Ông Jeffrey DeLaurentis đang là trưởng phái đoàn ngoại giao của Mỹ tại Cuba - Ảnh: AFP |
"Việc bổ nhiệm đại sứ là một tiến trình tự nhiên hướng đến một mối quan hệ bình thường và hiệu quả hơn giữa hai đất nước của chúng tôi" - tổng thống Barack Obama tuyên bố.
Ông DeLaurentis là trưởng phái đoàn ngoại giao của Mỹ tại Havana trong thời gian qua ở vai trò tùy viên thương mại. Trước đó ông từng làm việc tại Bogota (Colombia) và Liên Hiệp Quốc.
Tổng thống Obama và chủ tịch Cuba Raul Castro đã cùng tuyên bố về việc bình thường hóa quan hệ Mỹ - Cuba hồi tháng 12-2014 và chính thức khôi phục ngoại giao đầy đủ vào tháng 7-2015.
Kể từ đó, theo AFP, Washington và Havana đã tiến hành "những bước không tưởng" để cải thiện quan hệ sau hơn nửa thế kỷ thù địch.
Ông Obama cũng đã đến thăm Cuba và nới lỏng các biện pháp cấm vận mà Mỹ đã áp đặt lên Havana từ năm 1962.
Mỹ cũng đã nối lại các chuyến bay đến Cuba và du thuyền bây giờ có thể khởi hành từ Miami đến Havana.
Các công ty Mỹ như Airbnb và Netflix hiện cũng đã mở cửa hoạt động tại Cuba trong khi tập đoàn khách sạn Starwood đã mở khách sạn Sheraton tại Havana hồi tháng 6 vừa qua.
AFP cho biết việc bổ nhiệm cần được Thượng viện Mỹ thông qua và có thể đối mặt với sự phản đối gay gắt trong Quốc hội khi mà các nghị sĩ Mỹ gốc Cuba muốn chống lại các chính sách của chính quyền ông Obama. Vì thế quyết định bổ nhiệm của Tổng thống Obama - chỉ còn vài tháng nữa hết nhiệm kỳ - được cho là chỉ "mang tính tượng trưng".
Thượng nghị sĩ bang Florida, ông Marco Rubio công kích đề cử của ông Obama. "Một đại sứ Mỹ như thế sẽ không thể ảnh hưởng được đến chính quyền Cuba" - ông Rubio tuyên bố.
Ông Marco Rubio, người Mỹ gốc Cuba, thậm chí còn bình luận vào tài khoản Twitter của đại sứ quán Mỹ ở Havana, rằng nơi này hoạt động giống một "đại lý du lịch" hơn là một cơ sở ngoại giao có nhiệm vụ "bảo vệ các giá trị và quyền lợi của Mỹ".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận