"Nếu không giải quyết được vấn đề này, tôi sẽ không đi nữa", Tổng thống Mỹ Biden khẳng định với báo giới ngày 9-5 (giờ Mỹ).
Theo Hãng tin Reuters, tổng thống Mỹ đã lên kế hoạch dự thượng đỉnh G7 vào cuối tháng 5 này tại Nhật Bản. Ông cũng sẽ gặp nhiều lãnh đạo khác bên lề hội nghị, trong đó có 18 lãnh đạo các đảo quốc Thái Bình Dương.
Hiện Bộ Ngoại giao Mỹ chưa đưa ra bình luận gì. Nhiều nhà quan sát đã kỳ vọng vào chuyến công du châu Á của ông Biden nhằm củng cố quan hệ với các đồng minh và đối tác của Mỹ tại khu vực.
Tuyên bố "không đi châu Á nữa" được Tổng thống Biden đưa ra sau cuộc gặp nhóm nghị sĩ lãnh đạo Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa để thuyết phục họ nâng trần nợ công.
Tại cuộc gặp này, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy ngồi cùng lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell. Thủ lĩnh phe Dân chủ tại Hạ viện Hakeem Jeffries cùng lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer ngồi phía đối diện. Tổng thống Biden ngồi ở giữa.
Ông chủ Nhà Trắng gọi các cuộc đàm phán là "hiệu quả" và đưa ra một số thỏa hiệp để đổi lấy việc Quốc hội đồng ý nâng trần nợ công. Trong đó có việc thu hồi các khoản tiền chưa sử dụng trong quỹ cứu trợ COVID-19.
Tuy nhiên, ông Biden cũng tuyên bố sẽ không loại trừ việc viện dẫn Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp Mỹ để tuyên bố việc giới hạn nợ công là vi hiến. Theo Hãng tin Reuters, nếu xảy ra, đây là điều chưa có tiền lệ và có thể phải nhờ tới Tòa án tối cao phân giải.
"Tôi không thấy bất kỳ sự nhúc nhích nào", ông McCarthy nói sau khi rời cuộc đàm phán. Chủ tịch Hạ viện Mỹ cũng phàn nàn rằng ông Biden không có ý đàm phán.
Trước đó, ông McCarthy tuyên bố sẽ không chấp nhận các giải pháp ngắn hạn hoặc bất kỳ thỏa thuận nào mà trong đó Chính phủ Mỹ không cắt giảm đáng kể chi tiêu.
Nếu hai bên không thỏa hiệp, nước Mỹ sẽ lần đầu tiên vỡ nợ, đẩy nền kinh tế vừa mới phục hồi sau COVID-19 vào tình trạng bất ổn khó lường.
Nước Mỹ suýt vỡ nợ nhiều lần
Các "cuộc chiến" trần nợ công trong quá khứ thường kết thúc bằng một thỏa thuận được dàn xếp vội vàng trong những giờ đàm phán cuối cùng. Nhờ đó Mỹ tránh được tình trạng vỡ nợ.
Vào năm 2011, "cuộc chiến" giữa Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ đã khiến xếp hạng tín dụng của Mỹ bị tuột hạng. Những người đã từng tham gia vào năm 2011 cảnh báo tình hình hiện tại có nhiều rủi ro hơn vì sự chia rẽ chính trị ngày càng lớn, theo Hãng tin Reuters.
Dự kiến Tổng thống Biden và lãnh đạo hai phe Dân chủ, Cộng hòa tại Quốc hội sẽ gặp lại nhau vào ngày 12-5.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận