Tổng thống Trump cho rằng tướng Soleimani đang giám sát kế hoạch tấn công quân đội Mỹ ở Iraq - Ảnh: NEWSWEEK
Các nghị sĩ Mỹ đã tranh luận vấn đề "Tổng thống Donald Trump có quyền tự mình quyết định cho máy bay không người lái ám sát tướng Iran Qasem Soleimani" từ hôm xảy ra sự việc 3-1.
Có nhiều cách diễn giải hiến pháp
Đảng Dân chủ khẳng định quyết định không kích của tổng thống không hợp pháp trong bối cảnh Mỹ chưa chính thức tuyên chiến với Iran. Nhà Trắng cử một số quan chức cấp cao đến Quốc hội để giải thích nhưng vẫn không thuyết phục được ai.
Theo báo Les Echos (Pháp), rất khó phân xử Tổng thống Trump đúng hay các nghị sĩ Đảng Dân chủ đúng vì luật pháp Mỹ không quy định rõ ràng ai có quyền phát động hành động quân sự.
Bản thân hiến pháp Mỹ cũng có thể được diễn giải theo nhiều cách khác nhau.
Điều 1 hiến pháp quy định Quốc hội có quyền "tuyên chiến" cũng như "điều động và cung cấp cho quân đội". Song điều 2 lại quy định tổng thống là "tổng tư lệnh quân đội".
Trong hai cuộc chiến tranh thế giới, Mỹ tham gia xung đột theo cùng một cơ chế.
Tổng thống Woodrow Wilson năm 1917 và tổng thống Franklin D. Roosevelt năm 1941 đã ra trước Quốc hội đề nghị Quốc hội bỏ phiếu thông qua nghị quyết tuyên chiến.
Vào cuối Chiến tranh thế giới thứ hai và bắt đầu chiến tranh lạnh, cơ chế tuyên chiến như trên đã bị xáo trộn do Mỹ duy trì sự hiện diện thường trực của quân đội Mỹ ở hầu hết khu vực trên thế giới. Quốc hội Mỹ hầu như mất quyền kiểm soát quy trình hành động quân sự.
Nhà báo Charlie Savage giải thích trên báo New York Times: tổng thống Mỹ với vai trò tổng tư lệnh quân đội để chỉ đạo các lực lượng triển khai ngoài nước Mỹ một khi phát động hoặc gia tăng chiến tranh, đặc biệt trong chiến tranh Triều Tiên và chiến tranh Việt Nam.
Năm 1941, Tổng thống Franklin D. Roosevelt đã đề nghị Quốc hội tuyên bố chiến tranh với Nhật - Ảnh: PINTEREST
Chỉ còn một trường hợp
Năm 1973, khi quân đội Mỹ sa lầy trong chiến tranh Việt Nam, Quốc hội Mỹ muốn giành lại quyền kiểm soát quân đội nên đã thông qua "Nghị quyết về quyền hạn chiến tranh".
Nghị quyết quy định tổng thống Mỹ chỉ có thể điều động quân đội trong ba tình huống:
1. Trong khuôn khổ tuyên bố chiến tranh do Quốc hội thông qua.
2. Căn cứ ủy quyền theo luật định cụ thể do Quốc hội quyết định.
3. Trong trường hợp tình trạng khẩn cấp quốc gia do một vụ tấn công vào nước Mỹ, lãnh thổ của Mỹ, tài sản của Mỹ hoặc quân đội Mỹ.
Như vậy chỉ trong tình huống thứ ba tổng thống Mỹ mới được phép hành động trước khi Quốc hội cho phép.
Tổng thống Trump đã viện dẫn tình huống thứ ba này để bảo vệ cho quyết định sử dụng máy bay không người lái ám sát tướng Soleimani là hợp pháp.
Nữ nghị sĩ Elizabeth Warren giải thích ám sát tướng Soleimani, nước Mỹ chưa chắc an toàn hơn - Ảnh: NATIONAL REVIEW
Nhà Trắng khẳng định quân đội Mỹ có nguy cơ bị tấn công vì tướng Soleimani đang giám sát kế hoạch tấn công quân đội Mỹ ở Iraq. Song nữ nghị sĩ Elizabeth Warren - ứng viên tranh cử vòng bầu cử sơ bộ Đảng Dân chủ - giải thích "tôi không nghĩ rằng Mỹ sẽ an toàn hơn" với cái chết của tướng Soleimani.
Ngày 9-1 (giờ địa phương), Hạ viện Mỹ do Đảng Dân chủ kiểm soát đã thông qua nghị quyết hạn chế quyền hạn tiến hành hoạt động quân sự của tổng thống.
Với động thái này, Đảng Dân chủ muốn chiếm thế thượng phong với lá bài "Nghị quyết về quyền hạn chiến tranh" năm 1973 nhằm ngăn chặn ông Trump phát động các cuộc tấn công mới mà không tham khảo ý kiến Quốc hội trước.
Nghị quyết này còn quy định nếu Quốc hội không cho phép, quân đội Mỹ không thể tham chiến quá 60 ngày và trên hết là Quốc hội có quyền yêu cầu tổng thống dừng các hoạt động không được phép trước khi hết thời hạn này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận