08/09/2022 18:20 GMT+7

TP.HCM cần có những sự kiện tầm vóc đủ sức thu hút khách quốc tế

N.BÌNH
N.BÌNH

TTO - Các lễ hội được tổ chức ở Việt Nam hiện rất nhiều, thậm chí số lễ hội còn nhiều hơn số ngày trong năm nhưng số lễ hội đón được khách quốc tế vẫn còn rất khiêm tốn.

TP.HCM cần có những sự kiện tầm vóc đủ sức thu hút khách quốc tế - Ảnh 1.

Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Lê Thế Chữ chia sẻ tại buổi gặp gỡ - Ảnh: N.BÌNH

Thu hút khách chất hơn theo lượng

Tại buổi gặp gỡ các tổng biên tập của cơ quan báo đài, văn phòng đại diện tại TP.HCM với ngành du lịch được tổ chức chiều 8-9 ở TP.HCM, ông Lê Thế Chữ, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, gợi ý TP.HCM cần đầu tư những sự kiện văn hóa như Festival âm nhạc đường phố tổ chức ngay phố đi bộ, Lễ hội ánh sáng trên sông Sài Gòn hay các sự kiện thể thao để thu hút nhiều du khách quốc tế. 

Theo ông Chữ, các lễ hội Việt Nam hiện rất nhiều, nhưng số lễ hội đón được khách quốc tế rất ít, chỉ có một vài sự kiện đang thành công tạo được tiếng vang như Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, Festival Huế... 

Với những điều kiện về hạ tầng, con người TP.HCM hoàn toàn đủ sức để tạo ra những sự kiện tầm vóc quốc tế hoặc các giải thể thao lớn của khu vực để hấp dẫn, thu hút du khách quốc tế. 

Trong khi đó, để du lịch Việt Nam hồi phục, theo ông Chữ, cần xác định điểm nghẽn của du lịch Việt Nam, đó là câu chuyện visa. Du khách quốc tế gặp khó khi xin visa, còn những quốc gia được miễn thì thời gian có hiệu lực 15 ngày cũng là ngắn, chưa thu hút khách quốc tế lưu trú lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn. 

Chính sách visa cũng cần phải lưu ý mở rộng quốc gia được áp dụng chính sách miễn thị thực, bởi du khách sẽ chọn những điểm đến dễ vào, thân thiện trước. 

"Mới đây, Trung tâm quản lý tình huống COVID-19 của Thái Lan đã thông qua đề xuất của Tổng cục Du lịch nước này về việc kéo dài thời gian lưu trú lên 45 ngày cho khách đến từ hơn 50 quốc gia, vùng lãnh thổ được miễn thị thực, thay vì 30 ngày như trước. Thời gian áp dụng chính sách mới từ ngày 1-10 và kết thúc vào ngày 31-3-2023. Sau dịch, sự cạnh tranh giữa các điểm đến rất mạnh mẽ. 

Do đó, cơ quan chức năng, Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như các địa phương có nguồn khách quốc tế tới đông cũng cần lên tiếng mạnh hơn để thay đổi chính sách visa theo hướng tích cực hơn", ông Chữ đề xuất. 

Trong vai trò cơ quan truyền thông, báo Tuổi Trẻ cũng đứng ra tổ chức rất nhiều tuyến chương trình quảng bá cho du lịch Việt Nam như tuyến Ấn tượng Việt Nam. 

"Ngày 23-9 tới đây báo sẽ phối hợp với Nha Trang tổ chức hội thảo phát triển du lịch bền vững, sang tháng 10 là sự kiện du lịch xanh với TP Đà Lạt. Ngoài ra, báo cũng ấp ủ đưa "Ngày của phở" ra quốc tế", ông Chữ thông tin. 

Ông Nguyễn Ngọc Toàn, tổng biên tập báo Thanh Niên, cũng cho rằng trong quá trình hồi phục sau dịch, công tác truyền thông quảng bá của du lịch Việt Nam chưa theo kịp với nỗ lực của ngành. Nếu chúng ta làm tốt mà du khách không biết, chúng ta mở toang cánh cửa mà ít người có thông tin thì việc thu hút khách du lịch không thể đạt hiệu quả tối đa. 

Đồng tình với ý kiến của ông Chữ về nút thắt lớn nhất của ngành du lịch hiện chính là visa, ông Toàn kiến nghị bộ đề xuất lên Chính phủ xem xét mở rộng các quốc gia, vùng lãnh thổ được miễn visa và được thực hiện chính sách visa điện tử (e-visa), khôi phục việc cấp visa tại cửa khẩu đối với một số trường hợp khách có nhu cầu gấp nhập cảnh vào Việt Nam. 

TP.HCM cần có những sự kiện tầm vóc đủ sức thu hút khách quốc tế - Ảnh 2.

Nhiều ý kiến tâm huyết góp ý cho công tác truyền thông ngành du lịch thời gian tới phải tốt hơn - Ảnh: N.BÌNH

Cần chiến lược truyền thông du lịch tầm quốc gia

Đại diện các báo cũng khẳng định ở tầm quốc gia, du lịch Việt Nam cần có chiến dịch truyền thông thống nhất, bài bản. 

Ông Tô Đình Tuân, tổng biên tập báo Người Lao Động, cho biết các nước Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore... đều làm những chiến dịch quảng bá truyền thông rất tốt. Sau dịch, thói quen du lịch của du khách thay đổi nên họ chuẩn bị chiến dịch rầm rộ thu hút khách quốc tế trở lại. Ông Tuân đề xuất trong nước, các báo, đài cũng có thể mở chuyên trang bằng tiếng nước ngoài hay tận dụng các trang ngoại ngữ để đưa thông tin đến du khách quốc tế. 

Lắng nghe ý kiến của các nhà báo, bà Phan Thị Thắng, phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng ngành du lịch TP cũng nhìn nhận vào thực trạng công tác quảng bá xúc tiến thời gian qua là vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. 

Hiện TP chưa có chiến lược marketing điểm đến, các hoạt động quảng bá, xúc tiến chưa dựa trên kết quả nghiên cứu thị trường để xác định thị trường khách du lịch trọng điểm và cũng chưa xác định được lợi thế cạnh tranh của ngành du lịch TP, hoạt động xúc tiến các dự án đầu tư du lịch chưa bài bản, chưa thu hút được nhiều các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực du lịch…

"Đó là những điều chúng ta đã nhìn thấy và những góp ý của cơ quan báo chí về xây dựng chiến lược truyền thông, các sản phẩm du lịch xứng tầm cho TP cũng là những trăn trở, ấp ủ của du lịch TP", bà Thắng chia sẻ. 

150 người mua hàng quốc tế tìm hiểu thị trường Việt Nam tại Hội chợ Du lịch quốc tế 150 người mua hàng quốc tế tìm hiểu thị trường Việt Nam tại Hội chợ Du lịch quốc tế

TTO - Sau hơn hai năm bị gián đoạn, các nhà mua hàng quốc tế đã có dịp hội tụ ở trung tâm kinh tế - du lịch của Việt Nam để kết nối lại các hoạt động du lịch quốc tế, tại Hội chợ Du lịch quốc tế TP.HCM lần thứ 16.

N.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp