Akio Toyoda, chủ tịch tập đoàn Toyota Motor và kiến trúc sư Đan Mạch Bjarke Ingels, Giám đốc điều hành tập đoàn Bjarke Ingels Group tại cuộc họp báo ở Las Vegas - Ảnh: REUTERS
Chủ tịch hãng cho biết thành phố sẽ có những ngôi nhà thông minh, sử dụng năng lượng từ pin nhiên liệu hydro và hoạt động như một phòng thí nghiệm lớn về ô tô tự lái, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và các công nghệ khác.
Thành phố tương lai nhưng dĩ nhiên có nền tảng từ quá khứ và hiện tại vì nó được xây dựng trên mặt bằng của một nhà máy đã đóng cửa. Toyota đặt tên nơi đây là "Thành phố dệt" - tên gọi gắn với sự khởi đầu của công ty với tư cách là một công ty sản xuất máy dệt. Thành phố có nhà ở cho các cư dân và các nhà nghiên cứu làm việc ở đây.
Giám đốc điều hành của nhiều nhà sản xuất ô tô lớn trên thế giới đã nói về việc các thành phố trong tương lai được thiết kế để cắt giảm khí thải - nguyên nhân góp phần gây ra biến đổi khí hậu từ các phương tiện và tòa nhà, giảm kẹt xe và internet được ứng dụng sâu rộng vào cuộc sống hàng ngày.
Tuy nhiên, kế hoạch của Toyota là xây dựng một cộng đồng tương lai trên một diện tích 71 ha gần núi Phú Sĩ, một bước đi vượt xa những gì đối thủ đã đề xuất. Kế hoạch này không chỉ cho thấy tham vọng của Chủ tịch Toyota, ông Akio Toyoda, mà còn khẳng định giá trị về tài chính và chính trị mà Toyota có thể mang về cho đất nước.
Theo công ty, ban đầu sẽ có khoảng 2.000 người sống ở thành phố dệt. Công tác xây dựng sẽ bắt đầu vào năm sau. Kiến trúc sư Đan Mạch Bjarke Ingels được tin tưởng giao thiết kế cộng đồng tương lai này.
Kiến trúc sư Đan Mạch Bjarke Ingels được tin tưởng giao thiết kế cộng đồng tương lai này - Ảnh: REUTERS
Công ty của Ingels đã thiết kế tòa nhà Trung tâm thương mại thế giới 2 ở New York và các văn phòng của Google ở Thung lũng Silicon và London.
Toyota cho biết họ sẵn sàng hợp tác với các công ty khác muốn sử dụng dự án làm nơi thử nghiệm công nghệ.
Chi phí xây thành phố không được tiết lộ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận