Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (trái) nói chuyện với Thủ tướng Anh Theresa May tại London ngày 14-5 - Ảnh: BLOOMBERG
Hãng tin AFP cho biết ông Stoltenberg đưa ra khuyến cáo ngày 14-5 khi chính phủ Anh đang tranh cãi về mức độ Công ty viễn thông sẽ phụ trách việc xây dựng hạ tầng cho mạng di động thế hệ mới 5G của Anh.
Công ty tư nhân Trung Quốc Huawei hiện là nhà cung cấp trang thiết bị 5G tiên tiến và rẻ nhất thế giới.
Trước đó Mỹ cũng đã lên tiếng cảnh báo các đồng minh thân cận hạn chế chia sẻ thông tin tình báo và an ninh với Anh nếu nước này cho phép Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng trong mạng lưới 5G.
Trong cuộc họp báo với Thủ tướng Anh Theresa May ngày 14-5, Tổng thư ký NATO nhấn mạnh rằng an ninh mạng có tầm quan trọng bậc nhất đối với liên minh quân sự phương Tây.
"Huawei và mạng 5G là cực kỳ quan trọng" - ông Stoltenberg khẳng định.
Ông Stoltenberg thừa nhận Anh và các thành viên khác trong khối NATO có quyền tự quyết về mạng 5G và Trung Quốc.
Trong một diễn biến liên quan, như Reuters đưa tin, Huawei sẵn lòng ký các thỏa thuận không gián điệp (no-spy) với chính phủ các nước, bao gồm Anh.
"Chúng tôi sẵn sàng ký các thỏa thuận không gián điệp với các chính phủ, bao gồm chính phủ Anh để cam kết thiết bị của chúng tôi đáp ứng tiêu chuẩn không gián điệp, không có cửa hậu" - chủ tịch Huawei Liang Hua nói với các phóng viên tại London.
Hiện nay Anh đang quyết định mức độ sẽ cho phép Huawei, công ty cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, tham gia quá trình xây dựng mạng 5G của nước này.
"An ninh và hiệu quả của mạng lưới viễn thông Anh là hết sức quan trọng và chúng tôi có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ đối với cách các thiết bị của Huawei được sử dụng tại Anh" - người phát ngôn của chính phủ Anh thông tin ngày 14-5.
Người phát ngôn này cho biết Anh sẽ sớm công bố kết quả đánh giá chuỗi cung ứng viễn thông của Huawei và các nhà mạng cần tuân thủ quyết định này.
Mỹ mở đường cấm Huawei?
Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến ký sắc lệnh hành pháp trong tuần này để cấm các công ty Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông của "các công ty gây rủi ro cho an ninh quốc gia", mở đường cho lệnh cấm kinh doanh với Huawei.
Reuters dẫn 3 nguồn tin quen thuộc với vấn đề ngày 14-5 cho biết sắc lệnh sẽ không nêu tên quốc gia hay công ty cụ thể nào, đã được xem xét trong hơn một năm nhưng bị trì hoãn nhiều lần. Sắc lệnh này yêu cầu không nêu tên cụ thể quốc gia và công ty do khâu soạn thảo vẫn còn trong vòng bí mật.
Các nguồn tin cho biết vẫn có khả năng sắc lệnh trên bị trì hoãn thêm lần nữa. Sắc lệnh sẽ viện dẫn Đạo luật thẩm quyền tình trạng khẩn cấp kinh tế quốc tế, trao quyền điều chỉnh thương mại cho tổng thống để đối phó với tình trạng khẩn cấp quốc gia đang đe dọa Mỹ.
Sắc lệnh này, theo các nguồn tin, sẽ chỉ đạo Bộ Thương mại làm việc với các cơ quan khác của chính phủ để vạch ra một kế hoạch thực thi. Nếu được ký, sắc lệnh hành pháp sẽ xuất hiện đúng thời điểm nhạy cảm trong quan hệ Mỹ - Trung khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang áp thuế phạt mới lên hàng hóa xuất khẩu của nhau.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận