14/03/2021 07:49 GMT+7

Tổng thống Mỹ Joe Biden: 'Các liên minh đang trở lại'

Ý NGUYÊN
Ý NGUYÊN

TTO - Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho thấy chính sách đối ngoại dưới trào của ông sẽ là làm việc cùng các liên minh và xem Trung Quốc là một đối trọng đáng kể.

Tổng thống Mỹ Joe Biden: Các liên minh đang trở lại - Ảnh 1.

Cuộc họp trực tuyến của các lãnh đạo “Bộ tứ kim cương” ngày 12-3 - Ảnh: AFP

Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ định hình vận mệnh của thế giới chúng ta trong thế kỷ 21.

Thủ tướng Úc Scott Morrison

"Ngoại giao đã trở lại. Các liên minh đang trở lại" - Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thể hiện rõ điều ông nhắc đi nhắc lại về cương lĩnh ngoại giao trong "Chỉ dẫn chiến lược an ninh quốc gia tạm thời" hôm 3-3, nhằm truyền tải tầm nhìn của ông về cách thức nước Mỹ can dự với thế giới. 

Theo đó nhấn mạnh sự cần thiết của Washington để tăng cường liên minh với các nước dân chủ và rõ ràng gọi Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh duy nhất có khả năng kết hợp kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ thành sức mạnh để gắn kết thách thức lâu dài đối với một hệ thống quốc tế ổn định và cởi mở".

Ai cũng biết đó là Trung Quốc

Cuộc gặp trực tuyến với lãnh đạo nhóm "Bộ tứ" (Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ) vào ngày 12-3 là một bước cụ thể hóa "cương lĩnh hành động ngoại giao" của ông. 

Các vị lãnh đạo đã bàn đến nhiều vấn đề nóng của thế giới và ra tuyên bố chung "Tinh thần Bộ tứ", trong đó có đoạn khẳng định: "Chúng tôi sẽ tiếp tục ưu tiên vai trò của luật pháp quốc tế trong lĩnh vực hàng hải, đặc biệt như được phản ánh trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) và tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác, bao gồm cả trong lĩnh vực an ninh hàng hải, nhằm giải quyết các thách thức đối với trật tự hàng hải dựa trên luật lệ ở Biển Đông và biển Hoa Đông".

Ông Toshi Yoshihara, thành viên cấp cao tại Trung tâm Đánh giá chiến lược và ngân sách ở Washington (Mỹ), nhận định: "Hai chữ Trung Quốc không được đề cập trong tuyên bố chung, nhưng Trung Quốc có mặt ở mọi chỗ trong tài liệu. Nhưng phía sau thứ ngôn ngữ lịch sự đó là một thực tế chiến lược rõ ràng. Sức mạnh của cán cân hải quân Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là một cán cân đa phương. Nếu cộng gộp lại các khả năng hàng hải của Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ sẽ thấy tương quan lực lượng thay đổi khá nhiều so với Trung Quốc. Bắc Kinh hiểu quá rõ điều này".

Bộ tứ được hình thành gần 17 năm trước khi thiết lập một phản ứng chung trước cuộc khủng hoảng hữu hình và khẩn cấp, đó là trận động đất và sóng thần năm 2004 tại Ấn Độ Dương. Sự phối hợp hoạt động đã chứng tỏ hiệu quả, nhưng vì nhóm nước mạnh này không tiếp tục sự phối hợp sau đó nên không ít người cho rằng nó đang bị mất phương hướng.

Lần này, ông Biden cho thấy mình đi ngược lại các chính sách của người tiền nhiệm Donald Trump, người đã dành phần lớn nhiệm kỳ tổng thống 4 năm của mình để cáo buộc các đồng minh ở châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm cả Tokyo, không đóng góp đủ cho các hoạt động quân sự chung trong khu vực.

Tuyên bố chung cũng đã nêu rõ: các chuyên gia và quan chức cấp cao của nhóm Bộ tứ sẽ tiếp tục nhóm họp định kỳ, trong khi các ngoại trưởng của 4 nước sẽ trao đổi thường xuyên và họp ít nhất một lần một năm. Ở cấp lãnh đạo, các nước Bộ tứ sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tiếp vào cuối năm 2021.

Siết tay trong Bộ tứ

Nhiều nhà quan sát cho rằng ông Biden nhanh chóng trở lại vũ đài quốc tế và gặp gỡ Bộ tứ vì thấy rõ mối đe dọa đang ngày càng tăng từ Trung Quốc. Ông muốn thay đổi nhiều thứ từ chính quyền tiền nhiệm, nhưng đến nay vẫn giữ nguyên các lệnh trừng phạt mà chính quyền Trump đã thiết lập đối với các quan chức Chính phủ Trung Quốc và các mức thuế trừng phạt đối với hàng hóa nhập khẩu của nước này.

Cuộc gặp giữa các lãnh đạo Bộ tứ cũng được xem như một phiên trù bị nhằm thống nhất quan điểm của các đồng minh lớn của Mỹ trước cuộc gặp cấp cao của Mỹ với Trung Quốc tổ chức vào tuần sau tại Anchorage, bang Alaska. 

Chưa kể việc Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin có lịch thăm Nhật Bản và Hàn Quốc trước cuộc họp ở Alaska, đánh dấu chuyến công du nước ngoài đầu tiên của các quan chức hàng đầu của chính quyền Biden. Ngoại giao dưới trào ông Biden cho thấy sự tôn trọng các đồng minh của mình.

Cần thay đổi

Theo hai chuyên gia Evan A. Feigenbaum và James Schwemlein (thuộc Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế trụ sở tại Washington, Mỹ), Bộ tứ cần thay đổi trọng tâm từ việc là một hình thức đối thoại mới sang hướng hành động chung hiệu quả để thực hiện những ưu tiên cấp bách nhất mà các nước khác trong khu vực hiện phải đối mặt.

Nếu các quốc gia khác ở châu Á nhìn nhận Bộ tứ chẳng hơn gì một cuộc thảo luận về những rủi ro tiềm ẩn do sự trỗi dậy của Trung Quốc gây ra và thi thoảng tổ chức các cuộc tập trận quân sự chung thì có khả năng các nước khác sẽ không nhận thấy lợi ích của Bộ tứ, hoặc coi đây là một mô hình để họ có thể lựa chọn và triển khai cho riêng mình.

Báo Trung Quốc: Mỹ hoạt động quân sự ở Biển Đông Báo Trung Quốc: Mỹ hoạt động quân sự ở Biển Đông 'nhiều chưa từng thấy'

TTO - Trong năm 2020, Mỹ đã điều các nhóm tác chiến tàu sân bay, máy bay ném bom B-52H và nhiều vũ khí chiến lược khác tới Biển Đông. 'Bộ tứ kim cương' cho biết họ ủng hộ tự do hàng hải và hàng không, ưu tiên vai trò của luật quốc tế.

Ý NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp