12/12/2024 12:17 GMT+7

Tổng thống - nghề nguy hiểm ở Hàn Quốc - Kỳ 4: Choi Kyu Hah - tổng thống tại nhiệm ngắn nhất

Đêm 3-12 vừa rồi, khi Tổng thống Yoon Suk Yeol (Doãn Tích Duyệt) đột ngột ban bố thiết quân luật, rất nhiều người dân Hàn Quốc đã giật mình lo sợ, lập tức nhớ lại tình huống tương tự đã xảy ra vào năm 1979.

Tổng thống - nghề nguy hiểm ở Hàn Quốc - Kỳ 4: Choi Kyu Hah - tổng thống tại nhiệm ngắn nhất - Ảnh 1.

Chỉ huy an ninh Chun Doo Hwan (phải) báo cáo với Tổng thống Choi Kyu Hah về việc được thăng cấp trung tướng ngày 1-3-1980 - Ảnh: Lưu trữ Quốc gia Hàn Quốc/Korea JoongAng Daily

Lệnh này được ban bố dưới thời Tổng thống Choi Kyu Hah (Thôi Khuê Hạ), ngay sau vụ ám sát Tổng thống Park Chung Hee (Phác Chính Hy).

295 ngày làm tổng thống

Vụ ám sát Tổng thống Park Chung Hee ngày 26-10-1979 đã đẩy Hàn Quốc vào vòng xoáy khủng hoảng chưa từng có. Thiết quân luật được ban bố ngay sau đó cùng ngày, đánh dấu khởi đầu giai đoạn đầy bất ổn. 

Giữa bối cảnh đó, ông Choi Kyu Hah, người kế nhiệm tạm thời, phải gánh vác trọng trách lèo lái quốc gia. Tuy nhiên quyền lực ông chỉ tồn tại thời gian ngắn ngủi.

Mùa thu năm 1979, Hàn Quốc chao đảo sau sự kiện Tổng thống Park Chung Hee, người cầm quyền suốt 18 năm, bị ám sát. Vụ ám sát đột ngột này tạo ra khoảng trống quyền lực chưa từng có. Xã hội bất an, nền kinh tế lung lay, quần chúng thì lo lắng trước tương lai mịt mờ.

Chính trường Hàn Quốc, vốn nhiều năm chịu áp lực từ chế độ độc tài và sức ép của giới quân sự, giờ đây càng thêm xáo trộn. 

Trong bối cảnh đó, một nhân vật vốn không được chuẩn bị kỹ càng cho vai trò lãnh đạo bỗng nhiên bước lên vũ đài quyền lực: Choi Kyu Hah, lúc ấy đang là thủ tướng, trở thành quyền tổng thống.

Tuy nhiên hành trình từ quyền tổng thống lâm thời đến vị trí tổng thống chính thức của ông Choi không hề bằng phẳng. Ông thiếu nền tảng chính trị cá nhân vững chắc, không có mạng lưới ủng hộ sâu rộng trong chính giới và càng thiếu cái gọi là "quyền lực cứng" từ quân đội. 

Chính sự yếu kém nội lực và áp lực từ mọi phía - đặc biệt là các tướng lĩnh đầy tham vọng - đã góp phần định hình một nhiệm kỳ ngắn ngủi.

Tờ Korea Times cho rằng không có bệ phóng chính trị, ông Choi phụ thuộc nặng nề vào cỗ máy chính quyền cũ. Người ta nhận xét ông "giống như một bù nhìn", một nhà lãnh đạo chỉ để giữ chỗ, không có thực quyền.

Ông Choi phải đối diện sự nghi ngờ và áp lực từ nhiều phía: giới quân sự bất mãn, chính trường nghi ngại khả năng lãnh đạo của ông, còn công chúng thì không tin tưởng lắm vào quá trình chuyển tiếp quyền lực êm đẹp. 

Trong không khí bấp bênh đó, cuộc bầu cử gián tiếp ngày 6-12-1979 cũng đã vẫn bầu ông Choi làm tổng thống chính thức. Nền tảng quyền lực đó vô cùng mỏng manh. Hàn Quốc lo ngại bất ổn tiếp diễn và rõ ràng rằng ông Choi không có nhiều lựa chọn: hoặc nhanh chóng củng cố quyền lực, hoặc trở thành nạn nhân tiếp theo của vòng xoáy chính trị khốc liệt.

Dù được chính thức bầu làm tổng thống vào cuối năm 1979, nhưng giai đoạn nắm quyền của ông Choi kết thúc nhanh chóng vào tháng 8-1980 sau một cuộc đảo chính quân sự. Ông trở thành người giữ "kỷ lục không mong muốn": tổng thống có thời gian tại nhiệm ngắn nhất trong lịch sử Hàn Quốc với 295 ngày.

Tổng thống - nghề nguy hiểm ở Hàn Quốc - Kỳ 4: Choi Kyu Hah - tổng thống tại nhiệm ngắn nhất - Ảnh 2.

Cựu Tổng thống Choi Kyu Hah - Ảnh: Korea Times

Thời thế chưa tạo anh hùng

Sau khi nhậm chức, ông Choi Kyu Hah cố gắng đưa Hàn Quốc trở lại quỹ đạo bình thường. Ông ý thức được áp lực từ cả trong lẫn ngoài nước. 

Về mặt chính trị, ông tìm cách giảm bớt sự đàn áp vốn đã rất nặng nề dưới thời ông Park, mong muốn tạo ra không khí đối thoại, ít nhất là tạm thời. Tuy nhiên, thời gian ông có quá ngắn ngủi. 

Chỉ trong vòng chưa đến một năm cầm quyền, ông không thể kịp thời đưa ra cải cách chính trị sâu rộng hay thiết lập một nền tảng dân chủ bền vững.

Nền kinh tế Hàn Quốc khi đó cũng đang chao đảo. Cuộc khủng hoảng dầu mỏ toàn cầu năm 1973 và những biến động kinh tế quốc tế tiếp tục ảnh hưởng, trong khi bất ổn nội bộ cản trở những chính sách dài hạn. 

Hàn Quốc giai đoạn ấy như đứng giữa ngã ba đường: phía trước là hy vọng dân chủ hóa sau thời ông Park, phía sau là những dấu hỏi về khả năng tồn tại của một chính phủ yếu ớt.

Trong bối cảnh quyền lực chính trị chưa kịp thiết lập, sức ép từ quân đội ngày một lớn. Nhiều tướng lĩnh nuôi tham vọng chính trị, xem ông Choi như một bù nhìn. 

Đáng kể nhất phải kể đến nhóm tướng lĩnh do Chun Doo Hwan và Roh Tae Woo dẫn dắt. Họ lợi dụng tình trạng bất ổn để củng cố ảnh hưởng, sẵn sàng ra tay khi cơ hội chín muồi.

Và trong khi ông Choi còn đang loay hoay ổn định tình hình thì vào đêm 12-12-1979, Chun Doo Hwan thực hiện cuộc đảo chính lật đổ giới chỉ huy quân sự cấp cao của chính phủ, tạo bước ngoặt lớn trong lịch sử xứ sở kim chi

Tổng thống - nghề nguy hiểm ở Hàn Quốc - Kỳ 4: Choi Kyu Hah - tổng thống tại nhiệm ngắn nhất - Ảnh 3.

Ngôi nhà của Tổng thống thứ 10 Hàn Quốc, Choi Kyu Hah, từng được sử dụng làm bối cảnh cho bộ phim "Reply 1988" của đài tvN - Ảnh: Korea Times

Cuộc đảo chính này tuy không thể ngay lập tức lật đổ ông Choi, nhưng nó làm suy yếu nghiêm trọng vị thế tổng thống của ông. Từ đó trở đi, ông Choi gần như bị trói tay trước áp lực từ giới quân đội. Cuộc khủng hoảng này chỉ còn chờ một thời điểm để bùng nổ dữ dội hơn.

Trong khi đó các nước láng giềng và cường quốc thế giới nhìn Hàn Quốc với ánh mắt nghi ngại. Mỹ, Nhật Bản và nhiều quốc gia theo dõi sát sao, lo lắng viễn cảnh Hàn Quốc rơi vào vòng xoáy bạo lực. 

Sau khi Tổng thống Park Chung Hee bị ám sát, cộng đồng quốc tế kỳ vọng sự chuyển đổi dân chủ, nhưng những gì diễn ra khiến họ nghi ngờ. Quyền Tổng thống Choi không tạo ra được cú hích cải tổ cần thiết, và những biến cố nội bộ càng củng cố nhận định rằng Hàn Quốc khó lòng đạt ổn định nhanh chóng.

Mặc dù ông Choi từng là nhà ngoại giao đáng kính (theo Korea Times, ông từng được bổ nhiệm làm cố vấn ngoại giao cho tổng thống năm 1963 và sau đó làm đại sứ Hàn Quốc tại Malaysia năm 1964), song khả năng này không thể phát huy tối đa trong cơn sóng gió chính trị. 

Quốc tế muốn thấy Hàn Quốc sớm tổ chức bầu cử dân chủ, nhưng thay vào đó, họ chứng kiến các cuộc đảo chính và thiết quân luật, tạo ra hình ảnh một quốc gia mà vũ lực quân sự lấn át quyền lực hiến định.

Di sản mờ nhạt

Tháng 8-1980, chưa đầy một năm sau khi chính thức lên nắm quyền, Tổng thống Choi Kyu Hah buộc phải từ chức. Tướng Chun Doo Hwan, người đã khống chế guồng máy quân sự, nhanh chóng nắm lấy cơ hội để thâu tóm quyền lực. Cuộc đảo chính đã quét sạch nỗ lực mong manh của ông Choi nhằm duy trì chính quyền dân sự.

Thực tế ông Choi Kyu Hah đã không kịp để lại một di sản chính trị đáng kể nào. Nỗ lực duy nhất có thể ghi nhận trong thời gian cầm quyền ngắn ngủi của ông là mức độ đàn áp chính trị có phần giảm nhẹ so với thời Park Chung Hee, nhưng điều đó không đủ tạo ra bước ngoặt. Khi tướng Chun Doo Hwan lên nắm quyền, Hàn Quốc lại chìm sâu vào chế độ quân sự, và các phong trào dân chủ trong nước tiếp tục bị đàn áp thô bạo. Đặc biệt, sự kiện thảm sát ở Gwangju năm 1980 đã trở thành vết thương đau đớn trong lịch sử dân chủ Hàn Quốc.

Trong mắt giới chính trị và người dân, ông Choi là một lãnh đạo thiếu cá tính chính trị, không đủ bản lĩnh để đối đầu với những thế lực hùng mạnh trong quân đội. 

Người ta cho rằng ông chỉ như một nhân vật chuyển giao, không gây ấn tượng rõ ràng, chỉ "giữ chỗ" trong giai đoạn hết sức rối ren. Chưa kể, theo tờ Korea JoongAng Daily, sự im lặng và từ chối làm chứng về biến cố Gwangju càng làm hình ảnh của ông nhạt nhòa thêm trong lòng dân chúng.

Những gì còn lại

Di sản vật chất mà ông để lại có lẽ là căn nhà 330m2 ở Seogyo-dong, nơi ông sống giản dị, tiết kiệm đến mức khổ sở trong những năm cuối đời.

Theo báo Korea Times, ngôi nhà khiêm nhường, ít đồ đạc xa hoa này về sau được mở cửa cho công chúng tham quan như một địa điểm giáo dục lịch sử.

Sau khi từ chức, ông Choi Kyu Hah gần như rút lui khỏi đời sống chính trị, chỉ dành thời gian chăm sóc người vợ bị ốm nặng và sống những năm cuối đời trong lặng lẽ.

Ông qua đời năm 2006, khép lại cuộc đời một chính khách "trong cơn bão" nhưng không thể chống chọi lại những cơn sóng dữ của thời cuộc.

****************

Kỳ tới: Chun Doo Hwan - một tổng thống nữa từ đảo chính

Tổng thống - nghề nguy hiểm ở Hàn Quốc - Kỳ 4: Choi Kyu Hah - tổng thống tại nhiệm ngắn nhất - Ảnh 3.Tổng thống - nghề nguy hiểm ở Hàn Quốc - Kỳ 3: Tổng thống Park Chung Hee và 'kỳ tích sông Hàn'

Dưới thời Tổng thống Park Chung Hee (Phác Chính Hy), Hàn Quốc chứng kiến quá trình chuyển mình ngoạn mục, từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới thành một 'con hổ châu Á' với 'kỳ tích sông Hàn' - giai đoạn tăng trưởng kinh tế thần tốc.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp