Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: Reuters |
Đài CNN ngày 21-6 dẫn phát ngôn từ Văn phòng cảnh sát điều tra quận ở Hamilton ở bang Ohio (Mỹ) cho biết gia đình của sinh viên Otto Warmbier yêu cầu không phẫu thuật khám nghiệm tử thi để tìm hiểu nguyên nhân tử vong.
Warmbier đã qua đời chỉ vài ngày sau khi trở về Mỹ sau thời gian bị giam giữ ở Triều Tiên. Như vậy, nguyên nhân cái chết của Warmbier tiếp tục là ẩn số, và nó sẽ góp phần khiến áp lực lên chính quyền của Tổng thống Donald Trump thêm lớn hơn.
Kích hoạt sự lo âu
Triều Tiên lâu nay được cho là duy trì giam giữ một số công dân nước ngoài, và bị cáo buộc sử dụng tù nhân để đánh đổi viện trợ cũng như sự nhún nhường về ngoại giao từ quốc tế. Tuy nhiên sau cái chết của Warmbier, áp lực quốc tế đã gia tăng trong việc kêu gọi Triều Tiên thả người, theo báo Guardian.
Hôm 20-6, Tổng thống Donald Trump xem cái chết của sinh viên Mỹ 22 tuổi là “sự sỉ nhục toàn diện”, khẳng định “thành thực mà nói, nếu cậu ta được đưa về sớm hơn thì tôi nghĩ mọi thứ đã khác”.
Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In mô tả tình trạng nhân quyền tại Triều Tiên là “xót xa”, đồng thời cam kết Hàn Quốc sẽ hỗ trợ mọi thứ để đẩy nhanh việc thả các công dân khác.
Sinh viên Otto Warmbier bị bắt tại Triều Tiên vào tháng 1-2016 - Ảnh: Reuters |
Hiện nay, Triều Tiên được cho là vẫn đang giam giữ ba người Mỹ, sáu người Hàn Quốc, một người Canada và vài người quốc tịch Trung Quốc.
Cho đến nay, hiếm khi xuất hiện thông tin chính thức nói Triều Tiên tra tấn, làm hại những công dân mà nước này giam giữ. Vì vậy giới quan sát có phần kinh ngạc với trường hợp sinh viên Mỹ Warmbier.
Ông Jiro Ishimaru, người đang công tác cho mạng lưới tin tức Asia Press liên hệ với Triều Tiên, giải thích: “Tù nhân nước ngoài bị giam giữ như con bài thương lượng của Triều Tiên, nên không có ích gì khi ngược đãi họ dẫn đến bệnh tật hoặc suy dinh dưỡng. Có thể tù nhân người Triều Tiên bị tra tấn thường xuyên, nhưng đó dường như không phải những gì xảy ra với người nước ngoài...”.
Tù nhân nước ngoài ở Triều Tiên nhiều khả năng được đưa tới nhà tù tại thành phố Sariwon, phía nam thủ đô Bình Nhưỡng, nơi họ được cư xử tử tế hơn so với 200.000 - 300.000 người Triều Tiên bị giữ tại các nhà tù, trại cải tạo... |
Chờ ông Trump hành động
Hơn ai hết, người đứng đầu nước Mỹ như Tổng thống Trump sẽ đối diện áp lực lớn hơn nữa trong mối quan hệ với Triều Tiên. Và cái chết của Warmbier có vẻ sẽ khiến ông Trump phải hành động nhiều hơn nữa thay vì lời nói.
“Tổng thống sẽ phải làm điều gì đó, và nó phải vượt xa cả những lời chia buồn mà ông đưa ra lẫn những lần lên án Triều Tiên. Ông ấy phải thể hiện rõ ràng rằng Triều Tiên và các nước khác phải trả giá đắt nếu làm hại công dân Mỹ”, trang NBC News dẫn lời cây bút Gordon Chang của trang tin Daily Beast, và là tác giả cuốn sách “Nuclear Showdown: North Korea Takes On the World”.
Về vấn đề trong nước, Mỹ đang bàn thảo về các biện pháp chủ động ngăn chặn việc công dân của họ du lịch tới Triều Tiên. Một báo cáo cách đây chưa lâu trên báo New York Times cho thấy bất chấp quan hệ căng thẳng, nhiều người Mỹ vẫn rất muốn tới Triều Tiên vì tò mò. Thượng Nghị sĩ John McCain hôm 20-6 thậm chí gay gắt cho rằng thái độ ấy thật sự “ngu ngốc”.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un - Ảnh: AFP |
Hiện nay lưỡng viện Mỹ đang xem xét giải pháp đưa ra “Đạo luật Kiểm soát du lịch đến Triều Tiên”, nhằm cấm du khách tới đất nước Đông Á này. Đó cũng là một mũi tên trúng hai đích, vừa bảo vệ sự an toàn của người Mỹ, vừa giảm khả năng kiếm tiền từ ngành du lịch của Triều Tiên mà nhiều nước cho là một nguồn cung cấp tài chính cho chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa.
Về đối ngoại, hôm 20-6, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer nói rằng chính quyền ông Trump sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp kinh tế, chính trị lên Triều Tiên và mong muốn Trung Quốc đóng “một vai trò lớn hơn”. Mặc dù vậy, ông Trump trên Twitter trong lúc nhắc lại vai trò của Trung Quốc, cũng thừa nhận đến nay điều ấy “không cho thấy hiệu quả”.
Trong một động thái quân sự hôm 20-6, hai máy bay ném bom siêu thanh B-1B của Mỹ đã bay ngang bán đảo Triều Tiên. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc xác nhận rằng các máy bay này tham gia tập trận thường xuyên với Hàn Quốc và Nhật Bản, và quân đội Mỹ khẳng định đó là biểu hiện chứng tỏ sự nhất trí giữa Mỹ, Hàn và Nhật trong việc đối phó các hành động khiêu khích trong khu vực Thái Bình Dương, theo đài ABC.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận