Chiều 12-8, Sở Y tế TP.HCM đã có cuộc họp trực tuyến giao ban với tất cả các bệnh viện và trung tâm y tế trên địa bàn để thống nhất các giải pháp phòng chống dịch sởi.
Tại cuộc họp, PGS.TS Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết mặc dù sởi không phức tạp như COVID-19 nhưng không xem thường.
Giám đốc Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện trên địa bàn cần triển khai ngay giải pháp phòng chống dịch sởi, không để lây lan, đặc biệt trong bệnh viện.
Các quận, huyện phải chủ động rà soát danh sách trẻ chưa tiêm vắc xin, tổ chức tiêm cho trẻ để tăng miễn dịch cộng đồng.
Bác sĩ Lê Hồng Nga - phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM - cho biết đầu năm 2024, TP không ghi nhận ca sởi dương tính nào, nhưng bắt đầu từ ngày 23-5 đến 11-8, tất cả các bệnh viện trên địa bàn TP ghi nhận có 597 ca sốt phát ban nghi sởi.
Hầu hết trẻ được làm xét nghiệm, phát hiện 346 ca dương tính, TP.HCM có 153 ca - chiếm 50%, còn lại là tại các tỉnh đến khám và điều trị.
Bà Nga chia sẻ thêm 153 ca sởi tại TP xuất hiện ở 57 phường, xã, 16 quận, huyện và trong đó có 9 quận, huyện có từ 2 ca bệnh trở lên (đủ điều kiện công bố dịch).
Đáng nói từ năm 2021 đến 2023, toàn TP chỉ có 1 ca bệnh sởi.
Bên cạnh đó, trên 115 trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên dương tính với sởi đủ điều kiện tiêm vắc xin mũi 1 thì có 73% chưa được tiêm chủng mũi nào, còn lại 12% không rõ tiền sử tiêm chủng.
Cũng theo bà Nga, nhiều quận, huyện trên địa bàn TP.HCM không đạt tỉ lệ tiêm chủng, tỉ lệ bao phủ vắc xin sởi. Điển hình tỉ lệ tiêm chủng mũi vắc xin sởi 1 năm 2023 chỉ đạt 89,2% trên quy mô toàn TP, chưa có quận huyện nào đạt trên 95%.
Với tỉ lệ tiêm chủng vắc xin sởi mũi 2, từ năm 2019 -2022 đều chưa đạt trên 95%. Có quận huyện 4 năm liên tiếp không đạt tỉ lệ tiêm chủng trên 95% gồm: quận 5, quận 8, quận 11, quận 2, Củ Chi, TP Thủ Đức... do vậy không ngăn chặn được sự tấn công của dịch sởi.
"Khi đi giám sát có những địa phương gần 40% trẻ sinh sống trên địa bàn không có trong danh sách trẻ được quản lý, dẫn đến dễ bỏ sót. TP đã yêu cầu các địa phương phải lập danh sách trẻ sống trên địa bàn để tiêm vắc xin đầy đủ", bà Nga nói.
Tại cuộc họp, đại diện phòng nghiệp vụ Sở Y tế TP.HCM yêu cầu các bệnh viện phải chuẩn bị sẵn cơ số giường, phòng riêng biệt cách ly bệnh nhi sởi để tránh lây nhiễm.
Làm gì để kiểm soát dịch sởi?
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết sởi lây qua đường hô hấp, trung bình 1 ca bệnh sẽ lây 12-18 ca khác, so với dịch COVID-19 trung bình 1 ca lây từ chỉ 2-5 ca.
Bệnh sởi thông thường sẽ tự khỏi, không có thuốc điều trị đặc hiệu, nhưng một số có diễn tiến nặng như viêm phổi, viêm não... đặc biệt là trẻ suy dinh dưỡng.
Để kiểm soát được dịch sởi trong cộng đồng, cần độ bao phủ vắc xin đạt trên 95%.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận