Hôm 1-7, Hãng tin Reuters dẫn kết quả chính thức từ Bộ Nội vụ Pháp cho biết Đảng Tập hợp Quốc gia (RN) cực hữu của bà đã giành chiến thắng tại vòng bỏ phiếu Quốc hội đầu tiên.
RN và các đồng minh theo đó đã nhận được khoảng 33% phiếu bầu, kế đến là liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân mới (NPF) với 28%. Nhóm trung dung của Tổng thống Macron chỉ về đích thứ ba với 20%.
Đây là kết quả thất vọng với ông Macron, người đã quyết định giải tán Quốc hội và tổ chức bầu cử sớm. Ngược lại, tỉ lệ phiếu bầu trên được cho là một chiến thắng mang tính lịch sử của RN cũng như nhóm cực hữu tại Pháp.
Hiện nay, RN đang bước vào vòng bầu cử thứ hai với sự tự tin lớn, mặc dù kết quả cuối cùng còn lệ thuộc vào thời gian xây dựng liên minh trước cuộc bỏ phiếu tuần tới.
Tại Pháp cũng như châu Âu, RN bị nhận xét là một chính đảng chống nhập cư, hoài nghi về châu Âu.
Sau giai đoạn dài bị ghẻ lạnh ở Pháp, RN đang tiến gần tới quyền lực hơn bao giờ hết. Bà Le Pen được cho đã tìm cách củng cố hình ảnh của đảng này, tránh khỏi những nhận xét mang tính tiêu cực như phân biệt chủng tộc hoặc bài Do Thái.
Cách điều chỉnh này trở nên hiệu quả khi cử tri phẫn nộ với thành tích kinh tế của Pháp dưới thời ông Macron, cũng như những lo ngại liên quan tới vấn đề nhập cư trong xã hội nước này.
Tuần tới là thời điểm RN đứng trước ngưỡng cửa thành lập chính phủ nếu chiếm đa số, trong khi các đảng khác tìm cách thỏa hiệp với nhau để ngăn điều này xảy ra.
Hôm 30-6, lãnh đạo từ cả NPF lẫn liên minh trung dung của ông Macron đều khẳng định sẽ rút ứng viên của mình tại các khu vực bầu cử, nếu có ứng viên khác sở hữu lượng ủng hộ đông hơn, đủ sức đánh bại đại diện của RN.
Giới quan sát nhìn nhận RN có thể đẩy chính trị Pháp vào thế tam mã, và có khả năng nếu đảng này thắng một ghế trong đường đua ấy, các đảng ở vị trí thứ hai và ba cần đàm phán để quyết định ai sẽ bỏ cuộc.
Để thành công, dĩ nhiên chiến thuật này đòi hỏi sự thỏa hiệp, nơi các cử tri trung tả ủng hộ một ứng viên trung hữu và ngược lại.
Dù vậy, cái gọi là "mặt trận Cộng hòa" ấy đang bị đánh giá suy yếu, khi cử tri ngày càng có xu hướng không muốn bỏ phiếu cho các đảng khác, vốn mang lập trường chính sách không phù hợp với họ trên nhiều mặt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận