16/12/2024 07:59 GMT+7

Tổng thống - nghề nguy hiểm ở Hàn Quốc - Kỳ 8: Lee Myung Bak: bi kịch tổng thống doanh nhân

Ông Lee Myung Bak là tổng thống thứ tư của Hàn Quốc bị bắt vì cáo buộc tham nhũng sau các cựu tổng thống Chun Doo Hwan, Roh Tae Woo và Park Geun Hye.

Tổng thống - nghề nguy hiểm ở Hàn Quốc - Kỳ 8: Lee Myung Bak: bi kịch tổng thống doanh nhân - Ảnh 1.

Cựu Tổng thống Lee Myung Bak, doanh nhân tài ba, nhà chính trị thất bại - Ảnh: Yonhap

Đêm 22-3-2018, cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak (Lý Minh Bác, tại nhiệm từ 2008-2013) bị các công tố viên áp giải từ nhà riêng khu Nonhyeon-dong, Seoul đến Trung tâm giam giữ Dongbu. Ông là tổng thống thứ tư của Hàn Quốc bị bắt vì cáo buộc tham nhũng sau các cựu tổng thống Chun Doo Hwan, Roh Tae Woo và Park Geun Hye.

Hành trình truyền cảm hứng

Theo tờ Korea JoongAng Daily, trước khi bị bắt Lee đã đăng tâm thư trên Facebook: "Giờ đây tôi cảm thấy có lỗi và tôi nên chịu trách nhiệm về mọi thứ, thay vì đổ lỗi cho người khác". Ông nói thêm rằng mình đã phải chịu đựng "nỗi đau không thể chịu nổi" trong 10 tháng qua. Kết cục bi thảm cho người đàn ông từng được ca ngợi hiện thân "Giấc mơ Hàn Quốc". Năm 2008 khi tuyên thệ nhậm chức, ông đã cam kết đưa đất nước trở lại con đường thịnh vượng nhờ kinh nghiệm doanh nhân của mình. Ông là CEO doanh nghiệp đầu tiên lãnh đạo đất nước này.

Theo Bách khoa toàn thư Britannica, cuộc đời ông Lee là câu chuyện đầy cảm hứng về nỗ lực vươn lên phi thường từ nghèo khó. Sinh năm 1941 tại Osaka, Nhật Bản, ông là con thứ năm trong gia đình bảy anh chị em. Năm 1946 khi gia đình hồi hương về Hàn Quốc, con tàu bị lật, họ cập bờ chỉ còn manh áo trên người.

Gia đình ông Lee sau đó định cư tại quê nội ở Pohang. Để giúp đỡ gia đình, cậu bé Lee phải vừa đi học ban đêm vừa bán bánh gạo ban ngày. Năm 1961, ông đỗ Đại học Korea ở Seoul và để trang trải học phí, ông phải làm việc gom rác.

Thời sinh viên, ông tham gia các cuộc biểu tình phản đối bình thường hóa quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản. Năm 1964, ông bị bắt giam vì hoạt động này và sau đó bị đưa vào danh sách đen của chính phủ, hạn chế cơ hội việc làm của ông tại các doanh nghiệp lớn có tiếng tăm. Chính hoàn cảnh này đã đưa ông đến Công ty xây dựng Hyundai (Hyundai Construction) còn rất non trẻ vào năm 1965, bước ngoặt định mệnh mở ra con đường thành công rực rỡ trong sự nghiệp kinh doanh của ông.

Khi ông Lee gia nhập, Hyundai Construction là công ty nhỏ với chưa đầy 100 nhân viên, nhưng đó lại là cơ hội lớn cho người trẻ tài năng và đầy tham vọng như ông. Sự thăng tiến của ông ở Hyundai thực ấn tượng. Tuổi 36 ông đã ngồi ghế CEO của công ty. Dưới sự điều hành của ông, Tập đoàn Hyundai phát triển mạnh mẽ. Cho đến khi ông từ chức vào năm 1992, tập đoàn đã có 160.000 nhân viên với các sản phẩm đa dạng từ ô tô đến máy móc hạng nặng và điện tử tiêu dùng.

Thành công của ông Lee gắn liền sự phát triển kinh tế Hàn Quốc trong thập niên 1970. Tờ Korea Herald cho rằng cả ông và Hyundai đều là những nhân tố chủ chốt trong sự phát triển kinh tế đất nước giai đoạn đó.

Phong cách lãnh đạo quyết đoán và hiệu quả đã khiến ông được mệnh danh là "bulldozer" (máy ủi), biệt danh được dùng để ca ngợi khả năng vượt qua mọi trở ngại và hoàn thành công việc của ông. Tuy nhiên chính phong cách này sau đó lại bị cho là điểm yếu của ông trong vai trò tổng thống. Giới phê bình cho rằng mặc dù cách tiếp cận "bulldozer" - đơn phương, "hiệu quả" và có thể nói là phi dân chủ - đã giúp ông thành công trong giới doanh nghiệp nhưng nó không phù hợp với vị trí người đứng đầu quốc gia.

Tổng thống - nghề nguy hiểm ở Hàn Quốc - Kỳ 8: Lee Myung Bak: bi kịch tổng thống doanh nhân - Ảnh 2.

Cựu Tổng thống Lee Myung Bak bị giải đến Trung tâm giam giữ Đông Seoul sau khi tòa án chấp thuận lệnh bắt giữ ông với các cáo buộc về hối lộ, tham ô, trốn thuế và lạm dụng quyền lực vào năm 2018 - Ảnh: Yonhap

Bước ngoặt chính trị

Ông Lee bước vào chính trường năm 1992 khi đắc cử quốc hội với tư cách thành viên Đảng Tân Korea (New Korea Party) bảo thủ. Ông tái đắc cử năm 1996 nhưng phải từ chức hai năm sau đó khi bị kết tội vi phạm giới hạn chi tiêu vận động tranh cử. Sau đó ông rút lui khỏi chính trường và tự nguyện sống lưu vong một năm ở Mỹ.

Sự tái xuất chính trường của ông Lee được đánh dấu bằng chiến thắng trong cuộc bầu cử thị trưởng Seoul năm 2002. Thành tích nổi bật nhất trong nhiệm kỳ thị trưởng của ông là dự án phục hồi dòng suối Cheonggyecheon (Thanh Xuyên Khê). Con suối dài 5,8km chảy qua khu trung tâm thành phố Seoul này trước đó đã bị đường cao tốc trên cao phủ lấp trong thời kỳ đô thị hóa nhanh chóng. Các chủ doanh nghiệp ban đầu phản đối chi phí dự án lên tới 900 triệu USD. Nhưng khi hoàn thành tháng 9-2005, nó là thành công lớn được cả người dân Seoul và du khách đón nhận là thành tựu đáng kể trong nỗ lực kiến tạo đô thị xanh, sạch và đẹp.

Thành công này đã tạo đà cho ông Lee trong cuộc đua vào Nhà Xanh. Năm 2007, ông giành chiến thắng vang dội trong bầu cử tổng thống với kế hoạch "747" đầy tham vọng - hứa hẹn tăng trưởng kinh tế 7%, nâng thu nhập bình quân đầu người lên 40.000 USD trong vòng một thập niên và đưa Hàn Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới, theo Korea Times.

Thất hứa kinh tế

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, ông Lee đã phải đối mặt nhiều thách thức. Một trong những hành động đầu tiên của ông là mở thị trường Hàn Quốc cho thịt bò nhập khẩu từ Mỹ vốn đã bị cấm từ năm 2003 vì lo bệnh bò điên. Quyết định này châm ngòi các cuộc biểu tình chống chính phủ rộng rãi và khiến tỉ lệ ủng hộ ông sụt giảm mạnh.

Gây tranh cãi nhất trong nhiệm kỳ của ông Lee là dự án phục hồi bốn con sông. Theo Korea Times, từ năm 2008 đến 2012, chính phủ của ông đã chi 22,2 nghìn tỉ won (17,08 tỉ USD) cho dự án làm sạch, giảm thiểu lũ lụt theo mùa cũng như hạn hán và phát triển các khu nghỉ dưỡng ven sông tại bốn con sông Han, Nakdong, Geum và Youngsan. Tuy nhiên dự án này đã tạo ra những hồ chứa nước bị hư hại về môi trường, chất lượng nước suy giảm và thường xuất hiện thủy triều xanh độc hại với cá và các sinh vật thủy sinh khác. Giới chỉ trích cho rằng ông Lee vội thực hiện dự án vì những mục đích bất chính.

Về mặt kinh tế, tờ Korea Times chỉ ra các chỉ số đã không đạt được như cam kết ban đầu của ông Lee. Theo Bộ Chiến lược và Tài chính và Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, tăng trưởng kinh tế nước này đã giảm xuống mức thấp nhất trong ba năm là 2% năm 2012, khiến tốc độ tăng trưởng trung bình trong năm năm nhiệm kỳ của ông Lee (2008-2013) chỉ đạt 2,9%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2013 chỉ đạt khoảng 23.000 USD, Hàn Quốc vẫn là nền kinh tế lớn thứ 12 thế giới.

Bên cạnh đó, quan hệ với Triều Tiên trong nhiệm kỳ ông Lee cũng căng thẳng hơn so với người tiền nhiệm Roh Moo Hyun. Từ điển Britannica ghi lại tháng 3-2010, một tàu chiến Hàn Quốc bị chìm ở Hoàng Hải, ngoài khơi đảo Baengnyeong khiến 46 thủy thủ thiệt mạng và một nhóm điều tra quốc tế đã quy trách nhiệm Triều Tiên. Cuối tháng 11 cùng năm, các đơn vị pháo binh Triều Tiên đã pháo kích đảo Yeonpyeong khiến nhiều thường dân và quân nhân trên đảo thiệt mạng. Ông Lee đã phải xin lỗi vì không ngăn chặn được cuộc tấn công như vậy. Bộ trưởng quốc phòng đã từ chức sau sự cố này.

Hạ cánh vẫn không an toàn

Tổng thống - nghề nguy hiểm ở Hàn Quốc - Kỳ 8: Lee Myung Bak: bi kịch tổng thống doanh nhân - Ảnh 3.

Cựu tổng thống Lee Myung-Bak phải ngồi xe lăn rời BV Đại học Quốc gia Seoul tháng 2-2021 trước khi được đưa đến trại giam ở Anyang, Seoul - Ảnh: Yonhap

Năm 2018, mọi thứ sụp đổ khi ông Lee bị truy tố với ít nhất 18 tội danh liên quan nhận hối lộ từ doanh nghiệp và chính trị gia, biển thủ quỹ hoạt động bí mật từ cơ quan tình báo quốc gia và tạo quỹ đen thông qua công ty đăng ký dưới tên gia đình.

Báo Korea JoongAng Daily dẫn lại hồ sơ cáo trạng cho thấy ông Lee đã nhận hối lộ hơn 11,18 tỉ won (10,43 triệu USD vào thời điểm bị truy tố). Trong đó có hơn 6,77 triệu won (5.208 USD) từ Công ty Samsung Electronics dưới hình thức phí pháp lý cho DAS, một công ty sản xuất linh kiện ô tô về mặt giấy tờ thuộc sở hữu của anh trai ông Lee nhưng trên thực tế có thể do chính ông Lee điều hành. Phần lớn các khoản thanh toán này được thực hiện khi ông Lee đang là tổng thống, theo cáo buộc là để đổi lấy việc ân xá chủ tịch Samsung Lee Kun Hee, người bị kết án vì trốn thuế.

Suốt quá trình điều tra và xét xử, ông Lee luôn phủ nhận mọi cáo buộc. Ông cho rằng đây là sự trả thù chính trị từ chính quyền ông Moon Jae In đương nhiệm.

Tháng 10-2018, tòa án Seoul kết án ông Lee 15 năm tù và phạt 13 tỉ won (10 triệu USD). Tháng 12-2022, ông Lee được Tổng thống Yoon Suk Yeol ân xá, hủy bỏ phần còn lại của bản án tù và phần tiền phạt chưa thanh toán của ông. Lệnh ân xá này cũng làm dấy lên nhiều tranh cãi trong dư luận.

Câu chuyện ông Lee là một minh chứng việc thành công kinh doanh không đảm bảo thành công chính trị. Một người có thể là CEO xuất sắc nhưng không có nghĩa họ thành nhà lãnh đạo quốc gia hiệu quả. Như các nhà phân tích đã nhận xét cách tiếp cận "máy ủi" có thể mang lại kết quả trong giới doanh nghiệp nhưng không phù hợp điều hành đất nước dân chủ hiện đại.

---------------------

Kỳ tới: Park Geun Hye và "lời nguyền Nhà Xanh"

Tổng thống - nghề nguy hiểm ở Hàn Quốc - Kỳ 8: Lee Myung Bak: bi kịch tổng thống doanh nhân - Ảnh 3.Tổng thống - nghề nguy hiểm ở Hàn Quốc - Kỳ 7: Roh Moo Hyun - tổng thống của dân thường

Từ một thanh niên phải làm bảo vệ đêm để có tiền học cho đến vị luật sư tự học thành công rồi trở thành tổng thống, ông Roh Moo Hyun (Lô Vũ Huyền) đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử hiện đại Hàn Quốc với những cải cách táo bạo vì dân.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp