Hình ảnh tân Tổng thống Htin Kyaw ngập tràn trên các phương tiện truyền thông Myanmar và người dân cũng bắt đầu có thói quen lưu tâm tình hình chính trị - Ảnh: Reuters |
“Tôi chưa bao giờ nghĩ ông Htin Kyaw sẽ được chọn. Gần như không tìm ra được lý do nào để tin rằng ông ấy sẽ đắc cử tổng thống. Htin Kyaw không công khai tham gia chính trị. Do vậy ông ấy không nằm trong danh sách dự đoán của chúng tôi |
Nhà báo Thiha THwe (trưởng văn phòng của NHK World của Nhật Bản) |
Cho đến khi ông Htin Kyaw được quyết định chọn làm đại diện cho Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) ở hạ viện ra tranh cử chức tổng thống Myanmar thì gần như giới truyền thông, cả của Myanmar lẫn của thế giới, đều tròn mắt hỏi nhau “Ông ấy là ai?”.
Đến lúc này mọi người mới chỉ biết ông được xem là trợ thủ đắc lực của bà Aung San Suu Kyi - người vừa dẫn dắt Đảng NLD giành thắng lợi quan trọng nhất trong lịch sử của mình.
Hai thành viên của Đảng NLD được chọn ra tranh cử cùng một thành viên của bên quân đội. Ai giành nhiều phiếu nhất tại quốc hội sẽ trở thành tổng thống và hai người còn lại trở thành phó tổng thống. Đó là luật định theo hiến pháp.
Dẫu có chút nghi ngại nào đó về khả năng “ngựa về ngược” với thành viên của bên quân đội nhưng hầu hết đều tin rằng “người được chọn” trong mắt bà Suu Kyi sẽ trở thành tổng thống dân sự được bầu đầu tiên của Myanmar.
Diễn tiến sau đó tại phiên bỏ phiếu của quốc hội ở thủ đô Naypyidaw ngày 15-3 đã diễn ra như thế. Dẫu đã được phỏng đoán nhưng vẫn làm nức lòng dân chúng.
Ông Htin Kyaw trở thành tổng thống của chính phủ dân sự đầu tiên ở Myanmar khi giành được 360 phiếu ủng hộ trong tổng số 652 phiếu của các nghị sĩ.
Bị các nhà báo phớt lờ
Aye Thu San, biên tập viên tin tức chính trị của tờ 7 Days - một trong những tờ báo hàng đầu ở Myanmar, chia sẻ với chúng tôi rằng trước khi ông Htin Kyaw nổi lên là ứng cử viên tổng thống, chẳng ai chú ý đến việc ông ấy đi cạnh bà Suu Kyi.
“Ông ấy là người vô hình trong mắt các nhà báo ở Myanmar và chưa bao giờ là “nguồn tin giá trị” cho chúng tôi” - Aye Thu San thừa nhận.
Khi có thông tin chắc chắn bà Suu Kyi, do có hai người con mang quốc tịch Anh, sẽ không thể ra tranh cử tổng thống theo hiến pháp do quân đội Myanmar soạn năm 2008 thì đã có những đồn đoán về những cái tên trong Đảng NLD có tiềm năng trở thành tổng thống, trong đó có tên ông Htin Kyaw.
Sau đó, nhiều người lưu tâm bắt đầu đưa ra các dự đoán về ứng viên được Đảng NLD chọn ra tranh cử chức tổng thống.
Giới truyền thông ở Myanmar phải lùng sục các nguồn tin để tìm hiểu danh sách được đề cử nhưng cái tên Htin Kyaw vẫn không nằm trong danh sách các ứng cử viên hàng đầu.
Danh sách các ứng cử viên tổng thống do bà Suu Kyi đích thân chọn được giữ bí mật làm gia tăng sự tò mò của các nhà báo và công chúng nói chung.
“Tôi chưa bao giờ nghĩ ông Htin Kyaw sẽ được chọn. Quan điểm nhất quán của tôi là bà San Suu Kyi mới thật sự là người điều hành đất nước trên thực tế.
Ông Htin Kyaw được bà Suu Kyi chọn lựa do đó chúng tôi không phải nói ông ấy phù hợp hay không. Vì người dân tin tưởng bà Suu Kyi nên họ cũng tin tưởng ông Htin Kyaw” - ông Thiha Thwe, trưởng văn phòng NHK World của Nhật Bản, giải thích về việc chọn lựa nhà lãnh đạo mới.
Tuy nhiên, nếu nhìn lại năm 2011 khi ông Thein Sein được chọn làm tổng thống Myanmar, lúc đó ông Thein Sein thậm chí không nhận được nhiều sự chú ý của truyền thông và xuất hiện nhiều trên báo chí như ông Htin Kyaw bây giờ.
Một dẫn chứng: có khoảng 2.000 nhà báo làm việc cho cả các cơ quan truyền thông địa phương lẫn quốc tế đã đến Quốc hội Myanmar đưa tin về các đề cử tổng thống vào tuần thứ hai tháng 3 năm nay.
Lạc quan về tổng thống mới
Trong mắt các nhà báo ở Myanmar, ông Htin Kyaw là một người ít nói. Bà Ei Ei Tin, trưởng văn phòng Đài truyền hình Fuji của Nhật Bản ở Myanmar, nhận xét tân tổng thống là “một người đàn ông trầm tĩnh, riêng tư và rất tập trung vào công việc”. Nhận xét của bà hẳn có giá trị và xác đáng vì bà là bạn thời trẻ của ông Htin Kyaw.
Trong khi đó, nhà báo Thiha Thwe tin rằng cộng đồng báo chí ở Myanmar sắp tới sẽ có chuyện để viết, để thông tin vì ông Htin Kyaw từng đi học ở phương Tây và được nuôi dưỡng trong môi trường thơ ca khi có cha là nhà thơ và học giả nổi tiếng Min Thu Wun.
“Tôi hi vọng ông ấy có thể điều hành đất nước một cách tử tế. Nhưng chúng ta hãy chờ xem năng lực của ông ấy như thế nào khi chính thức nhận nhiệm sở với tư cách tổng thống vào ngày 1-4 tới” - nhà báo Thiha Thwe thận trọng nhận định.
Dù ông Htin Kyaw không được truyền thông chú ý nhiều trước khi được đề cử làm tổng thống, tuy nhiên lần trả lời phỏng vấn báo chí đầu tiên của ông lại khá thành công vì ông gây được thiện cảm với các nhà báo bằng sự gần gũi và thân thiện.
Nữ nhà báo Nan Lwin, biên tập viên ban chính trị của tờ The Modern News Journal ở Myanmar, kể: “Lần đầu tiên ông ấy trả lời báo chí là khi ông ấy ở trong xe hơi. Một trong các phóng viên có mặt thời điểm đó hỏi ông ấy có cảm giác như thế nào khi được Đảng NLD đề cử làm tổng thống và sau đó đắc cử tổng thống.
Ông ấy thân thiện trả lời rằng đó là chiến thắng của người dân Myanmar và cũng là chiến thắng của “chị gái Suu Kyi”. Do đó, chúng tôi cảm giác rằng ông ấy khá gần gũi với truyền thông”.
Ông Han Thar, nhà sản xuất phim của Hãng truyền thông Kamayut, tiếp lời: “Ở Myanmar lâu nay, đến cả bộ trưởng cũng không trả lời phỏng vấn ngắn gọn kiểu bên lề như thế. Nhưng tổng thống mới đắc cử Htin Kyaw đã thân thiện trả lời chúng tôi, không cần quy tắc gì”.
Truyền thông đang được cởi trói mạnh mẽ Trong vòng 50 năm qua, truyền thông Myanmar đặt dưới sự quản lý của ban kiểm duyệt. Sau khi chính quyền tổng thống Thein Sein lên nắm quyền vào năm 2011, ông Thein Sein bãi bỏ ban kiểm duyệt vào tháng 8-2012. Dưới thời lãnh đạo của ông Thein Sein, Myanmar có 32 tờ báo, 492 tập san, 347 tạp chí nguyệt san và nhiều cơ quan truyền thông khác. Nhiều nhà báo ở Myanmar hi vọng chính phủ mới của tân Tổng thống Htin Kyaw có thể thực thi tự do báo chí hơn, bảo vệ quyền lợi của các nhà báo và có mối quan hệ tốt hơn với báo chí. Tuy nhiên, trong danh sách các bộ đệ trình lên quốc hội tuần này, tân Tổng thống Htin Kyaw vẫn tiếp tục giữ lại Bộ Thông tin để quản lý báo chí. “Tôi muốn tự do báo chí, kể cả ở cấp độ địa phương, nhất là khi đưa tin về hoạt động của các văn phòng chính phủ. Chúng tôi cũng muốn báo chí đưa tin về quân đội một cách minh bạch và công khai” - Seng Mai, tổng biên tập báo Kachin ở miền bắc Myanmar, chia sẻ. |
_______________
Kỳ tới: Vị tổng thống chân đất
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận