Cộng đồng người Armenia biểu tình ngày 24-4-2021 trước Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden công nhận các cuộc thảm sát người Armenia năm 1915 thời Đế chế Ottoman là tội ác diệt chủng - Ảnh: REUTERS
Với quyết định này, ông Joe Biden đã trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên trong lịch sử coi các vụ thảm sát người Armenia là "tội ác diệt chủng". Đế quốc Ottoman là một đế quốc tiền thân của nước Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo Hãng tin Reuters, hành động này chắc chắn làm phức tạp thêm mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ đã triệu tập đại sứ Mỹ tại Ankara - ông David Satterfield - về việc Tổng thống Joe Biden công nhận các vụ thảm sát người Armenia là một tội ác diệt chủng, để đưa ra thông điệp "phản ứng mạnh mẽ" của Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ cho biết tuyên bố của ông Biden không có cơ sở pháp lý và không thể chấp nhận được. Thổ Nhĩ Kỳ bác bỏ và lên án tuyên bố này theo những điều khoản cứng rắn nhất. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo việc công nhận của ông Biden sẽ gây ra vết thương khó có thể sửa chữa trong quan hệ hai nước.
Nhiều người tiền nhiệm của ông Biden thừa nhận việc giết hại hàng loạt người Armenia, nhưng không sử dụng thuật ngữ "diệt chủng" do bị Thổ Nhĩ Kỳ phản ứng.
Trước đó, ngày 23-4, Tổng thống Mỹ Biden đã nói chuyện với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan để thông báo về quyết định này. Theo báo The Guardian, cuộc điện đàm đã diễn ra trong căng thẳng.
Việc giết hại hàng trăm nghìn người Armenia bắt đầu từ năm 1915, khi họ bị trục xuất đến sa mạc Syria. Có tranh cãi về số người đã thiệt mạng, nhưng Hiệp hội Các học giả nghiên cứu diệt chủng quốc tế nhận định số người thiệt mạng là "hơn một triệu".
Thổ Nhĩ Kỳ phủ nhận các vụ giết người là diệt chủng, và sự việc không đại diện cho nỗ lực có hệ thống nhằm xóa sổ người Armenia. Tuy nhiên, các học giả không đồng ý. Hơn 20 quốc gia đã chính thức công nhận các vụ giết người này là tội diệt chủng.
Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác chiến lược quan trọng của Mỹ, nhưng ông Biden từng chỉ trích nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan trong chiến dịch tranh cử.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận