24/05/2016 17:06 GMT+7

Tổng thống Obama gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam

MINH TRUNG - TUẤN SƠN
MINH TRUNG - TUẤN SƠN

TTO - Chiều 24-5, Tổng thống Barack Obama có buổi gặp gỡ với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại trụ sở Công ty Dreamplex (tòa nhà Miss Áo Dài, Q.1, TP.HCM).

Tổng thống Obama bắt tay và trò chuyện với Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng và Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chiều 24-5 - Ảnh: Thuận Thắng

Mở đầu sự kiện Dreamplex, Tổng thống Obama tham quan khu văn phòng khu phức hợp Dreamplex, nơi trưng bày các sản phẩm được sáng tạo bởi các nhà doanh nghiệp trẻ Việt Nam, trò chuyện với các tác giả. Sau đó ông Obama di chuyển lên hội trường, nơi diễn ra sự kiện.

Mở đầu bài phát biểu, Tổng thống Obama bày tỏ niềm vui khi có mặt tại TP.HCM. Ông nói:

"Thật tuyệt vời được có mặt ở đây, tại TP.HCM. Tôi vừa có dịp tham quan chùa Ngọc Hoàng, và tôi nghĩ việc di chuyển từ một ngôi chùa trăm tuổi đến trung tâm Dreamplex của thế kỷ 21 là một cách bày tỏ tuyệt vời sự chuyển mình đã và đang diễn ra ở Việt Nam, một đất nước vinh danh lịch sử nhưng cũng chạy đua đến tương lai một cách dũng mãnh. 

Và đó cũng là câu chuyện của thành phố này, một thành phố lúc nào cũng chuyển động.

Tổng thống Obama trò chuyện với các nhà doanh nghiệp trẻ Việt Nam - Ảnh: Thuận Thắng

Thành phố này, đất nước này tràn đầy năng lượng, bạn có thể thấy điều đó qua những tòa cao ốc vươn lên trên đường chân trời, những cửa hàng mọc lên ở mọi góc đường. Bạn có thể thấy điều đó trên mạng, nơi hàng chục triệu người Việt trẻ đang kết nối với nhau và với thế giới. Và bạn có thể thấy điều đó ở Dreamplex, nơi ý tưởng trở thành hiện thực.

Nhưng động lực thật sự cho sự phát triển của Việt Nam và TP.HCM là tinh thần kinh doanh, tinh thần đã mang chúng ta đến đây hôm nay.

Kinh doanh là xây dựng doanh nghiệp, kiếm lợi nhuận, nhưng cũng là tạo ra công ăn việc làm, tạo ra những sản phẩm mới, và nghĩ ra những cách để giúp đỡ người khác.

Tất nhiên làm một doanh nhân không dễ. Ở Mỹ, Việt Nam hay bất cứ đâu cũng vậy, đặc biệt là với phụ nữ. Đó cũng là lý do chúng ta phải tiếp cận mọi tài năng trong xã hội".

Sau bài phát biểu của ông Obama là phần giao lưu với các doanh nhân. 

Đại diện các doanh nghiệp trẻ giao lưu cùng Tổng thống Obama:

- Bà Hằng Đỗ, phó giám đốc phát triển kinh doanh và đối ngoại tại Seedcom.

- Lê Hoàng Uyên Vy, giám đốc quản lý tại Adayroi.com.

- Khoa Phạm, giám đốc pháp lý và hoạt động doanh nghiệp Microsoft.

Ông Obama đặt câu hỏi với Lê Hoàng Uyên Vy: “Có vẻ bạn đã bắt đầu khởi nghiệp từ rất trẻ?".

Uyên Vy trả lời: “Tôi đã có đam mê với công nghệ từ khi còn trên ghế nhà trường. Khi 13 tuổi, tôi quyết định tự tạo một công ty thiết kế web, và tôi yêu thích ý tưởng kết nối người mua và người bán như Ebay hay Amazon, nhưng lúc đó tôi còn quá trẻ và không thể bắt đầu một doanh nghiệp thực thụ. Vì thế sau khi tốt nghiệp đại học, tôi quay về Việt Nam và mở một trang web bán hàng online, bán các sản phẩm thời trang. Sau 5 năm chúng tôi trở thành một trong những địa chỉ hàng đầu với những “tín đồ” thời trang ở Việt Nam, rồi được mua lại bởi Vingroup. Hiện tại chúng tôi đang điều hành trang adayroi.com. Nó giống như một “Amazon của Việt Nam”, bán đủ mọi thứ. Mục tiêu là đem những mặt hàng an toàn và chất lượng cao với giá phải chăng đến mọi gia đình ở Việt Nam”.

Tiếp tục trò chuyện với bà Hằng Đỗ, ông Obama nói: “Bạn khởi đầu là một doanh nhân, nhưng giờ bạn còn là một nhà đầu tư. Bạn đã gặp những khó khăn gì khi là một doanh nhân và nhà đầu tư nữ ở Việt Nam?”.

Bà Hằng Đỗ trả lời: “Tôi chưa từng nghĩ làm một doanh nhân nữ ở Việt Nam là bất lợi vì từ kinh nghiệm và quan sát thực tế, tôi rất tự hào khi nói rằng ở Việt Nam phụ nữ được đối xử công bằng và được tạo rất nhiều cơ hội, nên bạn có thành công hay không là do chính bản thân bạn. Tôi cũng thấy rất nhiều nữ doanh nhân đang ngồi trong khán phòng này”.

Ông Obama hỏi tiếp: “Bạn đang có dự tính đầu tư vào lĩnh vực gì ở thời điểm này?”.

Bà Hằng Đỗ: “Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu nông sản nhiều nhất thế giới, nhưng vẫn còn nhiều cơ hội đầu tư chưa được tận dụng ở lĩnh vực này, khi nó vẫn còn là một lĩnh vực công nghệ thấp và năng suất thấp. Vì thế dự án mà chúng tôi đang chú tâm ở giai đoạn này là về nông nghiệp”.

Tổng thống Obama trò chuyện với các nhà doanh nghiệp trẻ Việt Nam - Ảnh: Thuận Thắng

Ông Obama hỏi Uyên Vy: “Bạn có nhắm đến việc muốn trở thành Amazon của Việt Nam? Hãy kể tôi nghe về những khó khăn bạn gặp phải trong việc xây dựng một nền tảng kỹ thuật số cho thương mại ở Việt Nam? Có khác gì ở Mỹ không? Chính phủ hai nước có thể giúp gì cho các doanh nghiệp như bạn?”.

Uyên Vy: “Hãy tưởng tượng một bà mẹ làm việc từ 9g đến 16g, rồi lại phải chạy tới chợ mua đồ nấu cơm tối, sẽ phải mất hàng giờ. Nếu bà ấy có thể ngồi ở văn phòng và đặt hàng nguyên liệu nấu cơm tối qua mạng, khi về chỉ việc nấu, thì mỗi ngày tiết kiệm 1 giờ. Trong 20 năm sẽ tiết kiệm được gần 1 năm. Đó là tầm nhìn của chúng tôi. Chúng tôi gặp nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng, nên tôi nghĩ Chính phủ có thể giúp cải thiện cơ sở hạ tầng”.

Ông Obama: “Vậy còn cơ sở hạ tầng kỹ thuật số thì sao?”.

Uyên Vy: “Tôi nghĩ nó đang tốt dần lên. Ba năm trước khi tôi vừa khởi nghiệp, rất khó để khiến mọi người lên mạng, nhưng giờ thì rất dễ. Chúng tôi có thể học tập từ những công ty như Amazon, nhưng đôi lúc cũng phải tự tìm giải pháp cho riêng mình vì điều kiện hai nước không giống nhau”.

Ông Obama: “Về tiếp cận nguồn vốn, các công ty khởi nghiệp ở đây tự vận động vốn hay vay vốn từ ngân hàng? Các ngân hàng có tạo điều kiện vay vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa không? Hay phải có thế chấp bằng các khoản tiết kiệm của gia đình?”.

Uyên Vy: “Ở Việt Nam rất khó tiếp cận nguồn vốn vay sớm, vì các nhà đầu tư thường muốn đầu tư vào các công ty đã có uy tín nhất định. Tôi hi vọng trong tương lai sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư tìm đến Việt Nam để giúp chúng tôi phát triển các doanh nghiệp mới”.

Ông Obama hỏi bà Hằng Đỗ: “Phần lớn Việt Nam vẫn phụ thuộc vào nông nghiệp, liệu mục tiêu của nông dân Việt Nam là gì? Bán nông sản ra thị trường với giá tốt hơn, nhanh hơn, hay muốn tạo ra sản phẩm có giá trị cao hơn thay vì chỉ tập trung vào gạo? Hay là tất cả các ý trên?”.

Bà Hằng Đỗ: “Tôi nghĩ là tất cả các ý trên. Có hai ý chính trong việc kinh doanh của chúng tôi, một là áp dụng công nghệ vào nông nghiệp, hai là tăng giá trị của sản phẩm thông qua tăng giá trị thương hiệu”.

TT Obama
Lê Hoàng Uyên Vy, giám đốc quản lý tại Adayroi.com - Ảnh: Thuận Thắng

Quay sang Khoa Phạm, ông Obama hỏi: “Bạn thấy doanh nghiệp ở Mỹ và Việt Nam khác nhau ở điểm nào? Với riêng Microsoft, đối tượng khách hàng chính của công ty bạn là những doanh nghiệp lớn hay cũng có những doanh nghiệp khởi nghiệp nhỏ hơn?”.

Khoa Phạm trả lời: “Tôi nghĩ không có thị trường nào tốt hơn Việt Nam để hiện thực hóa những tầm nhìn của Microsoft, vì Việt Nam có những doanh nhân trẻ, sự xâm lăng của Internet, hạ tầng di động”.

Câu hỏi cuối cùng dành cho Obama từ Khoa Phạm: “Trong bài phát biểu đầu giờ, ngài có nhắc đến TPP. TPP rất quan trọng với Việt Nam, và được cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ủng hộ, kể cả công ty chúng tôi, nhưng những doanh nghiệp Mỹ lại có xu hướng phản đối TPP. Ông sẽ làm thế nào để thông qua TPP ở Mỹ?”.

Ông Obama trả lời: “Từ quan điểm của Mỹ, TPP là một điều đúng đắn phải làm. Tôi tự tin TPP sẽ được thông qua, vì trong quá khứ đã có những hiệp định thương mại vấp phải phản đối nhưng cũng được thông qua. Hơn nữa, TPP có những điều khoản về bảo hộ lao động và bảo vệ môi trường mà những hiệp định trước không có, nên tôi tin TPP sẽ được thông qua ở Mỹ”.

TT Obama bắt tay trước khi đi - Ảnh: TT
Tổng thống Obama bắt tay các nhà doanh nghiệp trẻ Việt Nam trước khi rời Dreamplex - Ảnh: Thuận Thắng

17g10: Tổng thống Obama bắt đầu lên phòng hội nghị để gặp gỡ với các doanh nghiệp.

Tổng thống Obama trò chuyện với các tác giả nơi trưng bày các sản phẩm được sáng tạo bởi các nhà doanh nghiệp trẻ Việt Nam - Ảnh: Minh Trung
Các khách mời có mặt tại hội trường Dreamplex chờ cuộc gặp gỡ với Tổng thống Obama - Ảnh: Minh Trung

15g50: Các khách mời đã tiến vào hội trường nơi Tổng thống Obama sẽ có buổi gặp gỡ với doanh nghiệp trẻ, cộng đồng doanh nghiệp.

Các khâu chuẩn bị hậu trường tại Dreamplex đã hoàn tất - Ảnh: Minh Trung

15g30: An ninh Mỹ và Việt Nam kiểm tra tất cả các phóng viên và khách mời đến sự kiện Dreamplex. Trong số khách mời chỉ có một số nhất định được nghe Tổng thống Obama phát biểu.

 An ninh Mỹ và Việt Nam kiểm tra tất cả các phóng viên và khách mời đến sự kiện Dreamplex - Ảnh: Minh Trung

Dreamplex - được đầu tư hơn 10 tỉ đồng - là một không gian làm việc chung gồm ba tầng 9, 10, 11 tại tòa nhà Miss Áo Dài, TP.HCM. Nhà đầu tư kỳ vọng đây sẽ trở thành nơi hội ngộ những người “theo đuổi giấc mơ khởi nghiệp” tại Việt Nam.

Lấy ý tưởng như mô hình không gian làm việc chung (co-working space) khá nổi tiếng tại Mỹ, Dreamplex có thể được xem là một trong những không gian làm việc chung lớn nhất hiện nay tại TP.HCM (ra mắt ngày 16-11-2015).

Dreamplex hiện có khoảng 300 thành viên làm việc tại chỗ với 50 - 60 công ty. Trong đó, 70% các doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực công nghệ. 

Nguyễn Trung Tín, 27 tuổi, tổng giám đốc (CEO) Công ty cổ phần tập đoàn Trung Thủy, là một trong 30 gương mặt trẻ dưới 30 tuổi được tạp chí Forbes Việt Nam vinh danh đầu năm 2015.

 

>> Xem hình ảnh Tổng thống Obama phát biểu tại Hà Nội sáng 24-5

MINH TRUNG - TUẤN SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp