02/04/2024 05:25 GMT+7

'Tổng đài dỏm' nhan nhản, gọi vào vừa mất tiền vừa rách việc

Một số trang mạng cố tình nhập nhèm thông tin, mạo danh tổng đài chăm sóc khách hàng của các ngành điện lực, ngân hàng, dịch vụ mạng... để tìm cơ hội 'móc túi' các thuê bao nhầm lẫn gọi đến.

Trang mạng cùng số điện thoại dễ gây nhầm lẫn là số điện thoại tổng đài chăm sóc khách hàng của ngành điện - Ảnh: N.M.

Trang mạng cùng số điện thoại dễ gây nhầm lẫn là số điện thoại tổng đài chăm sóc khách hàng của ngành điện - Ảnh: N.M.

Xen lẫn tựa đề các bài báo trên mạng, tôi thấy có quảng cáo ngồ ngộ: Dịch vụ tổng đài tư vấn cung cấp thông tin toàn quốc, kèm theo số điện thoại.

Tò mò vào trang xem thấy ghi là "Tổng đài chăm sóc khách hàng miễn phí" với hứa hẹn "hỗ trợ chăm sóc khách hàng, cung cấp thông tin theo yêu cầu, giải đáp mọi thắc mắc". Bên dưới có hai số điện thoại bắt đầu với số 1900.

Cẩn thận với "tổng đài chăm sóc khách hàng"

Thử kiểm tra một trong hai số trên Google tìm kiếm. Tôi thấy đường link mang tên "TiKtok" cùng địa chỉ mạng: hotrotiktok-1.online. Nhấp chuột vào trang thì thấy ngay dòng chữ lớn "Số điện thoại hỗ trợ trực tuyến thông tin TikTok". Người nào cần liên hệ với TikTok có thể hiểu lầm đường dây hỗ trợ của mạng xã hội này và gọi đến.

Người thân của tôi kể một lần tìm số tổng đài hỗ trợ khách hàng của một ngân hàng trên Google khi cần liên hệ gấp, thì thấy hiện ra một đầu số 1900 gắn tên ngân hàng. Xem kỹ, lại thấy một kết quả bên dưới người ta cảnh báo về số điện thoại này có dấu hiệu đáng ngờ nên đã không gọi "nhầm" tổng đài.

Trên mạng hiện có một số trang đăng tải thông tin mập mờ, có dấu hiệu cố tình mạo danh số tổng đài chăm sóc khách hàng của các ngân hàng, công ty điện lực, với các đầu số 1900 gắn từ khóa: "Tổng đài Vietinbank", "Tổng đài Sacombank", "Tổng đài tra cứu thông tin điện lực".

Một số trang thì tự giới thiệu cung cấp dịch vụ theo yêu cầu, tra cứu thông tin nhà mạng viễn thông, dịch vụ Internet, tra cứu thông tin đơn hàng vận chuyển, giải đáp thắc mắc về ngân hàng...

Nhưng đây không phải là số điện thoại "chính chủ", ai gọi nhầm sẽ mất tiền, mất thời gian với cước phí không hề rẻ, chưa kể các chiêu kéo dài thời gian để thu tiền cước cuộc gọi.

Chiêu cũ và kiểu phủi trách nhiệm

Khi ai đó tìm số tổng đài chăm sóc khách hàng của một nơi nào, lên mạng có thể được hướng dẫn đến một tổng đài trung gian thay vì chính chủ. Uy tín và hiệu quả giải quyết chưa biết ra sao. Trước mắt là tốn tiền.

Báo chí từng phản ánh các trường hợp người dân gọi vào các số máy giả chăm sóc khách hàng và bị tính cước phí cao bất thường. Một người đặt đơn hàng trên sàn thương mại điện tử T., cần hỗ trợ.

Lên Google thấy có gắn số "tổng đài" của công ty T. liền gọi. Người nghe máy tự xưng là nhân viên chăm sóc khách hàng của T. yêu cầu cung cấp mã đơn hàng và giữ máy để kiểm tra. Đọc mã và chờ hơn 2 phút vẫn không thấy hồi âm. Tắt máy, kiểm tra tài khoản thì chủ thuê bao thấy mất 50.000 đồng.

Người này tiếp tục gọi lại cho tổng đài trên. Lần này một nữ nhân viên khác nghe máy và cũng yêu cầu cung cấp mã đơn hàng. Tương tự cuộc gọi trước, người gọi phải giữ máy hơn 3 phút cho đến khi tài khoản điện thoại còn 0 đồng mà vẫn chưa nhận được hướng dẫn gì.

Năm 2022, Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) cảnh báo 4 đầu số điện thoại giả mạo Tổng công ty Điện lực miền Trung đang thu phí gọi đến tổng đài với giá 8.000 đồng/phút, và cho biết các đầu số 1900 khác trên mạng cũng mạo nhận ngành điện.

Không có chức năng nhưng các số này tiếp nhận yêu cầu phản ảnh của khách hàng. Sau đó, các "tư vấn viên" sẽ chỉ dẫn đăng ký yêu cầu qua các bước phức tạp, cuối cùng không giải quyết được gì lại mất tiền vì số máy mạo danh tổng đài.

Chiêu "móc hầu bao" thuê bao bằng tổng đài mạo danh hiện nay được "rào đón" trách nhiệm sau những cảnh báo. Ví dụ, trang mang tên "Tổng đài hỗ trợ tra cứu thông tin điện lực" với dòng chữ in hoa to tướng ở đầu trang dễ gây hiểu nhầm là tổng đài của ngành điện.

Nhưng phải để ý kỹ tận cuối trang thấy những dòng chữ nhỏ xíu "Một số điều khoản của chúng tôi". Trong đó có ghi cước điện thoại gọi đến là 8.000 đồng/phút".

Nhiều trang "tổng đài" khác cũng đang dùng chung một cách này để tránh trách nhiệm, đổ toàn bộ lỗi cho người dùng. Với các chiêu trò gây nhầm lẫn thuê bao điện thoại có thể sẽ vừa mất thời gian, nguy cơ lộ lọt thông tin cá nhân. Trước mắt là mất tiền cước điện thoại không hề rẻ...

Để tránh bị "móc túi" oan ức vì các tổng đài dỏm, mạo danh, mọi người cần cẩn trọng hơn với thông tin trên mạng. Nên tìm số điện thoại liên lạc trên các trang chủ để đảm bảo độ tin cậy, uy tín, chính xác.

Mạo danh tổng đài taxi Mai Linh, Vinasun để nhận cuốc, hưởng hoa hồngMạo danh tổng đài taxi Mai Linh, Vinasun để nhận cuốc, hưởng hoa hồng

Hai người đàn ông sử dụng dịch vụ quảng cáo Google, mạo danh tổng đài taxi Mai Linh, Vinasun để nhận cuốc rồi "phân phối" lại cho tài xế taxi và hưởng 15% mỗi cuốc.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp