18/07/2017 16:14 GMT+7

Tổng thống Duterte muốn gia hạn thiết quân luật để diệt phiến quân

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Nhà lãnh đạo Philippines mong muốn tình trạng thiết quân luật được kéo dài đến cuối năm để giải quyết cuộc khủng hoảng ở thành phố Marawi.

Người biểu tình giương biểu ngữ đòi bỏ lệnh thiết quân luật trước dinh tổng thống ở thủ đô Manila, ngày 18-7 - Ảnh: Reuters
Người biểu tình giương biểu ngữ đòi bỏ lệnh thiết quân luật trước dinh tổng thống ở thủ đô Manila, ngày 18-7 - Ảnh: Reuters

Tổng thống Rodrigo Duterte đã đề nghị Quốc hội Philippines xem xét gia hạn thiết quân luật ở tỉnh miền nam Mindanao đến cuối năm nay trong cuộc gặp các nghị sĩ vào tối 17-7. 

Theo hãng tin Reuters, lệnh thiết quân luật tại Philippines có thời hạn 2 tháng, ban hành ngày 23-5, sắp kết thúc nhưng cuộc chiến nhằm giải phóng thành phố Marawi trên đảo Mindanao từ tay nhóm phiến quân Hồi giáo Maute chưa đạt kết quả như mong muốn.

Yêu cầu không gặp trở ngại

"Mục đích hàng đầu của việc gia hạn thiết quân luật nhằm giúp quân đội chúng ta tiếp tục các chiến dịch quân sự giải phóng thành phố Marawi và tái thiết thành phố" - người phát ngôn của tổng thống, ông Ernesto Abella đã đọc bức thư do tổng thống Duterte phát biểu tại buổi gặp các nghị sĩ vào tối 17-7.

Theo đó, ông Duterte đã đề nghị gia hạn thiết quân luật khi sắc lệnh này hết hạn vào ngày 22-7 tới.

Hiến pháp Philippines cho phép tổng thống áp đặt thiết quân luật trong 60 ngày. Tuy nhiên, sau thời hạn này, tổng thống cần được Quốc hội phê chuẩn nếu muốn gia hạn sắc lệnh này.

Lệnh thiết quân luật cho phép chính quyền sử dụng quân đội để ngăn chặn hoặc chấm dứt những hành vi bạo lực bất hợp pháp, chấm dứt tình trạng nổi dậy hoặc xâm lược.

Lệnh cho phép lực lượng an ninh bắt giữ những kẻ tình nghi trong ba ngày mà không cần lệnh của tòa án.

Khói lửa vẫn còn ở thành phố Marawi - Ảnh: AFP
Khói lửa vẫn còn ở thành phố Marawi - Ảnh: AFP

Thượng nghị sĩ Joseph Victor Ejercito cho biết tại cuộc gặp tối 17-7, ông Duterte thông báo hiện còn 600 tòa nhà tại Mindanao vẫn chưa được kiểm tra để đảm bảo không còn bom mìn hoặc các tay súng vũ trang.

Quân đội Philippines với sự hỗ trợ của các lực lượng an ninh và cố vấn của Mỹ hiện vẫn đang tiến hành cuộc chiến giành giật từng căn nhà tại Marawi.

Tổng thống Duterte cho rằng cần gia hạn thiết quân luật đến cuối năm để tạo điều kiện cho các lực lượng an ninh quét sạch khủng bố khỏi miền Nam.

Trước đó, ông Duterte đã ban bố thiết quân luật trong 60 ngày trên toàn vùng Mindanao với 22 triệu dân từ ngày 23-5, sau khi các tay súng ủng hộ khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) bất ngờ tiến chiếm thành phố Marawi, giao tranh với quân đội chính phủ làm hơn 500 người thiệt mạng (bao gồm 413 tay súng nổi dậy, 98 binh sĩ và 45 thường dân).

Các đồng minh của ông Duterte hiện đang nắm đa số tại quốc hội và Chủ tịch Hạ viện Pantaleon Alvarez, trong ngày hôm nay (18-7), cho biết hiện không có trở ngại gì trong việc thông qua đề nghị của tổng thống.

Thượng nghị sĩ Sherwin Gatchalian, người có mặt trong cuộc gặp với tổng thống Duterte xác nhận với hãng tin AFP: "Ông ấy cũng đã nói về mối lo lây lan khủng bố ở Mindanao, và phần còn lại của đất nước". 

Các nghị sĩ đối lập từng nộp đơn lên Tòa án Tối cao Philippines xin bãi bỏ thiết quân luật do "không có những chứng cứ đầy đủ cho việc áp lệnh này", và viện dẫn khả năng xảy ra tình trạng độc đoán của quân đội như thời nhà lãnh đạo Ferdinand Marcos.

Nhưng cách đây hai tuần, Tòa án Tối cao của Philippines đã bác bỏ yêu cầu của phe đối lập nhưng không đưa ra lý do về phán quyết của mình. 

Lo âu cho Marawi

Tháng 5 vừa qua, ông Duterte từng bày tỏ lo ngại chủ nghĩa khủng bố có thể lan rộng ra toàn Mindanao, thậm chí ra cả quốc đảo này.

Đại sứ Mỹ tại Manila Sung Kim cho biết chính phủ Mỹ cũng bày tỏ "lo ngại sâu sắc về tình hình an ninh tại Marawi" và sẽ điều 2 máy bay Cessna cho quân đội Philippines để sử dụng trong chiến dịch chống khủng bố tại thành phố này.

Giới chuyên gia cảnh báo đảo Mindanao có thể trở thành một chiến trường mới cho các phần tử cực đoan khu vực nếu liên minh khủng bố Maute-Abu Sayyaf cố thủ ở Marawi.

Người dân Marawi ở trại tị nạn chen nhau xin kem lạnh vào ngày 5-7 - Ảnh: Reuters
Người dân Marawi ở trại tị nạn chen nhau xin kem lạnh vào ngày 5-7 - Ảnh: Reuters

Trong phiên điều trần trước tiểu ban châu Á-Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ mới đây, Giám đốc dự án nghiên cứu các mối đe dọa xuyên quốc gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) Thomas Sanderson cho rằng nếu không có một giải pháp ngắn hạn đối với cuộc chiến ở Marawi và một giải pháp dài hạn cho những vấn đề ở Mindanao, hòn đảo này có thể trở thành một đích ngắm quan trọng của IS.

Chuyên gia này lưu ý rằng cuộc chiến ở Marawi đã trở thành tâm điểm hoạt động của IS ở khu vực Đông Nam Á trong bối cảnh hơn 500 tay súng đã tham gia.

Cuộc chiến cũng đã khiến hàng trăm ngàn người dân phải rời bỏ nhà cửa và nhiều cơ sở vật chất bị hư hại do bom đạn.

Theo Reuters, tổng thống Duterte đã chỉ định lực lượng tái thiết cho Marawi, với ngân sách lên đến 20 tỉ peso (394,8 triệu USD).

Đề xuất về các giải pháp, nhà phân tích của Dự án chống chủ nghĩa cực đoan Supna Zaidi Peery cho rằng cần xóa sạch các nội dung tuyên truyền cực đoan khỏi mạng Internet và truyền thông xã hội.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp