Trẻ mắc tay chân miệng nhập viện điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) - Ảnh: XUÂN MAI
Chiều 20-5, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cập nhật tình hình dịch bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết trên địa bàn TP.
Hiện số ca mắc bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng so với trung bình 4 tuần trước đó. Số ca bệnh gia tăng ở hầu hết các quận, huyện và TP Thủ Đức.
Đối với bệnh tay chân miệng, trong 4 tháng đầu năm 2022, TP ghi nhận 1.599 ca, với 96% các trẻ ở độ tuổi từ 1 - 5 tuổi. Đặc biệt, từ ngày 6 đến 12-5 ghi nhận thêm 628 ca, tăng gần gấp 3 lần so với trung bình 4 tuần trước đó. Trong đó ca bệnh tăng cả trường hợp nhập viện điều trị và khám ngoại trú.
Số ca tay chân miệng gia tăng báo động ở hầu hết các quận, huyện và TP Thủ Đức. Trong đó địa phương có số ca tăng so với trung bình 4 tuần trước là: các quận 8, Bình Tân, Tân Phú; khu vực 2 và 3 của TP Thủ Đức và huyện Bình Chánh.
Lấy mẫu xét nghiệm máu chẩn đoán sốt xuất huyết cho bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) - Ảnh: XUÂN MAI
Đối với sốt xuất huyết, trong 4 tháng đầu năm 2022, TP ghi nhận 7.426 ca, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm ngoái (6.393 ca). Từ ngày 6 đến 12-5, TP ghi nhận thêm 2 ca tử vong do sốt xuất huyết tại quận 11 và huyện Hóc Môn. Như vậy, số ca tử vong do sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay là 6 trường hợp.
Cũng trong khoảng thời gian này, TP ghi nhận 1.160 ca sốt xuất huyết, tăng 590 ca (gấp đôi so với trung bình 4 tuần trước). Trong đó số ca bệnh tăng ở cả các trường hợp nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú.
Số ca bệnh sốt xuất huyết có sự gia tăng báo động ở hầu hết các quận, huyện và TP Thủ Đức. Các địa phương có số ca tăng so với trung bình 4 tuần trước là: các quận Bình Tân, 12, Tân Phú; các huyện Bình Chánh, Hóc Môn; khu vực 3 của TP Thủ Đức.
Trước số ca mắc tay chân miệng và sốt xuất huyết đều gia tăng, HCDC tiếp tục khuyến cáo về dấu hiệu nhận biết, cách phòng bệnh.
Theo đó, đối với tay chân miệng có dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông.
Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên ở một số trường hợp bệnh diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong. Do đó bệnh cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
Để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng, cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng nhiều lần trong ngày ở cả người chăm sóc trẻ và trẻ; thực hiện ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng.
Bên cạnh đó, thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hằng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám bệnh.
Còn sốt xuất huyết, các bác sĩ cho biết, do bệnh lây từ người sang người qua muỗi đốt nên biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh là diệt muỗi và hạn chế môi trường sinh sống của muỗi.
Phụ huynh cần chú ý đặc điểm nhận biết bệnh sốt xuất huyết là sốt cao liên tục 2-7 ngày kèm các dấu hiệu xuất huyết như chấm xuất huyết, chảy máu răng, máu mũi, vết bầm, xuất huyết âm đạo (trẻ gái ở tuổi dậy thì)...
Bệnh thường trở nặng vào ngày thứ 4 đến thứ 6 của bệnh với biểu hiện trụy tim mạch (tay chân lạnh, mạch nhẹ, khó bắt) và thường ít kèm các triệu chứng hô hấp (ho, sổ mũi) và tiêu chảy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận