Các bác sĩ thăm khám một cụ ông nhiễm COVID-19 nguy kịch kèm nhiều bệnh nền - Ảnh: XUÂN MAI
Ca mắc mới và tử vong giảm, ca chuyển nặng còn ở mức cao
Theo báo cáo Bộ Y tế, trong vòng 2 tuần gần đây (từ ngày 13 đến 24-12), TP.HCM không còn "đứng đầu" về số ca mắc mới so với các tỉnh, thành trên cả nước và đã giảm sâu so với thời gian trước.
Điển hình vào thời điểm ngay sau TP nới lỏng giãn cách xã hội (ngày 1-10), mỗi ngày TP.HCM có trung bình hơn 2.500 ca thì trong khoảng 1 tuần gần đây, số ca nhiễm mới trên dưới 1.000 ca.
Đặc biệt, trong ngày 24-12, toàn TP ghi nhận 679 ca mắc mới, đứng thứ 8 sau các địa phương Hà Nội, Cà Mau, Tây Ninh, Vĩnh Long, Khánh Hòa, Cần Thơ, Đồng Tháp. Đây cũng là ngày số ca nhiễm TP thấp nhất trong nhiều tháng qua.
Cùng với số ca mắc mới, số ca tử vong tại TP.HCM đã giảm xuống 30% và đang ở mức đầu tháng 10 khi số ca mắc mới hằng ngày còn thấp, theo báo cáo Bộ Y tế ngày 24-12.
Cụ thể, dữ liệu từ Cổng thông tin COVID-19 TP.HCM cho thấy trong một tuần qua, trung bình mỗi ngày TP ghi nhận trên dưới 50 ca tử vong vì COVID-19, trong đó có nhiều ca từ các tỉnh, thành khác chuyển đến.
Dù số ca mắc mới và tử vong có chiều hướng giảm nhưng số chuyển nặng vẫn còn ở mức cao.
Trong ngày 24-12, TP đang có 450 bệnh nhân nặng đang thở máy, 16 bệnh nhân can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo). Con số này chưa có dấu hiệu giảm so với nửa tháng trước (488 bệnh nhân nặng đang thở máy và 15 bệnh nhân can thiệp ECMO ngày 12-12).
Nhân viên y tế tiếp cận, cấp cứu một trường hợp nhiễm COVID-19 là cụ bà đã cao tuổi - Ảnh: XUÂN MAI
Chiến dịch bảo vệ nhóm nguy cơ cao đạt hiệu quả
Phó Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tại TP.HCM Phạm Đức Hải cho hay sau khi TP bắt đầu chiến dịch bảo vệ nhóm thuộc nguy cơ cao (từ ngày 7-12), số ca nhập viện và tử vong đang có xu hướng giảm. Ông nhận định đây là một trong những thành công của chiến dịch bảo vệ người có nguy cơ.
Một chuyên gia cho rằng, bên cạnh số ca nhiễm qua xét nghiệm khẳng định tại TP.HCM được Bộ Y tế công bố, còn có thêm nhiều trường hợp test nhanh dương tính chưa được thống kê. Nhưng nhìn chung số ca nhiễm mới tại TP.HCM đã có khuynh hướng giảm so với thời gian trước.
Nói về lý do số ca tử vong cũng có chiều hướng giảm, theo vị này là nhờ chiến dịch tiêm vắc xin ngừa COVID-19 đã được phủ rộng ở nhiều nhóm đối tượng, trong đó có ưu tiên người thuộc nhóm nguy cơ cao, mắc bệnh nền... Bên cạnh đó còn nhờ vào mô hình dã chiến đa tầng, hạn chế nguy cơ chuyển nặng, tử vong khi chuyển viện.
"Các con số giảm nhưng đây không phải là điều tuyệt vời. Người dân cần tiếp tục cẩn thận, nâng cao cảnh giác phòng chống dịch bệnh, không ỷ lại vắc xin..." - vị này cảnh báo.
Giải thích về số bệnh nhân nặng cần hỗ trợ hô hấp, thở máy, ECMO vẫn còn ở mức cao, chuyên gia cho hay một người nhiễm thường mất 7-10 ngày sau mới chuyển nặng và sự sống của bệnh nhân cũng phụ thuộc vào máy thở.
"Khi số ca nhiễm mới giảm, số ca chuyển nặng và tử vong cũng giảm dần nhưng thường rơi vào 1-2 tuần sau mới thấy rõ con số này. Chẳng hạn ngày 24-12 có 450 bệnh nhân thở máy xâm lấn và 16 can thiệp ECMO thì những bệnh nhân này đã bị nhiễm COVID-19 từ 2-3 tuần trước" - vị này phân tích.
Mới đây, Sở Y tế TP.HCM đã gửi văn bản đề nghị các đơn vị điều tiết trong việc tiêu thụ lượng oxy, cho biết trong thời kỳ bùng phát dịch COVID-19 vừa qua, lượng oxy sử dụng cho công tác điều trị người bệnh trên địa bàn dao động 300 - 350 tấn/ngày.
Tuy nhiên giai đoạn hiện nay, một số công ty trước đó cung ứng oxy y tế chuyển sang sản xuất oxy cho ngành công nghiệp, trong khi nhu cầu oxy y tế ở các tỉnh khu vực phía Nam có xu hướng gia tăng, do đó có hiện tượng chậm cung ứng oxy y tế tại các bệnh viện.
Trước tình hình này, ngày 23-12, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình đã ký văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc cung cấp oxy y tế phục vụ điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 trên địa bàn.
Theo ông, hiện chỉ còn 5/11 đơn vị có khả năng cung cấp cho TP với lượng oxy lỏng khoảng 150 tấn/ngày, trong khi hiện các cơ sở y tế điều trị bệnh nhân COVID-19 có nhu cầu sử dụng đến 170 tấn/ngày, dự báo sắp tới là 350 tấn/ngày.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận