Hai phụ nữ Palestine tham gia biểu tình chống Israel ở phía đông thành phố Gaza, gần biên giới với Israel ngày 18-5. Một người dùng túi ni-lông trùm đầu để chống lại hơi cay của binh sĩ Israel - Ảnh: REUTERS
"Không có khác biệt gì giữa những chuyện tàn bạo mà người dân Do thái từng nếm trải ở châu Âu cách đây 75 năm với sự tàn bạo mà những người anh em của chúng ta đang hứng chịu ở Gaza", Tổng thống Erdogan phát biểu tại buổi khai mạc hội nghị bất thường ở Istanbul ngày 18-5.
Đây là hội nghị qui tụ đại diện của 57 quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) nhằm thảo luận về các vấn đề nóng của khu vực.
Phát biểu của ông Erdogan vừa hàm ý cho rằng người Israel từng phải chịu đựng những điều đau khổ như thế mà sao nay lại hành xử tương tự với người Palestine.
Theo trang Sputnik của Nga, ông Erdogan đã chỉ trích chính sách của Israel cũng như chính sách hiện tại của thủ tướng Benjamin Netanyahu. Ông cáo buộc các nhà lãnh đạo của "một dân tộc từng hứng chịu mọi loại hình tra tấn trong các trại tập trung thời Thế chiến thứ hai" lại tấn công người dân Palestine "bằng cách sử dụng các phương pháp như của Đức quốc xã".
Ngay trước cuộc họp bất thường này, ông Erdogan cũng có bài phát biểu ở trung tâm Istanbul trước hàng ngàn người ủng hộ trong đó ông cho rằng thế giới Hồi giáo đang bị chia rẽ nên không ngăn được một số quốc gia chuyển đại sứ quán đến Jerusalem.
"Những vi phạm của Israel tại Jerusalem và ở Palestine là do những chia rẽ và bất đồng giữa người Hồi giáo", ông Erdogan nêu rõ.
Ông cũng kêu gọi người Hồi giáo đoàn kết, "hi sinh để bảo vệ các vùng đất thánh của chúng ta" vì nếu không Israel lại tiếp tục các vi phạm tương tự.
Cũng trong cuộc tập hợp này, Thủ tướng Binali Yildirim của Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã lên tiến tố cáo Israel "bắt chước Hitler và Mussolini" - hai lãnh đạo phát xít của Đức và Ý.
Khối Hồi giáo lên án Israel
Tại hội nghị bất thường ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) đã kêu gọi thành lập một "lực lượng bảo vệ quốc tế, bao gồm cả việc gửi một lực lượng bảo vệ quốc tế" để bảo vệ người Palestine sau các vụ bạo lực tại Dải Gaza vừa qua.
OIC tiếp tục lên án mạnh mẽ các "hành động tội ác" của lực lượng Israel tại các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, đặc biệt là ở Dải Gaza, nơi hơn 60 người Palestine đã thiệt mạng hôm 14-5 khi tham gia biểu tình phản đối việc chuyển Đại sứ quán Mỹ tại Tel Aviv tới Jerusalem.
Tuyên bố của OIC cũng cáo buộc chính quyền Mỹ đã "ủng hộ tội ác của Israel, bao gồm việc bảo vệ Israel tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc".
Đồng thời, tuyên bố này khẳng định rằng việc chuyển Đại sứ quán của Mỹ tới Jerusalem là "hành động khiêu khích và thù địch chống lại một quốc gia Hồi giáo". OIC kêu gọi LHQ thành lập một "ủy ban điều tra quốc tế" để làm sáng tỏ vụ bạo lực ở Dải Gaza ngày 14-5 vừa qua.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cùng vợ trong buổi nói chuyện với người ủng hộ ở trung tâm TP Istanbul ngày 18-5 - Ảnh: REUTERS
LHQ đồng ý lập nhóm điều tra độc lập
Cũng trong ngày 18-5, theo yêu cầu của 25 nước thành viên và 37 nước quan sát viên, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (HĐNQ LHQ) đã tiến hành Phiên họp Đặc biệt về tình hình nhân quyền tại các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, trong đó có Đông Jerusalem.
Các nước đã kêu gọi tiến hành điều tra quốc tế độc lập về những vi phạm luật nhân quyền và nhân đạo tại các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng.
Cao ủy Nhân quyền LHQ cho rằng không có lý do nào đủ để biện hộ cho việc sử dụng vũ khí sát thương chống lại người dân thường. Các nước Ả rập lên án việc Mỹ quyết định chuyển đại sứ quán nước này ở Israel đến Jerusalem, vi phạm các nghị quyết của LHQ, tạo thêm bất ổn cho tình hình.
Trong khi đó, Israel và Mỹ cho rằng Israel thực hiện quyền tự vệ và chống lại các hành động kích động bạo lực của phong trào Hamas. Mỹ nhấn mạnh việc HĐNQ LHQ tiếp tục các hành động chống lại Israel, triệu tập phiên họp này cho thấy sự yếu kém của cơ quan này.
Mỹ cũng cho rằng mức độ bạo lực ở Gaza là nhỏ hơn so với các vi phạm nhân quyền tại các nơi khác trên thế giới; không công bằng khi HĐNQ bỏ thời gian, nguồn lực vào điều tra sự việc vừa qua, trong khi không điều tra những vi phạm ở nhiều nơi khác.
Người biểu tình Palestine đào các hố dã chiến phòng thân trong biểu tình chống Israel ở phía đông thành phố Gaza, gần biên giới với Israel ngày 18-5 - Ảnh: REUTERS
Phát biểu tại phiên họp, Đại sứ Dương Chí Dũng - Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, WTO và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, nói rằng Việt Nam quan tâm theo dõi và bày tỏ quan ngại trước tình trạng bạo lực leo thang tại Dải Gaza những ngày qua, làm chết và bị thương nhiều người Palestine; kêu gọi kiềm chế, phản đối sử dụng vũ lực, chấm dứt leo thang căng thẳng, giải quyết tình hình thông qua các biện pháp hòa bình, nỗ lực tìm kiếm giải pháp toàn diện, công bằng, bền vững, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân và lợi ích chính đáng của các bên liên quan cũng như hòa bình, ổn định ở khu vực. Đại sứ nhấn mạnh mọi giải pháp liên quan đến Jerusalem cần tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là các nghị quyết của LHQ, với sự đồng thuận của các bên liên quan.
Đại sứ khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam là ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Palestine, ủng hộ giải pháp hai nhà nước, trong đó có việc thành lập Nhà nước Palestine cùng tồn tại hòa bình bên cạnh Nhà nước Israel với đường biên giới trước năm 1967 và Đông Jerusalem là thủ đô của Palestine.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận