11/11/2019 10:42 GMT+7

TP.HCM cần nâng cấp 1.600 xe vận chuyển rác

MAI HƯƠNG
MAI HƯƠNG

TTO - Nhiều xe chở rác sơ sài đang ảnh hưởng tới mỹ quan, hiệu quả vận chuyển rác ở TP.HCM. Tỉ lệ nâng cấp mới được 6%, còn tới khoảng 1.600 xe cần tiếp tục chuyển đổi.

TP.HCM cần nâng cấp 1.600 xe vận chuyển rác - Ảnh 1.

Thu gom rác sinh hoạt trên đường Trường Sa, quận Phú Nhuận, sáng 10-11 - Ảnh TỰ TRUNG

Ngày 10-11, HĐND TP.HCM đã tổ chức chương trình Lắng nghe và trao đổi, với chủ đề "Công tác thu gom vận chuyển rác sinh hoạt tại các hộ gia đình trên địa bàn TP, thực trạng và giải pháp". TP cũng quyết tâm đưa thêm hỗ trợ qua quỹ để nâng cấp xe vận chuyển rác.

Mới chuyển đổi được 6%

Theo phản ánh từ các địa phương, phương tiện thu gom rác thải trên địa bàn TP hiện nay vẫn tồn tại các loại xe ba bánh tự chế sơ sài, được kéo bằng xe máy, không qua kiểm định... Dù UBND TP đã công bố việc áp dụng các quy định chung về kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với các phương tiện thu gom vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt cũng như đề ra lộ trình chuyển đổi (trước tháng 10-2019), nhưng đến nay việc thực hiện còn rất chậm.

Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM ông Nguyễn Toàn Thắng thống kê: đến nay toàn TP chỉ mới chuyển đổi được khoảng 100/1.700 phương tiện, chiếm tỉ lệ 6%.

Mang theo một xấp hình khi tham dự chương trình, anh Phạm Văn Khanh - đến từ nghiệp đoàn rác dân lập quận 5 - đưa cho khán giả tại trường quay xem bức ảnh một công nhân vệ sinh phải vừa leo cầu thang vừa khuân cùng lúc 5 bịch rác lớn. "Anh công nhân này đang gom rác từ tầng cao tại một chung cư ở quận 5. Gom rác thủ công như vậy rất cực nhưng giá thu gom trên tầng cao và tầng thấp đều như nhau" - anh Khanh nêu sự bất hợp lý.

Đại diện UBND quận 5 cho biết thêm trên địa bàn quận còn tới 212 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975 không có thang máy, không có đường hầm dẫn rác từ tầng cao xuống. Hằng ngày, người thu gom phải đến lấy theo cách thủ công.

Mẫu xe nào chuẩn do quận, huyện chọn

Để thực hiện tốt việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt, ông Nguyễn Toàn Thắng đề nghị tất cả các hộ dân đều phải ký hợp đồng thực hiện thu gom. Bà con chỉ cần bỏ rác đúng nơi quy định để các lực lượng thu gom. Đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý rác thì phải có trách nhiệm quan tâm đến đời sống người lao động và có trách nhiệm với các phương tiện mà đơn vị đang sử dụng. "Bây giờ mới chuyển đổi được 100/1.700 phương tiện, phải có những giải pháp để khắc phục và đảm bảo vệ sinh môi trường" - ông Thắng nói.

Về vướng mắc liên quan đến giá, ông Thắng cho biết giá ban hành là khung chung. Còn tùy điều kiện thực tế thì từng nơi nên có sự linh động. Chẳng hạn, công nhân phải vác rác từ tầng cao xuống quá vất vả thì chi phí nên có sự ghi nhận công sức đó.

Riêng về việc chuyển đổi phương tiện, ông Thắng cũng khẳng định TP chỉ ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật chung. "Còn mẫu xe như thế nào thì quận, huyện phải tính toán, miễn sao đáp ứng tiêu chuẩn. Ví dụ quận 4 hẻm nhỏ mà dài thì phải có mẫu xe thế nào cho phù hợp chứ không thể áp nguyên xi mẫu xe của quận khác được" - ông Thắng giải thích.

Về các chính sách hỗ trợ chuyển đổi, ông Thắng cho hay UBND TP đã chấp thuận cấp bổ sung kinh phí cho quỹ bảo vệ môi trường. Đây sẽ là nguồn để phục vụ cho vay, hỗ trợ chuyển đổi phương tiện. Thời gian cho vay đã nâng từ 5 lên 7 năm. Còn giá trị cho vay hiện nay là 70%, các nơi đề xuất 80%, vấn đề này đang được xem xét.

Xe chở rác đã vào được khu xử lý sau 3 tháng bị Xe chở rác đã vào được khu xử lý sau 3 tháng bị 'phong tỏa'

TTO - Sau 3 tháng dựng lều, chặn xe chở rác vào bãi rác Tam Xuân 2 (huyện Núi Thành, Quảng Nam) vì mùi hôi, đến hôm nay người dân đã dừng chặn để xe chở rác được vào bãi.

MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp