Binh sĩ Ấn Độ canh gác tại đền Taj Mahal, nơi ông Obama sẽ viếng thăm sắp tới đây. Hôm qua, một phụ nữ đã cho nổ bom bên trong một tòa án dân sự ở huyện Ara Bihar, bang Bihar (Ấn Độ) làm ít nhất 3 người chết và 16 người bị thương. Vụ việc gây nên không ít lo ngại về an ninh trước chuyến thăm của ông Obama - Ảnh: Reuters |
Ông Modi sẵn sàng tham gia các vấn đề dài lâu bên ngoài biên giới Ấn Độ, bao gồm cả an ninh hàng hải ở biển Đông, vấn đề CHDCND Triều Tiên và Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria. Đó là lúc chúng ta bắt đầu nghĩ đến việc Ấn Độ là một nước đóng góp vào an ninh toàn cầu |
Chuyên gia Richard Rossow (Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế) |
Theo Reuters, bên cạnh lịch trình dày đặc như hội đàm song phương, phát biểu trước giới doanh nghiệp, tham gia một chương trình phát thanh và thăm đền Taj Mahal danh tiếng, ông Obama sẽ thảo luận với ông Modi về việc chuyển từ “hướng Đông” sang “hành động hướng Đông”.
Ông Evan Medeiros - giám đốc châu Á thuộc Hội đồng An ninh quốc gia của Nhà Trắng - giải thích: “Chúng tôi đang nghiêm túc nhìn nhận các cách mà Mỹ và Ấn Độ có thể cùng nhau làm nhiều hơn cho châu Á - Thái Bình Dương trên một loạt vấn đề”.
Ông Medeiros cũng đề cập đến một cuộc đối thoại an ninh ba bên với sự tham gia của Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ.
Ông Obama cũng sẽ là tổng thống Mỹ đầu tiên dự cuộc diễu binh Ngày cộng hòa 26-1. Cả hai bên đều có những lời lẽ tán dương mối quan hệ sắp tới. Bộ trưởng quốc phòng Ấn Độ Manohar Parikar nói trên truyền hình: “Tôi nghĩ thắt chặt quan hệ với Mỹ chắc chắn đem lại lợi ích cho đất nước”.
Còn đại sứ Mỹ tại New Delhi Richard Verma khẳng định: “Chẳng có vướng mắc gì, đây là thời điểm xác định cho quan hệ Mỹ - Ấn”. Trang tin Politico của Mỹ trước đây từng dự đoán ông Modi sẽ trở thành “người bạn thân mới của nước Mỹ”.
Giảm ảnh hưởng của Trung Quốc
Theo Reuters, thông tin ông Obama thăm Ấn Độ đến trong bối cảnh hai nước cùng có chung mục đích muốn đối trọng với Trung Quốc. Đây cũng là lúc mà ảnh hưởng của Bắc Kinh ở Nam Á có chút suy giảm sau cuộc bầu cử ở Sri Lanka hồi đầu tháng 1.
Giới quan sát quốc tế nhận định việc Tổng thống Mahinda Rajapaksa bất ngờ thất cử là sự thụt lùi lớn nhất đối với sự mở rộng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở Nam Á và là thắng lợi ngoại giao đáng kể đối với Ấn Độ.
New Delhi từng lo ngại ông Rajapaksa thân thiết hơn với Trung Quốc. Tháng 9-2014, cựu tổng thống Sri Lanka đã để tàu ngầm Trung Quốc cập bến ở Colombo mà không thông báo với Ấn Độ, dù điều này đã ghi trong thỏa thuận giữa hai nước láng giềng.
Lần đó Tổng thống Rajapaksa nói với ông Modi rằng lần sau sẽ thông báo, nhưng lời hứa đã bị phá vỡ khi một lần nữa tàu ngầm Trung Quốc lại đến Sri Lanka vào tháng 11.
Trong khi đó, tân Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena khẳng định Ấn Độ là mối quan tâm hàng đầu và chính yếu trong chính sách đối ngoại của ông.
Hơn nữa, ông cũng nói sẽ xem xét lại tất cả dự án đã trao cho các công ty Trung Quốc, bao gồm cả dự án lấn biển ở Colombo, dự án giúp Trung Quốc có được vị trí chiến lược ngay bên hông Ấn Độ.
Tuần trước, chính quyền Colombo đã tuyên bố sẽ xem lại thỏa thuận trị giá 1,5 tỉ USD với Công ty Xây dựng viễn thông Trung Quốc để xây khu bất động sản 233ha hướng ra cảng phía nam Colombo.
Một nguồn tin ngoại giao Ấn Độ nói: “Thông điệp rất rõ ràng, Sri Lanka đã không làm ngơ trước các mối quan ngại an ninh của Ấn Độ”.
New Delhi gọi, Washington đáp lời
Kể từ khi lên nắm quyền hồi tháng 5-2014, ông Modi đã ra sức cải thiện quan hệ với Nhật Bản và Việt Nam, hai quốc gia đang có căng thẳng về chủ quyền biển đảo với Trung Quốc.
Chính sách ngoại giao mới và thẳng thắn này được ông Modi gọi là “hành động hướng Đông” và khiến Washington quan tâm. Nhiều năm qua, Mỹ đã kêu gọi Ấn Độ kết nối với chiến lược xoay trục hướng về châu Á của Washington.
Ông Modi cũng tìm kiếm các mối quan hệ tốt ở Nam Á, trong đó có Nepal, nơi ông đã đi thăm tới hai lần và trở thành thủ tướng Ấn Độ đầu tiên đến quốc gia kế cận Trung Quốc này trong vòng 17 năm qua. Cùng với đó, New Delhi đã ký với Kathmandu hàng loạt dự án năng lượng bị trì hoãn từ lâu.
Ấn Độ cũng gây ảnh hưởng đối với dự án cảng nước sâu trị giá 8 tỉ USD mà Bangladesh muốn phát triển tại Sonadia ở vịnh Bengal với Tập đoàn Adani, một công ty thân cận với ông Modi. Đề xuất được trình lên hồi tháng 10-2014. Một tập đoàn của Trung Quốc trước đó là bên tham gia đấu thầu đầu tiên và từng rất có lợi thế.
Giới quan sát cũng nhận định các chính sách của ông Modi đã cho thấy Ấn Độ chuyển dịch từ một nước có truyền thống không liên kết chuyển sang việc tiếp cận các khối cường quốc nước ngoài.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận