấy việc tuyên truyền vận động của phường xã nhiều nơi chưa tốt, người dân chưa được thông tin rõ, vẫn gom rác vào một chỗ như mọi ngày, nhiều người vẫn chưa biết cách phân loại. Đơn vị thu gom rác dân lập cũng nơi biết nơi không về chủ trương của TP.

"Chủ trương tốt, quy định có mà sao việc thực hiện cứ trầy trật? Vậy có phải thay đổi cách làm hay không, phải chăng đã làm không đúng quy trình. 

Tại sao không chuẩn bị trước về phương tiện lấy rác, xử lý rác, hướng dẫn cụ thể cho người dân, rồi mới triển khai đồng bộ?", đại biểu Tố Trâm đặt câu hỏi.

Đại biểu Tố Trâm còn cho rằng nên thiết lập cảnh sát môi trường để kiểm tra giám sát xử phạt các hành vi vi phạm, đồng thời góp ý về thời gian thu gom rác hữu cơ cách nhật cần xem lại chuyện phải trữ rác trong nhà một ngày.

TP.HCM: chất vấn phân loại rác tại nguồn và trợ giá xe buýt - Ảnh 2.

Đoàn viên, thanh niên xã Phước Kiểng huyện Nhà Bè đang phân loại rác tái chế - Ảnh: TỰ TRUNG

Trả lời đại biểu, ông Nguyễn Toàn Thắng - giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - cho biết Quyết định số 44 của UBND TP.HCM về phân loại rác tại nguồn không phải ban hành đột ngột mà đã có sự bàn bạc chuẩn bị hai năm qua.

Ông Thắng cho biết để đồng bộ từ khâu phân loại, thu gom, thành phố đã thống nhất để quận huyện đấu thầu chọn đơn vị thu gom, để xe vận chuyển đẹp hơn, an toàn hơn. 

"Hiện nay 14 quận huyện đã đấu thầu rồi, vừa giảm tiền ngân sách, vừa nâng chất lượng các xe thu gom", ông Thắng nói.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM, lưu ý ngành tài nguyên môi trường có thể nghiên cứu việc thu mua riêng các loại rác có thể tái chế, vừa mang lại lợi ích cho người dân khi phân loại rác, vừa giải quyết được tình trạng người thu gom mở bịch rác tìm kiếm đồ có thể bán ve chai, làm tung tóe mất vệ sinh.

Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm đặt câu hỏi cho sở Giao thông vận tải về xe buýt đường sông chưa hiệu quả, xe buýt công cộng thì trợ giá chậm, trạm chờ xe nhếch nhác, tài xế chưa đủ chuẩn, việc thu phí đỗ xe dưới lòng đường thất thu quá lớn.

Trả lời đại biểu, ông Bùi Xuân Cường cho biết việc thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ xe ô tô được thực hiện tại quận 1, 5, 10.

Theo thống kê, hiện nay tại các tuyến đường có thu phí ở quận 1 trung bình một nhân viên thu được 1.900.000/tháng, quận 5 thu 14.150.000 đồng/tháng/nhân viên, quận 10 là 2.960.000 đồng/tháng/nhân viên.

TP.HCM: chất vấn phân loại rác tại nguồn và trợ giá xe buýt - Ảnh 3.

Xe buýt trợ giá tại TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo ông Cường, tại 24 tuyến đường thí điểm đã lắp được 261 camrera giám sát. Tuy nhiên, việc người dân tự nguyện thanh toán còn khó khăn. Tỉ lệ số tiền thu thực tế so với số lượng giám sát qua camera mới chỉ đạt 16%.

'Sắp tới nếu tăng cường giám sát chặt chẽ, nguồn thu chắc chắn sẽ tăng lên', ông Cường nói.

Về vấn đề xe buýt, ông Cường nói từ khi TP khôi phục việc trợ giá cho xe buýt năm 2012, nhiều người đặt vấn đề chất lượng dịch vụ và số lượng khành khách đạt được có tương xứng với kinh phí trợ giá đã bỏ ra.

Về việc này, Sở GTVT đánh giá chất lượng dịch vụ và số lượng hành khách tăng, trong khi tỉ lệ trợ giá ngày càng giảm. Cụ thể, thời gian đầu tỉ lệ trợ giá cao đến 70% nhưng ba năm trở lại đây tỉ lệ trợ giá được kiểm soát còn khoảng 40%.

Mức trợ giá này thấp nhất theo ghi nhận tại TP.HCM và một số tỉnh, thành lân cận. Trong khi đó, trên địa bàn TP hiện có khoảng 16.000 chuyến xe buýt/ngày, tính ra một năm có hơn 16 triệu chuyến xe buýt phục vụ người dân.

Toàn bộ có khoảng 5.000 lái xe và nhân viên phục vụ trong hệ thống xe buýt. Tất cả được điều khiến bởi trung tâm điều hành, với 4.000 camera giám sát. Qua kiểm tra từ hệ thống điều hành, số trường hợp vi phạm, sai phạm đã giảm gần 30% so với năm trướ

Tuần sau công bố 180 dự án không triển khai

Trả lời đại biểu về việc công khai các dự án chậm triển khai, ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết sở Tài nguyên và Môi trường đã rà soát 2.822 dự án được đưa vào kế hoạch từ 2015-2017.

Kết quả, có 600 dự án đã thực hiện xong, còn 1.541 dự án đang triển khai và 180 dự án không triển khai.

Ông Thắng cũng cho biết, đã rà soát tất cả 1.431 dự án có quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất từ 2012-2017.

Kết quả có 900 dự án sử dụng đúng mục đích, còn lại các dự án đang triển khai có 25 khu đất sử dụng sai mục đích, 48 khu đất giao đất cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất nhưng chậm triển khai, khiến dư luận bức xúc, lãng phí trong sử dụng đất đai, sẽ kiên quyết xử lý.

"Tuần sau sẽ họp báo công khai toàn bộ nội dung này, thể hiện rõ sự kiên quyết thực hiện với các dự án không thực hiện đúng quy định pháp luật" -ông Thắng nói.

MAI HOA - MAI HƯƠNG - TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp