Tốt nghiệp rồi... thất nghiệp

THANH TÚ
THANH TÚ

TT - Sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm, hoặc phải làm việc trái với ngành nghề được đào tạo nhằm kiếm sống qua ngày đang gia tăng. Tuổi Trẻ mở đầu tuyến bài về thực trạng này bằng câu chuyện: Món nợ của “gia đình hiếu học”.

S6gWpWEY.jpgPhóng to
Hai chị em sinh đôi Đặng Thị Thanh Thảo và Đặng Thị Thu Thảo trong ngày tốt nghiệp cử nhân sư phạm, ĐH Đồng Tháp năm 2011 - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Kỳ 1: Món nợ của “gia đình hiếu học”

Vay ngân hàng hơn 100 triệu đồng cho con học đại học, đến nay gia đình ông Đặng Văn Hùng (xã An Phước, huyện Tân Hồng, Đồng Tháp) vẫn chưa trả được đồng nào. Bốn người con đều tốt nghiệp ĐH ngành sư phạm nhưng chỉ một người được đứng trên bục giảng.

Nhà ông Đặng Văn Hùng chỉ là một trong số hàng nghìn gia đình tại tỉnh Đồng Tháp đang lâm vào tình trạng tương tự. Theo thống kê mới nhất từ Trường ĐH Đồng Tháp, ngoài 3.000 sinh viên tốt nghiệp đang thất nghiệp, năm học 2013-2014 trường sẽ có thêm 1.674 sinh viên ra trường...

uaHvTxkx.jpgPhóng to
Hiện cả hai làm nhân viên trực tổng đài của một hãng taxi tại TP.HCM, sống tạm bợ trong căn phòng trọ. Gia đình họ đã vay nợ cả trăm triệu đồng cho con ăn học Ảnh: T.T.D.

Niềm tự hào đắng ngắt

Chỉ vào tấm bằng khen lớn treo cạnh tấm hình bốn đứa con mặc áo cử nhân ngày ra trường, ông Hùng cho biết năm 2008, gia đình ông được chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp tặng bằng khen “Gia đình hiếu học”. Ông Hùng rất tự hào với tấm bằng khen ấy.

Thế nhưng niềm tự hào của ông mau chóng trở nên đắng ngắt khi cả bốn đứa con ra trường đều không có việc làm. Đặc biệt, số nợ vay ở Ngân hàng chính sách xã hội cho bốn người con đi học (hơn 100 triệu đồng) đến nay vợ chồng ông Hùng vẫn chưa trả được đồng nào.

Ông Hùng đã cùng con vác đơn đi khắp nơi xin việc. Cứ mỗi lần nghe ở đâu có nhu cầu tuyển dụng là ông tìm đến, đi riết rồi cũng hết tiền hết bạc, đuối sức luôn.

Bà Nguyễn Thị Hà (vợ ông Hùng) kể mấy đứa nhỏ cũng đi tìm việc cả hai năm qua, nhưng đến nay chỉ có mỗi mình đứa lớn Đặng Thị Hiếu (tốt nghiệp cử nhân ngữ văn) được Phòng giáo dục - đào tạo huyện Tam Nông nhận vào đứng lớp hai tháng nay.

Ba người con còn lại là Đặng Thanh Thảo (cử nhân vật lý) làm việc thời vụ, lúc có lúc không. Riêng Đặng Thị Thu Thảo (cử nhân sử học), Đặng Thị Thanh Thảo (cử nhân địa lý) đi làm công nhân cho một cơ sở chế biến cá tra xuất khẩu.

Và mới đây, nhờ người quen giới thiệu, Đặng Thị Thanh Thảo và Đặng Thị Thu Thảo đã đến TP.HCM, trực tổng đài điện thoại cho một doanh nghiệp vận tải với mức lương 3 triệu đồng/tháng.

Trường hợp của Nguyễn Thành Nhân, 28 tuổi, ngụ xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), cử nhân khoa học máy tính Trường ĐH Đồng Tháp, cũng không khá gì hơn. Sau nhiều năm ngồi ở giảng đường, đến khi ra trường gia đình Nhân đã phải bán 5 công đất để trả nợ.

Từng tốt nghiệp CĐ công nghệ thực phẩm ở Trường CĐ Cộng đồng Đồng Tháp, vác đơn xin việc khắp nơi nhưng chẳng chỗ nào nhận.

Năm 2006, Nhân tiếp tục nộp đơn thi và trúng tuyển vào ngành khoa học máy tính Trường ĐH Đồng Tháp. Năm 2011, Nhân tốt nghiệp ra trường thì được hướng dẫn học thêm sáu tháng để lấy chứng chỉ sư phạm nhằm “rộng cửa” xin việc làm.

Thế nhưng, sau khi nộp đơn cả chục nơi trong tỉnh, Nhân đi Long An, Bạc Liêu, Cà Mau để xin việc nhưng chỗ nào cũng từ chối hoặc không hồi âm. Sau một thời gian dài thất nghiệp, nghe bạn bè giới thiệu, Nhân đăng ký học thêm lớp sửa chữa laptop do Trung tâm Chipset TP.HCM tổ chức.

Như vậy, tính ra Nhân có tổng cộng bốn tấm bằng cùng các chứng chỉ nghề nghiệp nhưng mãi tới tháng 9-2013, Nhân mới được một công ty ở TP Cao Lãnh nhận vào làm công việc bảo trì phòng Internet với lương 3 triệu đồng/tháng.

p3cNqiLt.jpgPhóng to
Hai chị em sinh đôi - cử nhân sư phạm ĐH Đồng Tháp Đặng Thị Thanh Thảo và Đặng Thị Thu Thảo (áo sậm) hiện làm nhân viên trực tổng đài cho một hãng vận tải tại TP.HCM Ảnh: T.T.D.

Nối dài danh sách thất nghiệp

Ngoài 3.000 sinh viên ra trường đang thất nghiệp, theo thống kê mới nhất từ Trường ĐH Đồng Tháp, trong năm học 2013-2014, trường sẽ có thêm 1.674 sinh viên ra trường, 2/3 số sinh viên này là con em của tỉnh Đồng Tháp. Trong số này có 1.035 sinh viên ngành tiểu học - mầm non, 639 sinh viên khối THPT.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, chuyên viên phòng tổ chức cán bộ Sở GD-ĐT Đồng Tháp, trong năm học 2013-2014, ngoài 23 chỉ tiêu tuyển dụng mới phục vụ hai trường THPT chuyên, tỉnh Đồng Tháp không có chỉ tiêu tuyển dụng sinh viên mới ra trường về dạy ở khối THPT.

Khối tiểu học - mầm non có khoảng 450 chỉ tiêu thì khối mầm non đã tuyển đủ. Riêng khối tiểu học cần 177 chỉ tiêu, chủ yếu là các môn nhạc, họa, TDTT đang tuyển.

Việc giải quyết việc làm cho các tân cử nhân ngày càng trở thành gánh nặng cho Đồng Tháp, bởi tỉnh này hiện có khoảng 8.398 sinh viên đang theo học ngành sư phạm và sẽ ra trường trong ba năm tới.

Ông Phan Văn Tiếu - phó giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đồng Tháp - cho biết bắt đầu từ năm 2013, UBND tỉnh đưa hình thức tuyển dụng cán bộ công chức theo hình thức thi tuyển công khai. Hiện các cơ quan hành chính của tỉnh đang có nhu cầu tuyển dụng khoảng 180 vị trí.

Và ngay khi Sở Nội vụ ra thông báo tuyển dụng công khai, đã có hơn 800 hồ sơ tham dự thi tuyển.

Một giải pháp khác nhằm giải quyết việc làm cho sinh viên ra trường là tỉnh sẽ “thanh lọc” đội ngũ cán bộ công chức từ cấp xã đến cấp tỉnh.

Trước mắt tỉnh Đồng Tháp đang triển khai thực hiện đề án “Nâng cao năng lực cán bộ công chức chính quyền cấp xã phường và thị trấn” để dần loại những cán bộ yếu kém, nhằm tạo điều kiện cho số sinh viên ra trường chưa có việc làm thế vào.

Thế nhưng theo ông Tiếu, hiện toàn tỉnh Đồng Tháp chỉ có hơn 2.600 cán bộ công chức chính quyền từ xã đến tỉnh, nên cho dù có thay thế hết cán bộ yếu kém thì cơ hội tạo việc làm cho sinh viên mới ra trường cũng không đủ!

“Trách nhà trường là hơi oan”

Liên quan đến giải pháp tìm việc cho sinh viên ngành sư phạm ra trường không có việc làm, PGS.TS Nguyễn Văn Đệ - hiệu trưởng trường ĐH Đồng Tháp - cho biết một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng dư thừa giáo viên là do công tác quy hoạch tổng thể nguồn nhân lực của các tỉnh ĐBSCL mấy năm qua chưa làm được.

Vì vậy, đã đến lúc các tỉnh, các trường đại học trong vùng phải ngồi lại với nhau để xác định nhu cầu và năng lực đào tạo của từng tỉnh, từng trường để xem tỉnh nào có nhu cầu bao nhiêu, trường nào có thế mạnh môn nào để có kế hoạch đào tạo cụ thể. Vấn đề là các tỉnh, các trường phải có sự liên kết với nhau. Tại sao các ngành nghề, lĩnh vực khác như nông nghiệp, công nghiệp lại đặt vấn đề liên kết vùng, trong khi giáo dục chưa được đề cập nên chưa làm được.

“Trên thực tế, bản thân người học không bao giờ biết được năm năm sau ngành này cần bao nhiêu, ngành kia dư bao nhiêu nên nếu có trách trường đào tạo là hơi oan cho các trường. Lấy ví dụ như ngành ngân hàng, năm năm trước liệu có ai biết được học ngành này phải vất vả xin việc như ngày hôm nay? Do đó nếu chỉ trách trường nào hoặc tỉnh nào để dư thừa nguồn nhân lực là không khách quan” - ông Đệ khẳng định.

Ông Đệ cũng cho biết thêm bản thân Trường ĐH Đồng Tháp đã chủ động giảm số lượng đào tạo từ mấy năm qua. Chủ trương chung là giảm 10% nhưng Trường ĐH Đồng Tháp đã giảm nhiều hơn con số đó, và mạnh dạn chuyển sang hình thức bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên để đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội.

THANH TÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp