Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trong bộ quân phục tham dự một sự kiện ở tỉnh Bulacan ngày 24-11 - Ảnh: REUTERS
"Trong những trường hợp hiếm hoi, quyết định của một cá nhân có thể làm thay đổi một cách triệt để cấu trúc kinh tế xã hội và chính trị của một quốc gia, đi kèm theo là những hệ quả toàn cầu" - sử gia người Mỹ Stephen Kotkin từng viết trong quyển tiểu sử về nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin.
Theo nhiều cách, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã tạo ra sức ảnh hưởng tương tự (dù ở tầm mức khiêm tốn hơn ông Stalin) ở quốc gia ông và khu vực.
Trong một tương lai xa, ông Duterte có lẽ sẽ được nhớ đến như người báo hiệu một trật tự "hậu Hoa Kỳ" ở châu Á. Và không nghi ngờ gì, đến giờ phút này, Trung Quốc là bên hưởng lợi nhiều nhất từ những điều chỉnh chiến lược của ông Duterte.
Cuộc cách mạng thật sự trong đường lối đối ngoại của nhà lãnh đạo Philippines, đó là cuộc lột xác chỉ sau một đêm từ đồng minh trở thành kẻ đầu têu hoài nghi vai trò lãnh đạo của Mỹ ở châu Á. Dưới thời Duterte, quan hệ với Mỹ không còn đặc biệt và thiêng liêng như xưa, nó chỉ đơn thuần mang tính giao dịch.
Để cảm nhận được ảnh hưởng gây rung chuyển của ông Duterte, cần phải đặt chính sách đối ngoại của ông vào hoàn cảnh lịch sử đúng. Trong nhiều thập kỷ, liên minh Philippines - Mỹ giữ vai trò trục chốt của khối chống Trung Quốc ở châu Á - Thái Bình Dương, với sự hỗ trợ của Nhật Bản, Úc, Việt Nam và Ấn Độ.
Trong nhiều năm, Philippines nổi danh là một quốc gia thân Mỹ (và chống Trung Quốc) nhất quả đất. Vào một thời điểm, tỉ lệ người dân Philippines ủng hộ nước Mỹ còn lớn hơn tỉ lệ người Mỹ nghĩ tích cực về quê hương họ (85% so với 81% theo thăm dò Global Attitudes năm 2013 của Trung tâm Pew), trong khi Trung Quốc thì bị coi thường.
Tổng thống Mỹ và các nhà lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị Đông Á ở Manila hồi tháng 11 vừa qua - Ảnh: REUTERS
Nhưng kể từ khi lên nắm quyền, nhà lãnh đạo ăn nói cứng rắn Duterte đã làm đảo lộn trật tự địa chính trị khu vực bằng cách chấm dứt chiến lược thân Mỹ tuổi đời cả thế kỷ của Philippines.
"Tương lai của Philippines nằm ở Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và châu Á" - đây là phát biểu của ông Duterte trong bài diễn văn trước Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Phnom Penh, Campuchia, hồi đầu năm nay.
Theo ông, người châu Á nên tự quyết định tương lai châu Á, với tối thiểu sự can dự của phương Tây.
Cùng với tuyên bố trên, ông Duterte thực hiện một loạt chuyến công du đến Bắc Kinh và tuyên hủy tất cả các cuộc tập trận quân sự chung với Mỹ ở Biển Đông. Ông nói thẳng thừng kỷ nguyên thống trị của Mỹ đã kết thúc và tương lai của quốc gia ông nằm ở quan hệ thân thiết với các cường quốc châu Á, đặc biệt là Trung Quốc.
Bài trí mùa Giáng sinh ở TP Mandaluyong thuộc đại đô thị Manila ngày 14-12 - Ảnh: REUTERS
Chính sách đối ngoại thực dụng của Tổng thống Duterte, kết hợp với niềm tin vào vai trò dẫn dắt của Mỹ sụp đổ dưới thời Tổng thống Trump, dường như tìm thấy sự đồng cảm từ cử tri quê nhà.
Một khảo sát gần đây của Trung tâm Pew cho thấy trong 2 năm qua, số người Philippines nghiêng về quan hệ làm ăn với Trung Quốc đã tăng từ 43% lên 67%. Tỉ lệ người muốn đối đầu với Bắc Kinh giảm xuống 28% từ mức 41%.
Dù ông Duterte cuối cùng không cắt đứt hẳn quan hệ đồng minh với Mỹ như ông nhiều lần đe dọa, quan hệ song phương hai nước khó lòng trở lại thời kỳ hoàng kim.
Ngày nay, hợp tác quân sự Philippines - Mỹ chủ yếu gói gọn trong chống khủng bố, viện trợ nhân đạo và hỗ trợ thiên tai. Hợp tác an ninh hàng hải (đối phó Trung Quốc) đã giảm một cách đáng kể.
Sau nhiều năm gắn bó, quan hệ Mỹ - Philippines giờ đây khá "hững hờ" - Ảnh: REUTERS
Mặc cho cuộc gặp gỡ được mô tả là "thân mật" với Tổng thống Trump ở Manila hồi tháng 11, Tổng thống Philippines đã tỏ rõ cách tiếp cận của ông với Trung Quốc sẽ tiếp tục và không suy suyển. Bắc Kinh và Manila đang thương thảo cách khoản đầu tư hàng tỉ USD, hứa hẹn vực dậy cơ sở hạ tầng xuống cấp của Philippines.
Nhìn chung, Trung Quốc chính là hạt nhân của nghị trình phát triển quốc gia ông Duterte vạch ra - hay còn gọi là "Dutertenomics".
Trong một tác phong nhất quán đáng chú ý, nhà lãnh đạo (bị đánh giá là có tính khí thất thường) của Philippines còn thể hiện quan điểm chống lại sự can thiệp của sức mạnh bên ngoài (Mỹ) vào các tranh chấp ở Biển Đông.
Trong tư cách chủ tịch ASEAN năm nay, ông Duterte đã thúc đẩy ngoại giao song phương với Trung Quốc, kêu gọi thông qua Bộ quy tắc ứng xử (COC) để quản lý các tranh chấp hàng hải.
Nhờ có ông Duterte, Trung Quốc đã có thể tận dụng mối quan hệ gần gũi với ASEAN, dùng đó làm "tấm khiên" ngăn chặn sự can dự của Mỹ vào Biển Đông. Sau một loạt sự kiện, Philippines bây giờ nổi lên là một trong những đối tác chiến lược gần gũi nhất của Trung Quốc, củng cố thêm triển vọng về một trật tự khu vực do Bắc Kinh dẫn dắt.
Tổng thống Duterte cũng gặp không ít phản đối từ người dân và các tổ chức dân sự do việc mạnh tay xử lý nạn buôn bán ma túy. Trong ảnh là cuộc biểu tình của phụ nữ ở Manila vào ngày 30-11 - Ảnh: REUTERS
Tuy nhiên, cũng không hẳn mọi thứ đã chắc chắn. Cách tiếp cận Trung Quốc của ông Duterte vẫn vấp phải sự phản đối đáng kể ở quê nhà, đặc biệt trong tầng lớp an ninh kỳ cựu (thân Mỹ) và giới truyền thông theo chủ nghĩa tự do.
Do đó, nếu Trung Quốc và chính quyền ông Duterte không cẩn thận, chúng ta có thể chứng kiến một cú bẻ ngoặt khác trong "tam giác bão tố" Philippines - Mỹ - Trung Quốc.
Còn trước mắt, ít người có thể chối bỏ rằng ông Duterte đã biến Philippines thành một trục bẩy của châu Á, giúp Trung Quốc hưởng lợi nhiều nhất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận