Phóng to |
Mũ bảo hiểm dỏm chỉ được bán với giá dưới 30.000 đồng/chiếc (ảnh chụp lúc 17g10 ngày 30-6 tại phố Định Công, Q.Hoàng Mai, Hà Nội) - Ảnh: Quang Thế |
Không để người đi lại bằng xe máy đội mũ không an toàn là mong muốn, đòi hỏi chính đáng không chỉ của nhà chức trách mà còn là của toàn xã hội.
Biện pháp xử phạt người đi xe máy (kể cả xe máy điện) mà đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn, bắt đầu được áp dụng từ ngày 1-7, được cho là cách thức hữu hiệu để đạt được điều mong muốn tốt đẹp đó. Tất nhiên, chẳng ai thích bị đánh vào túi tiền. Vì thế đối với người đi xe máy, cách tích cực nhất là mua một chiếc mũ bảo hiểm đạt chuẩn.
Tuy nhiên, có một thực tế là trên thị trường mũ “dỏm” và mũ đạt chuẩn thường đan xen, lẫn lộn, khó phân biệt. Vấn đề là làm thế nào để biết chắc chiếc mũ mình định mua có đạt chuẩn hay không.
Người bình thường chỉ có thể nhìn nhận đồ vật theo cảm quan và phỏng đoán về mức độ tốt hay xấu của nó theo sự hiểu biết, kinh nghiệm cá nhân, cũng như theo sự hướng dẫn, tư vấn của người bán.
Còn xác định xem liệu đồ vật có thật sự thỏa mãn các tiêu chuẩn kỹ thuật phức tạp được luật pháp quy định là việc mà thường phải là người có kiến thức chuyên môn mới làm được.
Đó là chưa kể cả những người thực thi pháp luật cũng cảm thấy lúng túng khi xử phạt người đi đường: Làm sao phân biệt được mũ đạt chuẩn và mũ “dỏm”?
Xử phạt rồi sẽ tịch thu mũ “dỏm” hay cho người điều khiển xe máy đội lên đầu đi tiếp? Trường hợp mũ đạt chuẩn nhưng trong quá trình sử dụng đã bị bong tróc tem kiểm định thì xử lý ra sao?...
Ở các nước, người ta không đá trái bóng trách nhiệm thẩm định chất lượng sản phẩm về phía người tiêu dùng. Nhà chức trách tổ chức hệ thống kiểm tra và xây dựng đội ngũ chuyên gia lành nghề để thực hiện công việc đánh giá chất lượng sản phẩm ngay từ khâu sản xuất hoặc nhập khẩu.
Các doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm chỉnh các điều kiện có liên quan và phải chịu trách nhiệm bảo đảm các cam kết về chất lượng của sản phẩm được sản xuất, nhập khẩu dưới tên mình. Doanh nghiệp nào vi phạm cam kết, cho lưu hành những sản phẩm kém chất lượng, gây thiệt hại cho người tiêu dùng sẽ đối mặt với những chế tài nghiêm khắc, có khi dẫn đến tán gia bại sản.
Nếu việc sản xuất, nhập khẩu mũ bảo hiểm được kiểm soát, quản lý chặt chẽ, nghiêm ngặt thì những chiếc mũ tốt sẽ được lưu hành rộng rãi để người tiêu dùng lựa chọn; những chiếc mũ không đạt chuẩn sẽ ít có khả năng, cơ hội lưu thông và cũng dễ bị nhận dạng khi xuất hiện.
Trong điều kiện đó, nếu người đi xe máy vẫn đội lên đầu chiếc mũ “dỏm” khi đi lại trên đường thì rất đáng bị xử phạt. Còn ngược lại, cơ quan chức năng để sản phẩm kém chất lượng lưu hành tràn lan, gây nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng của người sử dụng dĩ nhiên cũng phải chịu trách nhiệm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận