Sau nhiều lần phải khám sàng lọc vì huyết áp cao, ông Trần Văn Đợi (70 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) được tiêm vắc xin COVID-19 - Ảnh: X.MAI
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online vào sáng 22-7, một số cán bộ hưu trí trên 65 tuổi đã có mặt tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) để tiêm vắc xin COVID-19 đợt 5. Tại đây, tất cả mọi người đều phải thực hiện test nhanh trước khi tiêm. Khi có kết quả âm tính sẽ tiếp tục bước vào khu vực tiêm.
Vì phần lớn mọi người đều lớn tuổi, có bệnh nền nên các nhân viên y tế dành nhiều thời gian khám sàng lọc trước tiêm và theo dõi sau tiêm. Ngồi đợi theo dõi sức khỏe sau tiêm, ông Đặng Văn Bản (70 tuổi, cán bộ hưu trí, ngụ tại TP Thủ Đức) chia sẻ bản thân rất phấn khởi khi được tiêm vắc xin đợt 5 này.
Dù huyết áp không ổn định nhiều năm qua nhưng ông Bản không quá lo lắng. “Tôi được bác sĩ cho uống một viên thuốc hạ huyết áp. Đã 20 phút sau tiêm, tôi thấy cơ thể chưa có gì bất ổn. Tôi mong sao Nhà nước sớm có thêm nhiều vắc xin để mọi người dân đều được tiêm phòng bệnh” - ông Bản nói.
Đại diện Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết, dự kiến trong ngày 22-7, bệnh viện tiêm khoảng 240 liều vắc xin. Danh sách những người được tiêm chủng tại bệnh viện do UBND TP Thủ Đức chuyển đến.
Phần lớn mọi người đều lớn tuổi, có bệnh nền nên các nhân viên y tế dành nhiều thời gian khám sàng lọc trước tiêm và theo dõi sau tiêm - Ảnh: X.MAI
Ghi nhận tại điểm tiêm Bệnh viện Quận Phú Nhuận sáng 22-7, đối tượng được tiêm đa số là người cao tuổi nên đều có người nhà theo cùng để hỗ trợ di chuyển, khiến cho khu vực chờ tiêm ban đầu xảy ra tình trạng đông đúc.
Tại bệnh viện Phú Nhuận, sau khi khám sàng lọc, người dân được đo huyết áp để kiểm tra tình trang sức khoẻ lần cuối trước tiêm - Ảnh: CẨM NƯƠNG
Tuy nhiên nhân viên điều phối tiêm đã nhanh chóng nhắc nhở mọi người tuân thủ đúng 5K. Chị Minh Anh - ngụ phường 2, quận Phú Nhuận - cho biết sáng nay trời mưa rất to nên việc di chuyển cũng khó khăn hơn, tuy nhiên vì để mẹ được tiêm vắc xin nên chị cũng tranh thủ đưa mẹ đến sớm, theo khung giờ hẹn trước đó.
“Do mẹ bị huyết áp cao nên tôi cũng rất lo không biết có tiêm được hay không, tuy nhiên đến đây các bác sĩ tiến hành khám sàng lọc rất kỹ nên tôi cũng an tâm hơn”, chị Minh Anh chia sẻ. Theo đó, tất cả bệnh nhân khi đến tiêm đều được khai báo y tế, đo huyết áp, và khám sàng lọc trước khi tiến hành tiêm.
Những trường hợp bệnh nhân có huyết áp cao từ 170 trở lên đều được nhân viên y tế hướng dẫn đến ngay phòng cấp cứu để kiểm tra lại tình trạng sức khoẻ, khi huyết áp ổn định sẽ được trở lại phòng chờ tiêm.
Bà Nguyễn Thị Như Ý, chánh văn phòng UBND quận Phú Nhuận, cho biết những người đến tiêm tại địa điểm này đều đã đăng ký online trước, sau đó quận sẽ lọc danh sách và nhờ các phường gọi điện trực tiếp cho người dân để nhắc nhở đến tiêm.
Trước đó ngày 20-7 điểm tiêm này cũng đã tiến hành tiêm mẫu cho 24 người dân thuộc đối tượng người cao tuổi. “Sau khi tiêm xong phía phường đã gọi hỏi thăm tình trạng sức khoẻ của từng người, đa số người dân đều có triệu chứng phản ứng sau tiêm nhẹ”, bà Như Ý cho biết.
Để đảm bảo quy định phòng chống dịch người dân đều được phường hẹn tiêm theo giờ cụ thể, mỗi tiếng sẽ tiêm từ 10-12 người.
Đến khoảng 10h30, phòng cấp cứu thông báo không còn giường bệnh để tiếp nhận do trường hợp người dân đến tiêm cao huyết áp nhiều. Người dân được cán bộ y tế sắp xếp ngồi nghỉ tại khu vực băng ghế gần đó và được theo dõi sức khoẻ tại chỗ.
Quang cảnh tiêm vắc xin ở nhà thi đấu Lãnh Binh Thăng - Ảnh: CHÂU TUẤN
Ghi nhận sáng 22-7, tại nhà thi đấu Lãnh Binh Thăng, quận 11, lực lượng chức năng đang triển khai tiêm vắc cho người dân có độ tuổi dưới 65.
Người dân khi đến cửa ra vào nhà thi đấu được đo thân nhiệt và hướng dẫn đảm bảo giãn cách đi vào khu vực khai báo y tế. Một vài người dân có thân nhiệt cao hơn 38 độ C được yêu cầu quay về hoặc ở lại để đo lần 2.
Các nhân viên y tế tại đây liên tục thông báo, yêu cầu những người trên 65 tuổi, có bệnh nền sẽ quay về và tiêm vắc xin tại bệnh viện.
Tại khu vực tiêm được chia thành 3 đội với 13 bàn tiêm chủng và khám sàng lọc đảm bảo giãn cách an toàn chống dịch. Sau khi tiêm, người dân được yêu cầu ở tại nhà thi đấu khoảng 30 phút để theo dõi ổn định mới được ra về.
Người dân trước khi vào tiêm được đo thân nhiệt và yêu cầu đứng giãn cách - Ảnh: CHÂU TUẤN
Người dân tiêm vắc xin tại nhà thi đấu Lãnh Binh Thăng, quận 11, TPHCM sáng 22-7 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo kế hoạch, toàn TP.HCM sẽ vận hành hơn 600 điểm tiêm, với 120 người/ngày/điểm tiêm. Mỗi phường, xã tổ chức ít nhất 2 điểm tiêm. Tùy theo tình hình ổn định sẽ tăng số lượng lên 200 người/điểm tiêm/ngày.
Tổng số vắc xin được phân bổ đợt 5 tại TP.HCM hơn 930.000 liều, gồm 3 loại vắc xin AstraZeneca, Moderna (235.000 liều) và Pfizer (gần 55.000 liều). Dự kiến trong 2-3 tuần sẽ tiêm xong số vắc xin này.
Để công tác tổ chức tiêm vắc xin đợt 5 tại TP.HCM được thuận lợi, an toàn, kịp tiến độ, Sở Y tế TP đã gửi văn bản khẩn đến các đơn vị thực hiện.
Nhân viên y tế Viện Y dược học dân tộc TP.HCM chuẩn bị tiêm vắc xin đợt 5 cho người dân TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Theo đó, người mắc bệnh (thận mạn tính, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính), người có tình trạng béo phì, người trên 65 tuổi sẽ tiêm ở bệnh viện. Các đối tượng còn lại sẽ tiêm ở cộng đồng.
Sở Y tế TP lưu ý các cơ sở tiêm chủng phải liên hệ phòng y tế, trung tâm y tế địa phương để biết địa điểm tiêm, chủ động liên hệ phòng y tế để bố trí số đội tiêm phù hợp lượng người đến tiêm hằng ngày.
Cử các đội tiêm theo đúng quy định (mỗi đội gồm 1 bác sĩ khám sàng lọc, 1 điều dưỡng thực hiện kỹ thuật tiêm, 1 bác sĩ và 11 điều dưỡng theo dõi sau tiêm, 1 nhân viên hành chính).
Tất cả nhân sự chuyên môn phải được tập huấn về an toàn tiêm chủng. Các đội tiêm khi thực hiện nhiệm vụ phải tuân thủ phương tiện phòng hộ (áo choàng, khẩu trang N95, kính/mạng che mặt...).
Mỗi đội tiêm phải có mặt tại điểm tiêm đúng thời gian quy định (sáng 7h30, chiều 13h), trang bị đầy đủ phương tiện phòng hộ, dụng cụ tiêm, vật tư tiêu hao, hộp thuốc cấp cứu phản vệ và trang thiết bị cấp cứu cần thiết để xử trí cấp cứu.
Sở Y tế cũng yêu cầu các cơ sở tiêm chủng phải sắp xếp, bố trí điểm tiêm đúng quy trình 1 chiều và tuân thủ các biện pháp 5K khi tổ chức tiêm chủng, tránh tập trung đông người hoặc ảnh hưởng đến việc chăm sóc người bệnh.
Đảm bảo các trang thiết bị cấp cứu để sẵn sàng xử lý các phản ứng bất lợi sau tiêm (nếu có).
Về giấy xác nhận tiêm vắc xin phòng COVID-19, phải cấp ngay tại buổi tiêm cho tất cả các trường hợp do đơn vị phụ trách tiêm (do đội trưởng đội tiêm ký xác nhận, khuyến khích đóng dấu điểm tiêm).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận