TTO - Bà Marie Damour là một trong số ít nhà ngoại giao Mỹ cấp cao ở Việt Nam có duyên đặc biệt với TP.HCM. Bà đến thành phố lần đầu năm 2002, giữ vai trò trưởng phòng lãnh sự. 17 năm sau, bà quay lại nhận trọng trách tổng lãnh sự Mỹ tại đây.

Nhân dịp 30-4, bà Marie Damour đã có cuộc trò chuyện cởi mở với Tuổi Trẻ. Bà nêu lý do rất đơn giản: "Tôi từng học ngành giáo dục và sử học. Chúng tôi có một câu nói rằng những người không nhớ lịch sử thì sẽ lặp lại nó".


Tổng lãnh sự Mỹ Marie Damour: Nếu tôi sinh ra ở Việt Nam, cha tôi có thể là liệt sĩ - Ảnh 1.

Những ấn tượng ban đầu của bà khi lần đầu tiên đặt chân đến TP.HCM vào năm 2002 là gì?

- Tôi đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất lúc 11h30 đêm vào mùa hè năm 2002. Khi tiến gần đến quầy xuất nhập cảnh, tôi thấy một người đàn ông mặc đồng phục nhìn rất nghiêm nghị.

Tôi đưa cho anh ấy cuốn hộ chiếu Mỹ, trong đó có đề tiểu bang nơi tôi sinh ra là Kentucky. Người đàn ông rất nghiêm túc ấy nhìn xuống hộ chiếu, sau đó anh ấy ngước lên nhìn tôi và nói "KFC".

"Đứng hình" mất một vài giây, sau đó tôi reo lên "Vâng! Vâng! Tôi đến từ Kentucky! Chúng tôi có gà rán Kentucky. Cảm ơn rất nhiều". Và từ đó, tôi biết mình sẽ thích Việt Nam.

Thời điểm đó, khoảng 7 năm kể từ khi bình thường hóa quan hệ giữa hai nước vào năm 1995. Lãnh sự quán chỉ mới được chính thức thành lập khoảng hai năm. Thế mà người đàn ông ấy đã có thể liên hệ một hãng đồ ăn nhanh mang tính biểu tượng Mỹ với nơi tôi sinh ra. Vì vậy tôi nghĩ đây là khởi đầu tốt đẹp và tôi đã có trải nghiệm tuyệt vời trong 2 năm.

Lần đó, tôi sống ở tòa nhà Indochine Park Tower tại trung tâm thành phố. Hầu hết dân cư ở tòa nhà là các nhà ngoại giao và doanh nhân, trong đó có rất nhiều doanh nhân Mỹ gốc Việt.

Tổng lãnh sự Mỹ Marie Damour: Nếu tôi sinh ra ở Việt Nam, cha tôi có thể là liệt sĩ - Ảnh 2.

TP.HCM khi bà quay lại năm 2019 khác gì với TP.HCM những năm đầu thập niên 2000? Bà có chia sẻ gì về ẩm thực, văn hóa và con người nơi đây?

- Khi tôi quay lại vào năm 2019, tôi nghĩ TP.HCM sẽ giống như thời điểm tôi rời đi năm 2004. Tôi vẫn nhận ra tình trạng giao thông hay sân bay Tân Sơn Nhất gần như không thay đổi. Thế nhưng, khi về đến căn hộ của mình gần dinh Độc Lập, tôi bước ra sân thượng và ngắm thành phố về đêm. Lúc đó, tôi nhận ra toàn bộ đường chân trời của TP.HCM đã thay đổi trong 15 năm tôi vắng mặt.

Sự phát triển về cơ sở hạ tầng thật sự thể hiện sự phát triển kinh tế và xã hội mà thành phố này đã trải qua trong 15 năm qua. Về nhiều mặt, TP.HCM đã giống một thành phố quốc tế hơn nhiều so với cách đây 17 - 19 năm. Dù nhìn bên ngoài TP.HCM chắc chắn đã chuyển mình thành một đại đô thị hiện đại của thế kỷ 21, nhưng từ bên trong thành phố vẫn độc đáo và giữ nguyên vẹn bản sắc của mình.

Tôi thích sống ở TP.HCM, vì đây là một thành phố sôi động và thú vị. Sự đa dạng của thành phố được thể hiện rõ qua việc bạn có thể tìm thấy đồ ăn Ý, Brazil, Hàn Quốc và thậm chí cả Ethiopia. Đây thực sự là một đô thị với vô vàn thứ để trải nghiệm về lịch sử, văn hóa, di tích, ẩm thực và mua sắm. Ở đây tôi có thể cảm thấy thư giãn và dễ chịu.

Người Việt Nam nồng hậu và luôn chào đón những người nước ngoài như tôi. Tôi thường dắt chó đi dạo vào buổi sáng và thật tuyệt khi thấy người dân thành phố tụ tập cùng bạn bè ăn phở.

Tôi cho rằng đây là điều thể hiện người Việt Nam luôn coi trọng các mối quan hệ và yêu thích ẩm thực. Những cảm nhận đó dần lớn lên cho tôi cảm giác sống và làm việc tại thành phố trở thành một trải nghiệm đáng nhớ và bổ ích. Sống ở TP.HCM, tôi luôn cảm thấy như đang sống ở nhà. Việt Nam bây giờ giống như quê hương thứ hai của tôi.

Tổng lãnh sự Mỹ Marie Damour: Nếu tôi sinh ra ở Việt Nam, cha tôi có thể là liệt sĩ - Ảnh 3.


Tổng lãnh sự Mỹ Marie Damour: Nếu tôi sinh ra ở Việt Nam, cha tôi có thể là liệt sĩ - Ảnh 4.

Các nhà ngoại giao Mỹ thường ngại trả lời báo chí về chiến tranh Việt Nam, đặc biệt là ngày 30-4. Vậy tại sao bà lại đồng ý chia sẻ với Tuổi Trẻ về chủ đề này?

- Bởi vì chúng ta không thể bước vào tương lai nếu chúng ta không tôn trọng quá khứ. Mỹ và Việt Nam có một giai đoạn lịch sử chung và có rất nhiều điều chất chứa trong giai đoạn lịch sử đó, những điều rất buồn.

Tôi từng theo học ngành giáo dục và lịch sử. Chúng tôi có một câu nói rằng "những người không nhớ lịch sử sẽ lặp lại nó". Vì vậy khi nhắc đến cách Mỹ và Việt Nam đổi mới quan hệ ngoại giao 25 năm trước, xuất phát điểm của chúng ta là nhằm giải quyết các di sản của chiến tranh.

Đó là sự giao lưu giữa người dân hai nước, giữa các cựu chiến binh đã từng chiến đấu ở hai đầu chiến tuyến, đó là nỗ lực tìm lại hài cốt những người Mỹ và người Việt mất tích.

Hàng triệu người có thể vui và hàng triệu người có thể buồn vào ngày 30-4 là thực tế lịch sử của chúng ta. Việc phớt lờ lịch sử không thể giúp chúng ta cùng nhau đưa quan hệ song phương tiến lên.

Cá nhân tôi tin rằng một phần sức mạnh của quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ là chúng ta có thể thảo luận về những vấn đề nhạy cảm này, cũng như cùng nhau giải quyết những di sản quá khứ.

Tổng lãnh sự Mỹ Marie Damour: Nếu tôi sinh ra ở Việt Nam, cha tôi có thể là liệt sĩ - Ảnh 5.

Được biết cha của bà từng tham chiến ở Việt Nam. Bà cảm nhận như thế nào về chiến tranh Việt Nam qua lời kể của cha?

- Một trong những việc đầu tiên mà tôi làm với tư cách tổng lãnh sự Mỹ là đến Đà Nẵng tham gia lễ trao trả hai bộ hài cốt của binh lính Mỹ, được tìm thấy nhờ nỗ lực của cả hai nước.

Khi nhìn những chiếc quan tài được phủ quốc kỳ Mỹ, ý nghĩ xuất hiện ngay trong đầu tôi là "người đó có thể là cha tôi". Vì năm tôi hai tuổi, cha tôi đến Việt Nam tham chiến. Ông đóng quân ở Phú Bài, Thừa Thiên Huế. Ông ấy may mắn quay về nhưng rất nhiều người cha khác thì không.

Tôi không nghĩ bạn phải là người Việt Nam hay người Mỹ mới có thể cảm thấy trân trọng sự hi sinh cho tổ quốc mình. Ngay cả khi họ khác chiến tuyến với bạn, họ cũng đã hi sinh cho tổ quốc của họ. Dù bạn có ý kiến gì về cuộc chiến giữa Mỹ và Việt Nam, bạn cũng phải tôn trọng điều đó.

Tôi nhớ rằng đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink đã có một số chuyến thăm mang tính biểu tượng đến hai nghĩa trang khác nhau, cũng như đến các địa điểm quan trọng trong chiến tranh. Tôi cũng đi cùng đại sứ Kritenbrink khi ông ấy đến Nghĩa trang liệt sĩ TP.HCM.

Ông ấy là đại sứ Mỹ đầu tiên đến thăm nghĩa trang này. Sau đó chúng tôi chia sẻ về chuyến thăm và thống nhất rằng đây là một điều vô cùng ý nghĩa. Đó không chỉ là các liệt sĩ Việt Nam hi sinh trong cuộc chiến với Mỹ, các nghĩa trang này còn là nơi vinh danh những người yêu nước đã hi sinh trong các cuộc chiến khác trong lịch sử Việt Nam.

Khi nhìn vào từng tấm bia mộ, đọc tên, xem ngày sinh và ngày mất, chúng tôi thấy có những người đàn ông rất trẻ tuổi. Đối với tôi, điều này đặc biệt cảm động. Nếu tôi sinh ra ở Việt Nam, họ đã có thể là cha tôi.

Đại sứ Kritenbrink từng chia sẻ rằng nếu hai nước hợp tác tốt giải quyết di sản chiến tranh, nó sẽ mở ra thêm nhiều cơ hội hợp tác chiến lược hơn nữa. Bà có đồng tình với ý kiến này?

- Chúng ta cần sẵn sàng giải quyết các di sản của chiến tranh. Tôi biết nhiều gia đình ở Mỹ vô cùng biết ơn những việc mà chính phủ và nhân dân Việt Nam đã làm, để giúp chúng tôi tìm lại hài cốt những người Mỹ đã mất trong chiến tranh.

Mỹ cam kết giải quyết các hậu quả do chiến tranh để lại, cho dù đó là việc giúp đỡ Việt Nam tìm kiếm liệt sĩ của chính quốc gia các bạn, làm sạch đất bị ô nhiễm dioxin ở Biên Hòa hay Đà Nẵng, loại bỏ bom mìn ở khu vực miền Trung, hay giúp đỡ người khuyết tật ở những tỉnh trọng điểm thời chiến. Đó là một phần cực kỳ quan trọng trong mối quan hệ của chúng ta.

Tổng lãnh sự Mỹ Marie Damour: Nếu tôi sinh ra ở Việt Nam, cha tôi có thể là liệt sĩ - Ảnh 6.


Tổng lãnh sự Mỹ Marie Damour: Nếu tôi sinh ra ở Việt Nam, cha tôi có thể là liệt sĩ - Ảnh 7.

Bà là con gái của một cựu binh Mỹ và giờ trở thành nhà ngoại giao Mỹ cấp cao ở Việt Nam, chúng tôi nghĩ bà rất hiểu giá trị của hòa bình và tình hữu nghị?

- Chúng ta đã chứng kiến những bước tiến vượt bậc về quan hệ song phương trong hơn 25 năm bình thường hóa quan hệ. Kết quả của hòa bình đó là chúng ta có thể bắt đầu một tình hữu nghị cho phép cả hai nước cùng phát triển kinh tế. Và cuộc sống của người dân hai bên đã tốt hơn đáng kể so với 25 năm trước.

Khi nhìn vào việc Mỹ và Việt Nam từ đối đầu trong chiến tranh thành đối tác kiến tạo hòa bình, tôi nghĩ rằng phần còn lại của thế giới có thể hiểu đượcvì sao chúng ta cần dẹp bỏ thù hận. Chúng ta không bao giờ quên quá khứ, nhưng nếu chúng ta có thể tập trung hướng vào tương lai, vào tình hữu nghị và hợp tác, chúng ta có thể cùng nhau làm được nhiều điều lớn lao hơn.

Bà có nói hai nước đang là đối tác kiến tạo hòa bình. Đó có phải là Mỹ đang hỗ trợ Việt Nam về chương trình gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc ở Nam Sudan không?

- Trong tháng 4-2021, Việt Nam giữ vai trò chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Điều đó cho thấy Việt Nam đang đóng một vai trò lớn hơn nhiều trong cộng đồng quốc tế, so với khi tôi ở đây 15 năm trước.

Tôi cảm thấy rất ấn tượng về việc Việt Nam lần đầu tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc ở Nam Sudan. Đó là biểu hiện vô cùng quan trọng cho cam kết của Việt Nam trong việc trở thành quốc gia đóng góp cho hòa bình thế giới.

Tôi đã tham gia một vài hoạt động liên quan tới việc hợp tác này, trong đó có buổi lễ đón phái đoàn Việt Nam trở về từ Nam Sudan. Tôi cũng có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất để chia tay với nhóm nhân viên y tế thứ ba chuẩn bị lên đường.

Chúng tôi đã nghe các nhân viên Mỹ tại Nam Sudan khen đơn vị bệnh viện Việt Nam làm việc tốt như thế nào. Họ đã nỗ lực kết nối với cộng đồng. Họ đang phục vụ cho cả Lực lượng Gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc và cả người dân địa phương.

Ngoài hỗ trợ vật chất và trang thiết bị, chúng tôi có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này và sẵn sàng chia sẻ với Việt Nam. Việc hai nước từng là cựu thù trong quá khứ nay cùng nhau hợp tác để tạo ra hòa bình trên một lục địa khác thật sự mang tính biểu tượng rất lớn. Nếu chúng ta trở thành đối tác của nhau trong lĩnh vực này, chúng ta có thể cùng nhau giúp thiết lập lại nền hòa bình ở Nam Sudan.

Tổng lãnh sự Mỹ Marie Damour: Nếu tôi sinh ra ở Việt Nam, cha tôi có thể là liệt sĩ - Ảnh 8.


Tổng lãnh sự Mỹ Marie Damour: Nếu tôi sinh ra ở Việt Nam, cha tôi có thể là liệt sĩ - Ảnh 9.

Quay trở lại quan hệ song phương giữa hai nước. Đại sứ Việt Nam tại Mỹ đầu tiên sau chiến tranh, ông Lê Bàng, từng phát biểu rằng quan hệ Việt - Mỹ đã phát triển như tên lửa sau bình thường hóa. Bà nghĩ gì về nhận định này?

- Tôi nghĩ ông ấy nói rất đúng. Khi Mỹ và Việt Nam nối lại quan hệ ngoại giao cách đây 25 năm, chúng ta hầu như không giao thương. Ngay cả ở thời điểm năm 2002, lúc tôi mới đến Việt Nam, thương mại hai chiều giữa hai nước chỉ khoảng 400 - 600 triệu USD. Nhưng hiện nay con số này gần 90 tỉ USD - một sự tăng trưởng rất lớn.

Trước khi đến Việt Nam, tôi đã nói chuyện với nhiều cơ quan khác nhau trong Chính phủ Mỹ. Tôi đã đến gặp Phòng Thương mại Mỹ, các tổ chức đại diện của nhiều ngành khác nhau để có thể biết được Việt Nam đã thay đổi như thế nào, ít nhất là từ góc nhìn của người Mỹ.

Tôi không hề phóng đại khi nói rằng mọi người ở Washington rất hào hứng về Việt Nam, ngay cả ở phương diện quan hệ đối tác toàn diện hay vai trò quan trọng của Việt Nam trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, hay về khả năng mở rộng hợp tác thương mại.

Mặc dù chúng ta chưa có hiệp định thương mại tự do chính thức và vẫn có những lĩnh vực cần tiếp tục làm việc cùng nhau, song chúng tôi tin rằng Việt Nam là vùng đất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Mỹ đầu tư và kinh doanh. Họ đánh giá Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển.

Bà nhận xét như thế nào về nỗ lực chống dịch CoVid-19 của Việt Nam và TP.HCM nói riêng, trong bối cảnh là chúng ta đang trò chuyện trực tiếp mà không cần phải đeo khẩu trang?

- Tôi thực sự rất ấn tượng. Tất cả mọi người đều phải công nhận rằng Việt Nam là một trong những nước kiểm soát đại dịch COVID-19 tốt nhất thế giới.

Chính phủ Việt Nam đã không thể thành công nếu người dân không có tính kỷ luật cao, sẵn sàng chấp nhận hi sinh. Mọi người đã lập tức bắt đầu đeo khẩu trang ở khắp mọi nơi kể từ khi bùng dịch. Và mỗi khi có một đợt bùng phát nhỏ, mọi người lại nhanh chóng thực hiện biện pháp này.

Hai nước chúng ta đang hướng đến các lĩnh vực hợp tác tương lai, đó là ứng phó với đại dịch COVID-19 và các vấn đề y tế khác. Liên quankhả năng Mỹ cung cấp và chuyển giao công nghệ vắcxin COVID-19 cho Việt Nam, hiện cả hai nước đang thảo luận.

Tổng lãnh sự Mỹ Marie Damour: Nếu tôi sinh ra ở Việt Nam, cha tôi có thể là liệt sĩ - Ảnh 10.
Quỳnh Trung - Nguyên Hạnh
T.T.D
Hải Phi
Bảo SuZu
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp