Tổng thống Đức phát biểu trước báo giới quyết định rút khỏi nhiệm kỳ tổng thống thứ hai sau khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2017 - Ảnh: Reuters |
Phát biểu tại dinh tổng thống ngày 6-6, ông Gauck cho biết vấn đề tuổi tác là nguyên nhân chủ yếu khiến ông quyết định không làm tiếp nhiệm kỳ thứ hai.
“Tôi thấy biết ơn vì tôi vẫn còn khỏe, nhưng khi con người trải qua giai đoạn 77-82 tuổi sẽ rất khác với những gì tôi đang có ở hiện tại. Tôi không muốn đánh cược sức khỏe cho một nhiệm kỳ 5 năm mà mình không thể đảm bảo”, Tổng thống Gauck bày tỏ.
Ông Gauck, 76 tuổi, từng là một linh mục, sẽ hết nhiệm kỳ tổng thống vào tháng 3-2017, trước thềm bầu cử liên bang ở Đức.
Reuters nhận định quyết định rút lui khỏi nhiệm kỳ thứ hai của ông Gauck có thể sẽ khởi động một cuộc cạnh tranh giữa đảng phái trong liên minh cầm quyền của Thủ tướng Angela Merkel về việc ai sẽ kế nhiệm ông này dù tại Đức, chức danh tổng thống chỉ mang tính đại diện và nghi thức.
Việc lựa chọn hai người cho chức tổng thống trước ông Gauck đã từng làm nảy sinh một số vấn đề khiến bà Merkel phải giải quyết.
Năm 2012, bà Merkel không ủng hộ ông Gauck cho vị trí tổng thống sau khi tổng thống Đức khi đó là ông Christian Wulff, vốn là người do bà đề cử, đã phải từ chức vì bê bối ưu đãi tài chính.
Tuy nhiên khi các đảng phái chính trị khác, bao gồm cả đảng đồng minh của bà là Đảng Dân chủ tự do (FDP) bày tỏ sự ủng hộ đối với ông Gauck, bà Merkel đã phải nhượng bộ và chấp nhận để ông Gauck lên làm tổng thống.
Nhận định về tuyên bố của Tổng thống Gauck, ông Paul Nolte, giáo sư sử học của Đại học Free (Berlin), cho rằng quyết định rút lui của ông Gauck sẽ tăng thêm đầu việc cho bà Merkel trong lúc chính quyền của bà vẫn đang chật vật giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư và quan hệ Đức - Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo Hiến pháp Đức, người dân không có quyền bầu tổng thống. Chức danh này sẽ do Hội nghị Liên bang Đức bao gồm các thành viên của quốc hội liên bang và đại diện lập pháp các bang chỉ định. Cũng theo quy định, Tổng thống Đức có quyền giải tán quốc hội và là đại diện hợp pháp của quốc gia trong các vấn đề quốc tế. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận