Nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó do hạt tiêu bị xếp vào nhóm mặt hàng xuất khẩu có điều kiện - Ảnh: BÙI LIÊM
Trước vướng mắc của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam trong quá trình xuất khẩu hồ tiêu, ngày 28-7, Tổng cục Hải quan cho biết đã có phản hồi và đề xuất giải pháp nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, lãnh đạo Cục Quản lý rủi ro cho biết qua trao đổi với Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, dù hạt tiêu được sử dụng như dược liệu nhưng các thị trường nhập khẩu đặt ra tiêu chuẩn rất khắt khe đối với mặt hàng là dược liệu.
Vì thế các doanh nghiệp xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam chủ yếu đăng ký xuất nhập khẩu theo dạng hàng hóa nông sản, không nhằm mục đích dược liệu.
Từ thực tiễn đó, để tạo thuận lợi, Tổng cục Hải quan đã đưa mặt hàng hạt tiêu ra khỏi danh mục áp dụng phân luồng vàng kiểm tra.
Hơn nữa, về thủ tục hải quan, hiện cơ quan hải quan thực hiện thủ tục hải quan điện tử. Theo quy định, doanh nghiệp khai báo từ xa và gửi hồ sơ điện tử. Cơ quan hải quan kiểm tra hồ sơ trên hệ thống và thông quan hàng hóa nên cũng thuận lợi cho doanh nghiệp khi không phải đi lại làm thủ tục tại cơ quan hải quan.
Theo phản ảnh của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, thay vì miễn kiểm tra như trước đây, khoảng 1 tháng qua, tỉ lệ tờ khai luồng vàng tức là kiểm tra hồ sơ, chứng từ với hạt tiêu xuất khẩu đã tăng từ 8% lên đến 60% và tập trung chủ yếu ở mặt hàng tiêu đen.
Cá biệt, có doanh nghiệp phải khai luồng vàng trên 95% lô hàng xuất khẩu, gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp khi chi phí gia tăng, đặc biệt trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát.
Về nguyên nhân cơ quan hải quan tăng cường kiểm tra đối với hạt tiêu xuất khẩu trong thời gian qua, Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan) cho biết do mặt hàng này được xếp vào nhóm dược liệu. Đây là quy định của Bộ Y tế.
Cụ thể, tại thông tư 48 năm 2018 của Bộ Y tế, hạt tiêu có mã HS 0904.11.20 thuộc danh mục dược liệu xuất khẩu, nhập khẩu. Dù thông tư 03 ban hành năm nay sửa đổi một số điều của thông tư 48 loại bỏ một số mặt hàng trong đó có hạt tiêu ra khỏi danh mục.
Tuy nhiên, tại điều 3 của thông tư 03 lại vẫn quy định trường hợp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu quy định tại phụ lục trong thông tư này được sử dụng với mục đích làm thuốc và nguyên liệu làm thuốc thì thực hiện theo các quy định của văn bản quy phạm pháp luật về dược.
"Trên cơ sở quy định của cơ quan chuyên ngành là Bộ Y tế, cơ quan hải quan áp dụng tiêu chí phân luồng vàng để kiểm tra hồ sơ, kiểm tra điều kiện xuất khẩu đối với những mặt hàng xuất khẩu nhằm mục đích làm thuốc, nguyên liệu làm thuốc" - lãnh đạo Cục Quản lý rủi ro nói.
Trước vướng mắc khi thực hiện thông tư 03 của Bộ Y tế, ngày 15-6, Tổng cục Hải quan đã có công văn số 2925 gửi Cục Quản lý y dược cổ truyền (Bộ Y tế) đề nghị nghiên cứu, rà soát mặt hàng kiểm tra chuyên ngành thuộc danh mục tại thông tư số 48 năm 2018 và danh mục tại thông tư số 03 năm 2021 để thống nhất ban hành danh mục dược liệu. Tuy nhiên, đến nay tổng cục chưa nhận được ý kiến phản hồi.
Để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, cơ quan hải quan cũng đề nghị Bộ Y tế không quy định kiểm tra điều kiện về dược đối với hàng hóa xuất khẩu nhằm mục đích làm thuốc và nguyên liệu làm thuốc, bởi việc sử dụng với mục đích gì do nhà nhập khẩu chứ không phải do nhà xuất khẩu Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận