Cách đây hai năm, một anh bạn tôi là dân nghiên cứu khoa học - ngành vật lý kể cho nghe câu chuyện thế này: Anh được một trường đại học tên tuổi mời ra đề thi tuyển sinh bậc cao học. Kỳ thi năm ấy có trên 30 người đăng ký và kết thúc chỉ có... ba người đạt!
Ai cũng than đề khó quá. Thế là người phụ trách đào tạo gặp anh và đề nghị chấm nới tay một chút, vì chỉ có ba người thì không đủ “sở hụi”. Anh từ chối và khẳng định đề không khó, đúng với yêu cầu đầu vào học thạc sĩ. Và thế là “mối tình” của anh với trường này kết thúc.
Sở dĩ tôi nhớ lại câu chuyện trên là bởi vừa rồi mới đọc bài viết “” trên Tuổi Trẻ ngày 2-10.
Đúng như bài báo phản ánh, thạc sĩ bây giờ nhiều như nấm sau mưa. Lẽ ra trên tinh thần “học tập suốt đời”, việc nhiều người đã đi làm rồi nhưng vẫn nỗ lực đi học để nâng cao trình độ, làm giàu kiến thức cho bản thân là một điều rất đáng mừng.
Tuy nhiên, nó nghiệt là trong vô số thạc sĩ ấy có bao nhiêu thạc sĩ học thật, học vì nhu cầu công việc; và bao nhiêu học giả, học để kiếm bằng lòe nhau? Thật khó có con số thống kê chính xác, nhưng rất nhiều người tin rằng nấm độc rất nhiều.
Tại sao vậy? Đơn giản thôi, cứ nhìn vào cách tuyển sinh quá dễ dãi, cách học cho lấy có thì biết ngay thôi mà.
Người Việt ngày xưa đã có câu “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” để thể hiện quan điểm sống, làm việc là phải đi vào thực chất, hiệu quả chứ không phải là thứ bằng cấp hào nhoáng. Thế nhưng bây giờ thì khác.
Cứ nghe người ta xưng danh mà muốn xây xẩm mặt mày. Yêu cầu của một thầy cô giáo chỉ cần bằng cấp là cử nhân sư phạm, và trong quá trình đi dạy chỉ cần học thêm các khóa tu nghiệp ngắn ngày là quá đủ.
Nhưng mà người ta cứ đua nhau đi học lấy bằng thạc sĩ, dù kiến thức ấy không thật cần thiết cho nghề gõ đầu trẻ. Hiệu trưởng, hiệu phó phải ráng kiếm cái bằng tiến sĩ để vừa không thua chị kém em, vừa thuận lợi cho việc leo cao.
Nhân đây cũng xin kể một câu chuyện có thật: Tại hội nghị về công tác quy hoạch cán bộ của một sở giáo dục - đào tạo, một hiệu trưởng đã đòi phải công khai chuyên ngành của các vị lãnh đạo ngành khi được nêu tên kèm theo học vị tiến sĩ, thạc sĩ.
Bởi phải biết học chuyên ngành gì, có phù hợp với công tác quản lý giáo dục không mới bỏ phiếu tín nhiệm được chứ.
Trước yêu cầu chính đáng này, cấp trên đã đồng ý tạm dừng hội nghị nửa giờ để bổ sung thông tin. Và kết quả ai cũng ngỡ ngàng vì đa số là những chuyên ngành đi kèm học vị tiến sĩ, thạc sĩ chẳng liên quan gì đến chuyên môn quản lý giáo dục!
Và nữa, tôi chất vấn một người bạn mình làm báo rằng sao cứ viết “tiến sĩ A, giám đốc sở B”? Người dân đâu cần biết ông giám đốc sở B là tiến sĩ hay thạc sĩ.
Cái người dân cần là ông ấy làm có hiệu quả hay không. Chưa kể ông giám đốc có còn nghiên cứu khoa học không mà xưng là tiến sĩ? Người bạn làm báo trả lời rằng: Khổ lắm, không kèm theo cái học vị tiến sĩ, thạc sĩ là giận. Mà giận thì lần sau mình năn nỉ gãy lưỡi cũng khó được gặp...
Trở lại chuyện thạc sĩ nhiều như nấm sau mưa, không thể không băn khoăn vấn nạn này do nhiều trường tham tiền, hay do nhu cầu của xã hội quá dữ dội? Có lẽ khó trả lời vì câu hỏi này cũng giống chuyện con gà có trước hay quả trứng có trước.
Chỉ biết chắc một điều chuyện hám danh ngày càng dị, và điều đó nếu quy đổi thành vật chất ắt cũng là một món lãng phí cực lớn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận