Lực lượng Mỹ tại sân bay Kabul của Afghanistan - Ảnh: Một phóng viên tờ WJS ở Afghanistan đăng trên trang cá nhân Twitter
23h29 (giờ Việt Nam): Đại sứ quán Mỹ cho biết sân bay ở Kabul bị tấn công, ít lâu sau khi Taliban tiến vào thành phố này.
“Tình hình an ninh ở Kabul đang thay đổi nhanh chóng, bao gồm ở sân bay. Có một số báo cáo rằng sân bay đang bị tấn công, vì vậy chúng tôi đang hướng dẫn công dân Mỹ tìm nơi trú ẩn” - Hãng tin Reuters dẫn thông báo của đại sứ quán Mỹ. AP cũng đưa tin.
Ngoài nhân viên ngoại giao các nước, nhiều công dân Afghanistan bao gồm các bộ trưởng, công chức, thường dân đang trú tại sân bay để chờ di tản.
“Sân bay đã mất kiểm soát… Chính phủ (Afghanistan) đã bán đứng chúng tôi” - một quan chức giấu tên nói.
23g45: Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết tình hình tại Afghanistan sẽ càng trở nên khó khăn, kêu gọi Liên Hiệp Quốc và NATO đoàn kết.
“Chúng ta không muốn bất cứ ai được tự do công nhận Taliban” - ông nói.
Theo thủ tướng Johnson, việc Afghanistan sẽ có một chính quyền mới là điều chắc chắn, nhưng “chúng ta chưa biết chính xác chính quyền đó là gì”.
Taliban đã kiểm soát dinh tổng thống
22h50: Các chỉ huy lực lượng Taliban nói họ đã chiếm quyền kiểm soát dinh Tổng thống Afghanistan.
Theo Reuters, hiện chưa có xác nhận điều này từ những người có thể còn trong chính quyền Afghanistan. Các lãnh đạo Taliban trước đó được biết đã có mặt tại dinh tổng thống ở Kabul để đàm phán, nhưng hiện nay họ khẳng định kiểm soát địa điểm này.
Người dân mang hành lý đứng đón xe trên đường phố Kabul ngày 15-8 - Ảnh: AFP
Mỹ thừa nhận đã dự đoán sai tình hình
22h40: Theo CNN, Tổng thống Mỹ Joe Biden và chính quyền đã gặp khó khăn trong việc chỉ đạo về tình hình Afghanistan, trong bối cảnh công dân Mỹ và các nhân viên nước ngoài đang sơ tán khỏi Afghanistan vì Taliban đã tiến vào thủ đô Kabul.
"Sự sụp đổ nhanh chóng của lực lượng quốc gia và chính phủ Afghanistan đã khiến ông Biden và các thành viên cấp cao trong nội các bị sốc, vì chỉ vừa tháng trước họ tin rằng phải mất vài tháng chính quyền Kabul mới sụp đổ, qua đó có một khoảng thời gian cho lính Mỹ rời đi trước lúc hậu quả của việc rút quân hiển hiện.
Giờ thì các quan chức đang thẳng thắn thừa nhận họ tính sai", CNN viết.
Trong một phát biểu ngày 15-8, Ngoại trưởng Antony Blinken thừa nhận: "Thực tế chúng tôi đã cho rằng lực lượng ấy (Afghanistan) không thể bảo vệ đất nước. Và điều đó lại diễn ra sớm hơn nhiều so với dự đoán".
20h45: Nhân viên Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Kabul được di chuyển ra sân bay, trong lúc lực lượng Taliban tiến về thành phố này.
“Đó là lý do vì sao chúng ta có các lực lượng để đảm bảo di tản một cách an toàn và trật tự” - Hãng tin AFP dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói tối 15-8 (giờ Việt Nam) trên đài ABC.
Ngoại trưởng Mỹ khẳng định Washington sẽ không tìm cách duy trì hiện trạng ở Afghanistan. Tuy nhiên, ông cảnh báo nếu Taliban can thiệp vào việc di tản công dân Mỹ, “chúng tôi sẽ phản ứng nhanh chóng và quyết đoán”.
Trong khi đó, đài Tolo News và Al Jazeera cùng đưa tin Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã rời khỏi nước này.
Văn phòng của ông Ghani cho biết không thể tiết lộ động thái của ông vì lý do an ninh. Tuy nhiên, Reuters dẫn nguồn tin trong Bộ Nội vụ Afghanistan tiết lộ ông Ghani chạy sang Tajikistan.
Máy bay quân sự Mỹ CH-46 Sea Knight bay trên bầu trời Kabul ngày 15-8 - Ảnh: REUTERS
21g20: Nga tuyên bố sẵn sàng hợp tác với chính quyền lâm thời Afghanistan, nhiều khả năng do Taliban dẫn đầu. Tuy nhiên, Nga cho biết hiện tại vẫn chưa công nhận Taliban là một lực lượng hợp pháp tại Afghanistan.
21h13: Taliban thông báo đã phát lệnh cho các tay súng tiến vào Kabul để giữ gìn “trật tự và luật pháp”, ngăn cướp bóc, sau khi có tin lực lượng an ninh đã bỏ các chốt canh gác và tổng thống Ashraf Ghani chạy ra nước ngoài.
Một số nhân chứng cho biết đã có tiếng súng nổ tại nhiều khu vực.
Một lính Afghanistan đứng trên xe quân sự trên đường phố ở Kabul ngày 15-8 - Ảnh: REUTERS
19h37: Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tuyên bố sẽ duy trì sự hiện diện ngoại giao tại Kabul.
"Chúng tôi ủng hộ Afghanistan tìm một giải pháp chính trị cho xung đột, điều đang khẩn cấp hơn bao giờ hết" - tổ chức này nói.
Trong khi đó, Nga cho biết đang tìm cách triệu tập cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về vấn đề Afghanistan. Đại sứ quán Nga tại Kabul nói chưa cần phải di tản, mô tả tình hình ở Kabul "hơi căng thẳng" nhưng không phải chiến tranh.
19h28: Reuters đưa tin một phái đoàn Chính phủ Afghanistan sẽ bay đến Qatar ngay trong ngày 15-8 để gặp các đại diện Taliban. Phái đoàn gồm ông Abdullah Abdullah, lãnh đạo ủy ban tái hòa giải của Aghanistan.
Một số nguồn tin cho hay hai bên sẽ thảo luận việc chuyển giao quyền lực và phía Mỹ có thể cũng tham gia.
Các tay súng Taliban mang vũ khí diễu hành trên đường phố ở tỉnh Laghman của Afghanistan ngày 15-8 - Ảnh: AFP
Nhiều nước đóng cửa đại sứ quán tại Kabul
19h21: Bộ Ngoại giao Đức thông báo sẽ đóng cửa đại sứ quán ở Kabul và yêu cầu toàn bộ công dân tại Afghanistan trở về nước.
Trong ngày 15-8, quân đội Đức đã đưa máy bay vận tải A400M cùng 30 lính nhảy dù đến Kabul để di tản nhân viên ngoại giao. Người phát ngôn quân đội Đức cho biết kế hoạch di tản được vạch ra gấp rút trong đêm trước.
Cùng lúc, Thụy Điển bắt đầu chiến dịch di tản ở Kabul.
17h: Guardian đưa tin Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ triệu tập cuộc họp quốc hội vào tuần sau để thảo luận vấn đề Afghanistan. Trước đó, ông Tobias Ellwood, chủ tịch Ủy ban quốc phòng Hạ viện Anh, kêu gọi ông Johnson "suy nghĩ lại" việc can thiệp ở Afghanistan.
"Chỉ vì người Mỹ không muốn, không có nghĩa chúng ta cũng bị trói buộc vào suy nghĩ đó… Chúng ta có thể ngăn được điều đó, nếu không lịch sử sẽ phán xét chúng ta gay gắt vì không can thiệp" - ông Ellwood nói, gợi ý London có thể đưa tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đến hỗ trợ lực lượng Afghanistan.
Người dân từ các tỉnh đổ về thủ đô Kabul của Afghanistan - Ảnh: REUTERS
Quyền bộ trưởng Nội vụ xác nhận sẽ chuyển giao trong hòa bình
16h45: Thông tin cập nhật từ Kênh tin tức Tolo News của Afghanistan, quyền Bộ trưởng Nội vụ Afghanistan Abdul Sattar Mirzakwal khẳng định Kabul sẽ không bị tấn công và việc chuyển giao sẽ diễn ra trong hòa bình.
Theo ông Mirzakwal, lực lượng an ninh sẽ đảm bảo trật tự cho Kabul.
Tình hình đã cho thấy chính phủ của Tổng thổng Ghani hiện không còn nhiều sự lựa chọn, hoặc họ phải chuẩn bị cho một cuộc chiến đẫm máu để bảo vệ thủ đô hoặc đầu hàng.
Việc mất hai thành trì Mazar-i-Sharif và Jalalabad là những đòn giáng mạnh vào chính phủ của ông Ghani vì từ đây, Taliban chỉ cách Kabul chưa đầy một giờ lái xe và lực lượng này giữ mọi quân bài để làm chủ bất cứ cuộc đàm phán đầu hàng nào của Kabul.
Quy mô và tốc độ tiến công của Taliban đã gây sốc cho người Afghanistan và liên minh do Mỹ dẫn đầu tại đây.
"Các chiến binh Taliban đang sẵn sàng ở tất cả các cửa ngõ của Kabul cho đến khi thống nhất được sự chuyển giao quyền lực hòa bình và tốt đẹp", Taliban phát tuyên bố ngày 16-8.
Người phát ngôn lực lượng này cho biết muốn chuyển giao quyền lực "càng sớm càng tốt", đồng thời đưa ra các cam kết như tôn trọng quyền của phụ nữ, cho phép họ tiếp cận giáo dục, việc làm.
16h04: Sau khi quyền Bộ trưởng Nội vụ Abdul Sattar Mirzakwal xác nhận Afghanistan sẽ chuyển giao quyền lực hòa bình, Reuters dẫn các nguồn tin ngoại giao đưa tin cựu Bộ trưởng Nội vụ Ali Ahmad Jalali có thể lãnh đạo chính quyền lâm thời ở Kabul.
Trong khi đó, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani hối thúc các lực lượng chính phủ giữ vững an ninh ở thủ đô Kabul trong bối cảnh Taliban bao vây các cửa ngõ thủ đô khiến người dân hoảng sợ.
"Đó là trách nhiệm của chúng ta. Bất cứ ai nghĩ tới việc gây rối, cướp bóc sẽ bị xử lý bằng vũ lực", ông Ghani nói.
Tại Kabul, Bộ trưởng Quốc phòng Afghanistan Bismillah Mohammadi cam kết sẽ bảo vệ thủ đô.
Cùng ngày, CNN đưa tin Mỹ sẽ rút toàn bộ nhân viên ngoại giao và an ninh tại đại sứ quán ở Kabul trong vòng 72 giờ.
Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ khẳng định chính sách đối với Afghanistan của Washington sẽ không thay đổi, trừ khi Taliban can thiệp vào quá trình di tản tại Đại sứ quán Mỹ.
Trước đó, Mỹ đã bắt đầu quá trình di chuyển nhân viên ngoại giao, người Afghanistan làm việc cho Mỹ, dưới sự bảo vệ của quân đội.
Người dân ở thành phố Kabul, Afghanistan, mang hành lý trên đường ra sân bay ngày 15-8 - Ảnh: REUTERS
Đức Giáo hoàng Francis kêu gọi đối thoại để chấm dứt xung đột ở Afghanistan
“Tôi mong mọi người cùng tôi cầu nguyện cho hòa bình, để tiếng vũ khí thôi inh tai và tìm được giải pháp quanh bàn đối thoại. Đó là cách duy nhất để người dân ở nước đó, đàn ông, phụ nữ, người già, trẻ em, có thể trở về nhà và sống trong hòa bình, an ninh” - Giáo hoàng nói.
Liên Hiệp Quốc đã cảnh báo hơn 390.000 người dân Afghanistan có thể phải rời bỏ nhà cửa nếu chiến sự kéo dài.
* Tuổi Trẻ Online tiếp tục cập nhật
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận