Ông Nguyễn Thế Kỷ, tổng giám đốc VOV, trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ xoay quanh việc Hãng Phim truyện Việt Nam sáp nhập vào VOV - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Sau khi thanh tra quá trình cổ phần hóa tại Hãng Phim truyện Việt Nam (), Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận hôm 19-9-2018.
Theo kết luận này, quá trình cổ phần hóa có rất nhiều sai sót, dẫn đến chọn sai cổ đông chiến lược là Tổng công ty Vận tải thủy (VIVASO). VIVASO sẽ buộc phải thoái vốn khỏi hãng này.
Tuổi Trẻ Online đã có cuộc trò chuyện với tổng giám đốc VOV, ông Nguyễn Thế Kỷ, về khả năng sáp nhập VFS với Đài Tiếng nói Việt Nam.
* Vì sao VOV đồng ý nhận VFS?
- VFS đã từng có lịch sử oanh liệt. Những nghệ sĩ lúc đó thực sự còn hơn cả thần tượng bây giờ. Điện ảnh lúc đó với nhiều người Việt thiêng liêng lắm.
Những năm vừa rồi, tại sao VFS rơi vào tình cảnh như thế? Tôi không muốn nói đến trách nhiệm của ai cả, nhưng rõ ràng không nên để tình trạng ấy kéo dài.
Có hai đơn vị có thể tiếp nhận VFS. VTV đương nhiên đứng đầu rồi. VOV nghĩ mình cũng chỉ là phương án thứ hai thôi. Khi Chính phủ gợi ý cho VFS, nguyện vọng của anh em nghệ sĩ là muốn về VOV.
VTV đã có một trung tâm sản xuất phim có bề dày rồi. Do đó nghệ sĩ VFS muốn về VOV, tuy có thể khó khăn, nhưng dư địa phát triển ở VOV vẫn còn nhiều.
VOV không nhìn đất của VFS. VFS chưa về đây, nói trước không hay. Nhưng tôi có ý tưởng này: xây bảo tàng điện ảnh tại số 4 Thụy Khuê (Hà Nội). Người ta đến chơi hồ Tây có thể đến thăm bảo tàng điện ảnh Việt Nam. Ở đây sẽ có quán cà phê cho nghệ sĩ điện ảnh, gặp gỡ giao lưu, chiếu phim. Đất số 4 Thụy Khuê không phải bán phở cháo nữa, mà là đất văn hóa.
Trụ sở Hãng Phim truyện Việt Nam trên đường Thụy Khuê (Hà Nội) - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
* Nhận thêm VFS, có phải VOV đang hướng tới mô hình tích hợp phát thanh, điện ảnh, truyền hình như một số quốc gia trong khu vực đã làm?
- Hiện chúng tôi có một trường quay 1.500 chỗ ngồi tại Lạc Trung, do VTC đang quản lý với hàng chục studio âm thanh, có xưởng đạo cụ bề thế. Nơi đây vẫn có chỗ cất giữ, trân trọng đạo cụ làm phim.
Đài có Ban văn nghệ, Ban âm nhạc, Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam với dàn nhạc bán cổ điển, dàn nhạc dân tộc, đoàn ca nhạc mới, đoàn dân ca và nhạc cổ truyền… Với tài nguyên như thế hoàn toàn có thể nâng nền công nghiệp truyền thông và điện ảnh lên.
Việc đưa VFS về VOV, nhiều người đồng tình, tuy nhiên vẫn có người lo lắng. Tôi nghĩ thực sự VOV không muốn làm người hùng, không thích chơi trội, không thích "to phe".
Chúng tôi thấy VFS là một thành viên hòa hợp với VOV, vẫn có thể cùng nhau phát triển được. Đây là đài quốc gia có mối quan hệ tốt với bộ ngành, địa phương, có cơ sở vật chất tốt. VFS về đây rất thuận lợi.
* Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch và VOV đã làm việc tới đâu rồi, thưa ông?
- Tôi đã gặp Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện và cả hai bên nhất trí sẽ giải quyết tốt nhất cho VFS. Bộ trưởng cho biết Nhà nước vẫn sẽ đặt hàng VFS làm phim ngay cả khi hãng về VOV.
Phó tổng giám đốc VOV Trần Minh Hùng đã cùng Thứ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Lê Khánh Hải bàn bạc về nguyên tắc bàn giao và tiếp nhận. Hai bên đều muốn quá trình xúc tiến nhanh và gọn gàng.
Tồn đọng cái gì giải quyết được ngay thì giải quyết. Còn không thì giống như bàn giao VTC là bàn giao nguyên trạng, bao gồm cả tổ chức bộ máy, nhân sự, tài chính, tài sản, công nợ.
Dù chúng tôi đã phác thảo ý tưởng cho VFS khi về đây, hiện tại VFS chưa về, chưa nói cụ thể được.
* Điều kiện VOV đặt ra cho Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch khi nhận VFS là gì?
- Chúng tôi không dám đặt điều kiện. Bây giờ cần phải để VIVASO thoái vốn xong, bàn giao nguyên trạng VFS. Công nợ của VFS thì có hai cách, hoặc là VOV và VFS tìm cách xử lý dần, thứ hai là một chính sách nào đó của Chính phủ.
Thực ra VFS tuy là thành viên của VOV, nhưng là hãng phim của Nhà nước. Tiền rất quý, nhưng xử lý khoảng 20-30 tỉ tiền cho VFS cũng không phải quá lớn. Miễn làm sao cả VOV và VFS hoạt động tốt.
Tôi nghĩ Chính phủ sẽ có cách. VOV sẽ không ỷ lại đâu, chúng tôi vẫn có cách. Nếu được hỗ trợ thì quá trình xử lý nợ nhanh hơn, còn không thì trả nợ lâu hơn một chút.
* Ông đánh giá thế nào về tiềm năng của VFS?
- Khi thương hiệu VFS bị định giá 0 đồng, tôi không dám nhận xét, nhưng tôi không tưởng tượng nổi. Bề dày truyền thống của hãng không thể đếm được. Để tính ra cũng phải hàng chục, hàng trăm tỉ.
Đó là tài sản vô hình, nhưng thực ra nó đồng hành với hãng hàng chục năm nay. Thương hiệu đó chỉ có người trong nghề mới biết.
Vốn quý nhất của VFS chính là đội ngũ nghệ sĩ giỏi, để có được những người như thế phải mất hàng chục năm đào tạo. Tôi luôn nghĩ những con người đó cần được tạo điều kiện cả vật chất và tinh thần, với một môi trường làm việc dễ chịu, được tôn trọng, để tài năng của họ được phát huy.
* Ông có nghĩ con người đang là điểm yếu của VFS, khi người giỏi đã chuyển đi nơi khác rất nhiều, những người giỏi ít ỏi còn lại đã đến tuổi hưu?
- Thực ra khi về VOV, các thành viên của VFS không nhất thiết phải vào biên chế. Người nào đủ tiêu chuẩn, chúng tôi vẫn tiếp nhận bình thường. Người về hưu muốn tiếp tục cộng tác, chúng tôi sẵn sàng. Tôi nghĩ bây giờ làm phim, cần huy động nguồn lực từ ngoài xã hội, không nên chỉ dựa vào nguồn lực trong hãng.
* Ý của ông là hãng sẽ không nuôi một đội ngũ nghệ sĩ nữa mà khi cần làm phim sẽ thuê từ bên ngoài?
- Cơ chế đó năng động nhất. Lý tưởng nhất là bộ máy không cần nhiều người. Lập êkip sáng tạo mình cần tranh thủ được nhân tài trong xã hội, trả thù lao cho họ cao, sẽ có sản phẩm tốt.
* VFS về VOV, việc sản xuất phim sẽ thế nào, thưa ông?
- Hãng sẽ sản xuất cả phim truyền hình và phim chiếu rạp. Phim ra rạp rồi vẫn có thể lên lại sóng truyền hình. Trước mắt anh em về đây sẽ có việc làm ngay với mảng phim tài liệu. Rồi cũng cần phải lập bộ phận lo tổ chức quảng bá phim, đặc biệt là kéo tài trợ, quảng cáo cho sản xuất phim.
* VFS về VOV thì sẽ được định danh thế nào?
- Không nên đánh mất thương hiệu Hãng Phim truyện Việt Nam, hoàn toàn không nên. Bộ máy của họ về cơ bản vẫn được giữ. Quan trọng nhất là tìm được một giám đốc tốt. Người có chuyên môn tốt chưa chắc quản lý đã tốt. Mà đã làm chuyên môn không nên kiêm thêm quản lý. Tôi nghĩ sẽ phải tìm người có năng lực quản trị để lo công việc của hãng.
* VFS về VOV thì họ sẽ ở đâu?
- Bây giờ chưa nói được, còn tùy thuộc vào mong muốn của họ. Chỉ biết chúng tôi sẽ tôn trọng, tạo điều kiện cho họ.
* Mô hình phát triển cho VFS trong lòng VOV sẽ có hình hài thế nào?
- Ở đây chúng tôi có nhóm chiến lược, lo ba mảng: nội dung, kinh tế, khoa học công nghệ. Nhóm này sẽ ngồi với VFS để chọn ra phương án hợp lý, trên tinh thần tôn trọng, không áp đặt.
* Việc chuyển giao VFS về VOV đến đâu rồi, thưa ông?
- Thực ra một số thủ tục hành chính của ta khá rườm rà, rắc rối, nhiêu khê. Tôi nghĩ việc trước nhất là giải quyết xong tồn đọng giữa VIVASO và VFS, rồi thực hiện kết luận thanh tra cho gãy gọn đi. Còn đưa VFS về đây tôi sẽ tiếp nhận nguyên trạng, chấp nhận cả những khó khăn của họ.
Còn khi VFS chưa là thành viên của VOV, nói điều gì cũng là chưa nên. Nhưng việc nói lên thiện chí đón nhận VFS thì tôi sẵn sàng chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận