Tổng thống Juan Manuel Santos (trái) và thị trưởng thành phố Bogota Gustavo Petro trong buổi lễ đốt ngọn lửa vì hòa bình ở Bogota ngày 9-4-2015 - Ảnh: Reuters |
Trưa 7-10, Đài truyền hình Na Uy NRK đã liên lạc với Tổng thống Manuel Santos ngay sau khi biết tin từ Oslo nhưng nhân viên của tổng thống Colombia cho biết ông vẫn còn đang ngủ và họ không muốn gọi ông dậy (thời điểm trao giải là 4g45 sáng 7-10 ở Colombia).
Ngay sau khi thức dậy, vị tổng thống đã trả lời về giải thưởng: "Chúng tôi đã tiến rất, rất gần đến việc đạt được hòa bình". Ông nhắc lại câu nói mà ông vừa phát biểu với người dân hôm 5-10 sau cuộc gặp với các lãnh đạo chính trị chống đối thỏa thuận hòa bình.
Nền hòa bình tại Colombia sẽ vững mạnh và trường tồn hơn rất nhiều nếu nhận được sự ủng hộ của toàn thể nhân dân Colombia" |
Tổng thống Manuel Santos trả lời phỏng vấn với đại diện Ủy ban Nobel Na Uy |
Hẳn ông rất tin tưởng rằng giải thưởng này sẽ là nguồn động lực để ông có thể hoàn thành được con đường hòa bình cho đất nước.
Hơn thế nữa, giải thưởng có thể là một "áp lực" buộc các chính trị gia Colombia còn đang chống đối lại cú bắt tay hòa bình với Lực lượng Vũ trang cách mạng Colombia (FARC) phải suy nghĩ lại quan điểm của mình.
Nhà báo Mark Rice-Oxley của tờ Guardian (Anh) vì thế đặt câu hỏi mà như câu trả lời: “Liệu giải Nobel Hòa bình năm nay có phải là một ví dụ nữa về việc giải thưởng này bị sử dụng như một công cụ để khuyến khích những người nhận giải hoàn thành công việc của mình, như chúng ta đã nhiều lần chứng kiến qua các năm 1993, 2007, 2009, và 2015?”.
Khi chọn trao giải cho Tổng thống Santos (cùng những người đã tham gia vào tiến trình hòa bình), hẳn Ủy ban Nobel Na Uy cũng đã lượng định được việc này.
Tại Viện Nobel Na Uy ở Oslo, bà Kaci Kullmann Five - Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy - đã phải trả lời câu hỏi về việc liệu giải năm nay có đề cao quá trình hơn là kết quả, khi mà đa số cử tri Colombia đã bỏ phiếu chống lại hiệp ước hòa bình.
“Giải thưởng này là sự ghi nhận những nỗ lực miệt mài của Tổng thống Santos và sáng kiến vô cùng quan trọng mà ông đã đề ra. Đó còn là sự động viên dành cho tất cả các bên tham gia quá trình đàm phán để nỗ lực hết mình cho một kết quả tốt nhất dành cho người dân nước mình”, bà Five nhấn mạnh.
“Có rất nhiều bên tham gia tiến trình hòa bình này, nhưng Tổng thống Santos là người đã đặt nền móng đầu tiên. Đã có rất nhiều nỗ lực hòa bình ở Colombia, nhưng lần này ông Santos và chính phủ do ông lãnh đạo đã đi một nước “được ăn cả, ngã về không” với một ý chí mạnh mẽ muốn đạt đến kết quả. Đó là lí do chúng tôi đã đặt trọng tâm vào ông”, bà Five trả lời thêm với câu hỏi tại sao giải thưởng năm nay không được chia đều mà chỉ dành cho một mình Tổng thống Santos.
Tổng thống Santos viết trên lòng bàn tay phải chữ "Hòa bình" khi chiến thắng nhiệm kỳ hai vào tháng 6-2014 - Ảnh: Reuters |
Hôm 24-8 vừa qua, sau bốn năm kiên trì đàm phán với nỗ lực và thiện chí của Chính phủ Colombia và Lực lượng Vũ trang cách mạng Colombia (FARC) cùng với sự hỗ trợ của các bên trung gian hòa giải, hai bên đã đạt được thỏa thuận hòa bình. Tiếp đó, vào ngày 26-9, tại thành phố duyên hải Cartagena, hai bên cũng đã chính thức ký kết thỏa thuận với sự chứng kiến của nhiều lãnh đạo chính trị, trong đó có Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon và Chủ tịch Cuba Raul Castro.
Mặc dù, trong một cuộc trưng cầu ý dân ngày 2-10 vừa qua, đa số cử tri Colombia đã bác bỏ thỏa thuận hòa bình được ký giữa Tổng thống Santos và thủ lĩnh FARC Rodrigo Londono, nổi tiếng với bí danh Timochenko, nhưng Tổng thống Santos vẫn khẳng định quyết tâm theo đuổi hòa bình và đối thoại dân tộc.
Ngay sau khi có tin về giải thưởng Nobel Hòa bình, nhiều tổ chức và chính trị gia đã gửi lời chúc mừng nồng nhiệt đến Tổng thống Santos.
Tổ chức Phòng vệ dân sự Syria, hay còn gọi là tổ chức The White Helmets (Mũ bảo hiểm trắng), một trong các ứng cử viên sáng giá cho giải Nobel Hòa bình năm nay, đã đăng dòng tweet: “Chúc mừng người dân và Tổng thống Colombia. Chúng tôi xin gửi đến họ lời chúc hòa bình chân thành nhất".
Nhà hoạt động vì quyền trẻ em Ấn Độ Kailash Satyarthi, đồng chủ nhân của giải Nobel Hòa bình năm 2014, cũng đã gửi “lời chúc mừng nồng nhiệt nhất” đến Tổng thống Santos trong một dòng tweet của mình ít phút sau khi kết quả được công bố.
Hoan nghênh kết quả giải Nobel Hòa bình năm nay, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz cũng tweet bày tỏ sự “kính trọng đối với phản ứng điềm tĩnh của Tổng thống Santos trước kết quả cuộc trưng cầu dân ý và cống hiến hết mình của ông để đạt đến một thỏa thuận hòa bình”.
Thủ tướng Bỉ Charles Michel cũng đã gửi “lời chúc mừng nồng ấm” đến Tổng thống Santos và xem giải Nobel lần này như sự tôn vinh dành cho người dân Colombia đã không từ bỏ hi vọng của mình.
Bộ trưởng Ngoại giao các nước châu Âu như Đan Mạch, Na Uy cũng hoan nghênh kết quả giải Nobel Hòa bình năm nay và gửi lời chúc mừng đến ông Santos.
Năm nay có tổng cộng có 376 ứng cử viên, bao gồm các tổ chức và cá nhân, cho giải Nobel Hòa bình.
Nobel Hòa bình được xem là giải thưởng danh giá nhất trong hệ thống giải Nobel. Giải thưởng này do Ủy ban Nobel Na Uy chọn. Giải Nobel Hòa bình trị giá 8 triệu Crown (tương đương 933.000USD), sẽ được trao tại tòa thị chính ở thủ đô Oslo, Na Uy, vào ngày 10-12 tới. Đã có 96 giải Nobel Hòa bình được trao từ trong khoảng thời gian 1901-2015, trong đó có 16 phụ nữ được trao giải Nobel Hòa bình. Năm ngoái, giải Nobel Hòa bình được trao cho Bộ Tứ Đối thoại quốc gia Tunisia (bao gồm Tổng Liên đoàn Lao động Tunisia, Liên minh Công nghiệp - Thương mại và Thủ công nghiệp Tunisia, Liên đoàn Nhân quyền và Hội đồng Luật sư Tunisia) vì những nỗ lực của nhóm này trong việc kiến tạo hòa bình và dân chủ tại quốc gia Bắc Phi. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận