Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và Thủ tướng Đức Angela Merkel tại cuộc hội đàm trực tuyến ngày 5-2 - Ảnh: REUTERS
Hôm 5-2, Hãng tin AFP dẫn thông cáo từ Bộ Ngoại giao Đức cho biết ngoại trưởng các nước Anh, Pháp, Đức, và Mỹ đã nhất trí "khôi phục quan hệ xuyên Đại Tây Dương".
Mối quan hệ giữa Mỹ và các nước châu Âu bị cho đã tổn thương trong bốn năm của tổng thống Mỹ Donald Trump, và chính quyền mới của Tổng thống Biden muốn "sửa chữa" điều đó.
Tuy vậy, tuyên bố về việc "khôi phục quan hệ" này chỉ phản ánh đường hướng lạc quan sắp tới, chưa đề cập được ngay lập tức những thách thức để thực hiện điều đó.
Các thách thức này được hé lộ trong một cuộc hội đàm trực tuyến giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 5-2, khi cả hai đề cập tới những vấn đề Mỹ quan tâm nhất: Nga và Trung Quốc.
Pháp muốn châu Âu "tự chủ chiến lược"
Trước đó một ngày, Tổng thống Mỹ Biden đã lần đầu tiên phát biểu về chính sách đối ngoại của nhiệm kỳ này tại Bộ Ngoại giao Mỹ, nơi ông tiếp tục chỉ trích Nga và xem Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh nghiêm trọng nhất".
Người đứng đầu Nhà Trắng cũng thể hiện rõ mong muốn đưa nước Mỹ trở lại quỹ đạo ngoại giao quen thuộc, tức phối hợp chặt chẽ với các đồng minh châu Âu và những nơi khác.
Việc ứng phó với Nga - Trung và phối hợp với châu Âu là hai mảnh ghép có vẻ chưa... khớp lắm.
Hôm 4-2, Tổng thống Pháp Macron tại một diễn đàn Hội đồng Đại Tây Dương đã tái khẳng định lời kêu gọi của mình với "sự tự chủ chiến lược" dành cho châu Âu. Ông tuyên bố: "Nghĩa vụ của chúng tôi, tất nhiên, là không đặt bản thân mình vào tình thế phải dựa dẫm vào một quyết định của Mỹ".
Trang tin Axios (Mỹ) đánh giá rằng phát biểu này sẽ khiến một số nhân vật ở Washington thất vọng, vì đây là cách ông Macron áp dụng khi tiếp cận với vấn đề quan hệ Mỹ - Trung.
Thực tế, ông Macron cho rằng nếu châu Âu và các đối tác của họ theo đuổi một chính sách "toàn thể nhất trí chống Trung Quốc", thì điều này sẽ khiến Trung Quốc "tăng cường chiến lược của họ ở khu vực", đồng thời giảm mức độ hợp tác trong các vấn đề toàn cầu.
Theo Macron, châu Âu dẫu sao vẫn không thể xem Trung Quốc là một đối tác đầy đủ, ngang hàng với Mỹ được.
Nhưng Tổng thống Pháp cũng "ngửa bài" khi nói rằng châu Âu sẽ liên kết với Mỹ ở một số vấn đề nhất định, đồng thời cũng phối hợp với Trung Quốc ở những lĩnh vực khả thi.
Việc vừa đối phó vừa hợp tác với Trung Quốc này nghe rất quen, bởi đây cũng chính là cách tiếp cận mà ông Biden nói tới trong phát biểu của ông hôm 4-2: "Bằng việc dẫn đầu thông qua ngoại giao, chúng tôi cũng phải ứng phó với những đối thủ và đối thủ cạnh tranh theo cách thức ngoại giao, ở những mặt liên quan tới lợi ích của chúng tôi và thúc đẩy an ninh của người Mỹ".
Đức không cắt quan hệ với Nga
Cũng giống như Pháp, Thủ tướng Đức Merkel chọn cách tiếp cận vừa đấu tranh vừa hợp tác với Nga, mà nhìn chung cũng na ná phát biểu phía trên của ông Biden.
Hiện nay giữa Đức và Mỹ đang có mâu thuẫn trong dự án đường dẫn khí đốt Nord Stream 2. Đức hợp tác với Nga trong lĩnh vực này, nhưng Mỹ nhiều lần bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng của Nga lên Đức cũng như châu Âu.
Hôm 5-2, Thủ tướng Merkel khẳng định Đức đã chuẩn bị cho các lệnh trừng phạt Nga, bao gồm trừng phạt các cá nhân Nga, tuy nhiên nhấn thêm rằng Berlin có "nhiệm vụ ngoại giao" trong việc giữ các kênh giao tiếp với Matxcơva.
Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Pháp Macron, bà Merkel xác nhận Đức sẽ không dừng dự án Nord Stream 2 ít nhất vào thời điểm hiện tại.
"Liên quan tới các sự kiện gần đây ở Nga (bao gồm vụ chính trị gia đối lập Navalny), chúng tôi đã tuyên bố trước đó rằng chúng tôi bảo lưu quyền tiếp tục các lệnh trừng phạt, đặc biệt chống lại các cá nhân. Ở thời điểm hiện tại, quan điểm về Nord Stream 2 không bị ảnh hưởng từ việc này; đây là một dự án mà chúng ta đều hiểu được lập trường của chính phủ liên bang", Reuters dẫn lời bà Merkel.
Hiện nay Đức là đầu tàu của EU trong việc xúc tiến Hiệp định đầu tư toàn diện (CAI) giữa EU và Trung Quốc, một thỏa thuận mà chuyên san Foreign Policy nhận xét có khả năng là nguồn cơn cho mâu thuẫn lâu dài giữa Mỹ và châu Âu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận