Học sinh xếp hàng vào lớp tại bang Mecklenburg-Western Pomerania của Đức - Ảnh: RTE
Có thể phải đánh đổi về kinh tế, nhưng trường học đóng cửa càng lâu thì tác động càng lớn, đặc biệt là những trẻ em nghèo và dễ bị tổn thương.
Phó tổng giám đốc phụ trách giáo dục của UNESCO Stefania Giannini
"Chúng ta hiện đang đối mặt với thảm họa thế hệ có thể lãng phí tài năng con người, hủy hoại hàng thập kỷ tiến bộ và khiến sự bất bình đẳng cố hữu thêm trầm trọng", Hãng tin Reuters dẫn lời Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres phát biểu tại lễ phát động chiến dịch "Hãy cứu lấy tương lai của chúng ta" ngày 3-8.
Chuyện ở Mỹ, Âu
Tổng thư ký LHQ cho biết một khi dịch COVID-19 được kiểm soát thì việc đưa học sinh trở lại lớp học an toàn phải là ưu tiên hàng đầu. Tham khảo ý kiến các phụ huynh, nhân viên y tế, giáo viên và những người trẻ tuổi là yếu tố cơ bản.
Các khuyến nghị của LHQ được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thúc đẩy các trường học ở Mỹ mở cửa trở lại, bất chấp phản đối từ giáo viên, phụ huynh trong khi dịch COVID-19 vẫn đang lây lan mạnh ở nước này khiến hàng chục bang hoãn kế hoạch mở cửa. Trong hai tuần qua, trung bình mỗi ngày có hơn 1.000 người Mỹ chết vì dịch.
Trong tuyên bố ngày 4-8, Tổng thống Trump khẳng định dịch COVID-19 đã được kiểm soát tại Mỹ. "Người ta đang chết, đó là sự thật. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng chúng ta không làm mọi thứ có thể. Dịch đang được kiểm soát ở mức chúng ta có thể kiểm soát được", ông Trump trả lời phỏng vấn trang tin Axios.
Dù vậy, ủy viên Stephen Hahn của Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đánh giá dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát và kêu gọi người Mỹ cần "hết sức thận trọng". "Con virus này vẫn ở trong chúng ta, khắp đất nước và chúng ta đang chứng kiến các ca bệnh không chỉ ở Mỹ mà còn khắp thế giới", ông Hahn cảnh báo.
Tại châu Âu, Đức mới đây đã mở cửa lại một số trường học sau một thời gian dài. Tại bang Mecklenburg-Western Pomerania - nơi có tỉ lệ lây nhiễm thấp, chính quyền đang cố gắng để học sinh đến trường ít nhất 4 - 5 tiếng mỗi tuần, với các biện pháp đảm bảo an toàn như yêu cầu các em rửa tay thường xuyên, phân học sinh theo từng nhóm học ở các khu vực riêng biệt.
Hình thức trực tuyến chủ yếu dành cho việc làm bài tập, chép bài hoặc khi thiếu hụt giáo viên. Ngoài ra, Chính phủ Đức cũng lập nguồn quỹ hỗ trợ học trực tuyến, như mua máy tính xách tay và các thiết bị để học sinh có thể mượn về học, theo Đài Deutsche Welle.
Tại Anh, ủy viên Hội đồng thiếu nhi nước này Anne Longfield khẳng định vấn đề đưa trẻ đến trường phải là ưu tiên, cho rằng chính phủ phải đẩy mạnh chiến lược xét nghiệm - truy dấu - cách ly để đảm bảo trường học mở cửa trở lại an toàn vào tháng 9-2020 như dự kiến.
Chỉ khi kiểm soát được dịch
"Chúng ta phải thực hiện các bước táo bạo ngay bây giờ để tạo ra một hệ thống giáo dục chất lượng, vững chắc và mang tính toàn bộ phù hợp với tương lai", Tổng thư ký LHQ Guterres nhấn mạnh, trong đó hành động đầu tiên là mở cửa lại trường học một khi kiểm soát được dịch.
Lãnh đạo LHQ cũng kêu gọi đẩy mạnh đầu tư cho giáo dục song song với việc mở cửa trở lại, đảm bảo tất cả trẻ em được tiếp cận giáo dục.
Nhận định về việc mở cửa lại trường học giữa đại dịch, Michael Ryan, giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cho rằng cần phải cẩn trọng. Theo ông, trẻ em có thể lây bệnh COVID-19.
"May mắn là phần lớn trẻ không bị bệnh nặng, tuy nhiên điều đó không có nghĩa rằng các em không góp phần vào việc lây nhiễm. Bệnh có thể lây qua trẻ em và nếu có em có hệ miễn dịch kém, hoặc có một số tổn thương nào đó sẽ gây ra lây nhiễm nghiêm trọng hơn. Hoặc các em có thể đem bệnh về cho ông bà hoặc những người dễ bị tổn thương", ông nói.
Theo chuyên gia của WHO, những nơi có lây nhiễm mạnh trong cộng đồng thì hãy cẩn thận về chuyện trường học.
"Nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận rằng giáo dục vô cùng quan trọng và có những môi trường trên thế giới đủ an toàn để đến trường. Chúng ta phải làm mọi điều có thể để đưa trẻ trở lại trường học, và điều hiệu quả nhất mà chúng ta có thể làm là ngăn chặn dịch trong cộng đồng. Nếu kiểm soát được dịch trong cộng đồng, chúng ta có thể mở cửa trở lại trường học", ông Ryan nhấn mạnh.
160
Trong dịch bệnh, bất chấp các biện pháp như học trực tuyến, nhiều em vẫn không thể tiếp cận được giáo dục. Theo tổng thư ký LHQ, tính đến giữa tháng 7-2020, 160 quốc gia đã phải đóng cửa trường học, ảnh hưởng đến hơn 1 tỉ học sinh. Ít nhất 40 triệu trẻ em bị lỡ chương trình mầm non.
Trước khi đại dịch bùng phát, trên thế giới đã có hơn 250 triệu trẻ em không được đến trường và chỉ 1/4 học sinh trung học ở các nước đang phát triển hoàn thành chương trình đào tạo cơ bản.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận