08/02/2022 11:29 GMT+7

Top 10 ngân hàng có nợ xấu lớn nhất 2021

BÔNG MAI
BÔNG MAI

TTO - Bảng xếp hạng top 10 ngân hàng đang gánh khoản nợ xấu lớn nhất năm 2021 vừa được lộ diện, với nhiều sự thay đổi. VPBank, VietinBank và BIDV là ba gương mặt có khoản nợ xấu cao hàng đầu.

Top 10 ngân hàng có nợ xấu lớn nhất 2021 - Ảnh 1.

Bảng xếp hạng top 10 ngân hàng có nợ xấu dẫn đầu trong năm 2021 đã có sự xáo trộn. Trong ảnh là khung cảnh giao dịch ở một ngân hàng tại TP.HCM - Ảnh: BÔNG MAI

Dựa vào báo cáo tài chính hợp nhất quý 4-2021 vừa được các ngân hàng công bố, có thể thấy vị trí bảng xếp hạng top 10 về nợ xấu đã có sự thay đổi đáng kể. 

VPBank dẫn đầu top 10 ngân hàng ôm nợ xấu

Trong đó, VPBank, VietinBank và BIDV là ba gương mặt có khoản nợ xấu cao hàng đầu, từ 13.000-16.000 tỉ đồng. 7 thành viên còn lại trong top 10 đều có khoản nợ xấu dao động từ 3.000-6.000 tỉ đồng.

Cụ thể, khép lại năm tài chính 2021, VPBank dẫn đầu trong top 10 ngân hàng ôm nợ xấu nhiều với hơn 15.800 tỉ đồng, tăng 60% so với năm trước. 

Về chất lượng nợ vay, nợ nghi ngờ của VPBank tăng đáng kể nhưng nợ có khả năng mất vốn giảm đi một nửa. Nếu xét riêng ngân hàng mẹ thì nợ xấu ngân hàng mẹ có phần đi ngang.

Nợ xấu VPBank tăng thêm phần lớn do trong năm vừa qua công ty con FE Credit chịu ảnh hưởng lớn từ dịch Covid-19. Nợ có khả năng mất vốn đã giảm một nửa và 80% khách hàng được tái cơ cấu khoản vay đã quay lại trả nợ.

VietinBank cũng bị đẩy lên một bậc so với năm trước, xếp hạng 2/10 khi gánh khoản nợ xấu gần 14.300 tỉ đồng, tăng gần 49% so với năm trước. Diễn biến này đến từ việc khoản nợ dưới chuẩn (nhóm 3) tăng mạnh gần 275% lên hơn 7.000 tỉ đồng.

BIDV lùi xuống vị trí thứ ba về nợ xấu trong năm 2021 sau khi dẫn đầu ở năm trước đó. Cụ thể, năm qua khoản nợ xấu của nhà băng này đã giảm gần 38% xuống còn hơn 13.200 tỉ đồng. Trong đó nhóm nợ có khả năng mất vốn giảm mạnh tới 58%, kéo tỉ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm xuống.

7 ngân hàng còn lại trong top 10 về nợ xấu gồm có Vietcombank (6.100 tỉ đồng), Sacombank (5.700 tỉ đồng), SHB (5.100 tỉ đồng), VIB (4.600 tỉ đồng), HDBank (3.300 tỉ đồng), MB (3.200 tỉ đồng) và ACB (2.800 tỉ đồng).

Như vậy trong bảng xếp hạng 10 ngân hàng có nợ xấu lớn nhất năm 2021, HDBank và ACB là hai gương mặt mới gia nhập, Eximbank và LienVietPostBank đã rời khỏi danh sách.

Đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu trong năm 2022

Theo bộ phận phân tích của Chứng khoán SSI, cơ quan chức năng sẽ thắt chặt hơn việc quản lý chất lượng tài sản ngân hàng, bên cạnh các biện pháp hỗ trợ nhằm đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu trong năm 2022.

Cụ thể, dự thảo sửa đổi thông tư 52/2018 về đánh giá tổ chức tín dụng và dự thảo sửa đổi nghị định 153/2020 về thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể thắt chặt hoạt động tín dụng. Ngoài ra, cũng có một số đề xuất nâng hệ số rủi ro đối với các khoản vay bất động sản thương mại và nhà ở giá trị cao để hạ nhiệt thị trường.

Về các biện pháp hỗ trợ xử lý nợ xấu, nghị quyết 42 sẽ hết hiệu lực vào năm 2022 nên đang có các đề xuất về việc gia hạn hoặc luật hóa nghị quyết này để hỗ trợ các tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu tồn đọng và nợ xấu liên quan đến COVID-19.

Ngoài ra, có thể nới lỏng một số mốc thời hạn quan trọng giúp các ngân hàng có thêm thời gian thích ứng. 

Ví dụ, việc lùi thời gian thắt chặt tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giúp các ngân hàng có thể duy trì chi phí vốn ở mức thấp và tăng khả năng tài trợ các dự án cơ sở hạ tầng quốc gia (ví dụ một số dự án BOT nối liền với cao tốc Bắc Nam). Thông tư 14 có thể được gia hạn nếu tình hình dịch bệnh trở nên trầm trọng hơn.

Phía Chứng khoán SSI cũng cho biết các quan ngại rủi ro nợ xấu và tăng trưởng lợi nhuận chậm lại trong 6 tháng đầu năm 2022 cũng đã phản ánh một phần vào giá cổ phiếu.

Uớc tính tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 2022 trung bình của các ngân hàng là 21% so với năm trước (không bao gồm thu nhập bất thường tiềm năng từ phí bancassurance - bán bảo hiểm qua ngân hàng, thoái vốn công ty con). 

Các ngân hàng tư nhân ước tính đạt tăng trưởng lợi nhuận trước thuế là 22%, cao hơn so với ngân hàng quốc doanh (+19%), do triển vọng tăng trưởng tín dụng tươi sáng hơn.

Với kết quả trên, SSI điều chỉnh đánh giá cổ phiếu ngành ngân hàng từ trung lập lên khả quan, đặc biệt cho nửa cuối năm 2022.

Nhiều người ở TP.HCM, Hà Nội... choáng váng khi mất cả trăm tỉ vì bị rủ mở ngân hàng... Nhiều người ở TP.HCM, Hà Nội... choáng váng khi mất cả trăm tỉ vì bị rủ mở ngân hàng... 'dỏm'

TTO - Nhiều người kinh doanh nhà đất ở Hải Dương, Hà Nội, TP.HCM... lâm cảnh nợ nần chồng chất, mất hết nhà cửa, vay lãi nóng, gia đình ly tán vì tin vào lời mời gọi thành lập ngân hàng của vợ chồng bà Phùng Thị Nghệ (36 tuổi, ở Q.7, TP.HCM).

BÔNG MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp