Chuyến thăm theo lời mời của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, diễn ra ngay trước thềm kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Mông Cổ năm 2024.
Đón đoàn tại sân bay có Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, Đại sứ Việt Nam tại Mông Cổ Doãn Khánh Tâm.
Cục trưởng Cục Lễ tân Nhà nước (Bộ Ngoại giao) Nguyễn Việt Dũng cùng một số cán bộ Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Ngoại giao cũng ra đón đoàn.
Về phía Mông Cổ có Đại sứ Mông Cổ tại Việt Nam Jigjee Sereejav cùng một số cán bộ Đại sứ quán Mông Cổ ở Hà Nội.
Tháp tùng Tổng thống Ukhnaagiin Khurelsukh thăm Việt Nam, ngoài phu nhân Luvsandorjiin Bolortsetseg còn có một đoàn nghị sĩ đông đảo phụ trách các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, công nghiệp và các quan chức đối ngoại, Đảng Nhân dân Mông Cổ.
Chiều nay 1-11, Tổng thống Mông Cổ và phu nhân sẽ dự lễ đón chính thức do Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân chủ trì tại Phủ Chủ tịch.
Hai nguyên thủ sau đó sẽ hội đàm, chứng kiến việc ký kết một số văn kiện hợp tác trước khi gặp gỡ báo chí.
Ông Ukhnaagiin Khurelsukh từng thăm Việt Nam trên cương vị Tổng thư ký Đảng Nhân dân Mông Cổ vào tháng 1-2010.
Tháng 5-2023, nhân dịp cùng đến Anh dự lễ đăng quang Vua Charles III, Tổng thống Ukhnaagiin Khurelsukh đã gặp gỡ Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.
Tổng thống Ukhnaagiin Khurelsukh là người có tình cảm với Việt Nam. Ông đã tích cực thúc đẩy thiết lập khuôn khổ quan hệ mới với Việt Nam khi trên cương vị Phó thủ tướng và Thủ tướng Mông Cổ.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng thống Ukhnaagiin Khurelsukh cũng sẽ đến chào Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, hội kiến Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Dự kiến ông Ukhnaagiin Khurelsukh sẽ cùng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, dự và phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Mông Cổ với lãnh đạo Chính phủ.
Đại sứ Việt Nam tại Mông Cổ Doãn Khánh Tâm cho biết hai nước có rất nhiều tiềm năng và lợi thế để thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực.
Trong đó có nông nghiệp, du lịch, giáo dục - đào tạo, khoa học, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, kinh tế số, thăm dò khai thác và chế biến dầu khí cũng như năng lượng tái tạo.
Cũng theo ông Tâm, Mông Cổ đánh giá rất cao vai trò, vị thế đang lên của Việt Nam, xem Việt Nam là đối tác chính, quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại tại khu vực Đông Nam Á.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận