Việc thoái vốn tại Tổng công ty Sông Hồng đang trông chờ vào các dự án đang tiển khai - Ảnh: S.H.
Tổng công ty cổ phần Sông Hồng là doanh nghiệp nhà nước chuyên hoạt động thi công xây dựng, đã thực hiện nhiều công trình dự án lớn trên cả nước.
Năm 2010, Bộ Xây dựng cổ phần hóa, bán vốn nhà nước tại tổng công ty này, thu về 61,5 tỉ đồng. Phần vốn nhà nước còn lại khoảng 132 tỉ đồng, chiếm 49,04% vốn điều lệ.
Trong báo cáo gửi vừa tới Thủ tướng, bà Trần Huyền Linh - người thay mặt tổ đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp - cho biết số lỗ đến ngày 31-12-2018 âm 908 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu nhà nước âm 581 tỉ đồng, nợ phải trả ngắn hạn 1.145 tỉ đồng.
Trong khi đó, giá trị tài sản ngắn hạn của Tổng công ty Sông Hồng chỉ khoảng 586 tỉ đồng, dẫn tới mất khả năng thanh toán nghiêm trọng.
Những năm gần đây, Tổng công ty Sông Hồng không triển khai được dự án đầu tư nào và cũng không có hợp đồng thi công xây lắp mới nên tình hình tài chính ngày càng bết bát.
Không chỉ vậy, doanh nghiệp này đang vướng vào các rắc rối pháp lý khi phải thi hành án đã có hiệu lực pháp luật, số tiền tổng công ty phải chi trả cho Ngân hàng SHB khoảng 238,4 tỉ đồng.
Tòa án nhân dân quận Tây Hồ (Hà Nội) đang chuẩn bị đưa ra xét xử vụ OceanBank khởi kiện, buộc Tổng công ty Sông Hồng phải trả nợ vay thi công công trình nhiệt điện Vũng Áng 1 với số tiền cả gốc và lãi lên tới 470 tỉ đồng.
Dự án chung cư Nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia do Tổng công ty Sông Hồng thi công - Ảnh: S.H.
Trong văn bản gửi đến Thủ tướng, Tổng công ty Sông Hồng khẳng định nếu tình trạng kinh doanh bết bát kéo dài trong một thời gian ngắn nữa thì buộc phải tuyên bố phá sản và mất toàn bộ vốn nhà nước.
Để "vớt vát" phần vốn nhà nước còn sót lại, thời gian qua tổ đại diện phần vốn nhà nước tại tổng công ty đã hoàn thành và trình Bộ Xây dựng phê duyệt hồ sơ thoái vốn doanh nghiệp để thực hiện đấu giá phần vốn nhà nước.
Tổ đại diện phần vốn nhà nước cũng chủ động tìm kiếm nhà đầu tư cùng ngành nghề xây dựng quan tâm, tham gia đấu giá công khai cổ phần với giá 10.000 đồng/cổ phần, với điều kiện phải thoái vốn ngay trong năm 2019.
Trước đó, Bộ Xây dựng cũng có văn bản đề nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận giao Bộ Xây dựng tiếp tục thực hiện thoái toàn bộ 13.241.200 cổ phần, chiếm 49,04% vốn điều lệ, phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp này.
Bi quan hơn khi đánh giá về tình hình tài chính và hiệu quả sản xuất kinh doanh năm 2018 của Tổng công ty Sông Hồng, Bộ Tài chính nhận định tổng công ty này đã mất toàn bộ vốn đầu tư của chủ sở hữu nhà nước.
Trong năm 2018, công ty mẹ thuộc Tổng công ty Sông Hồng đạt doanh thu khoảng 213 tỉ đồng, nhưng tổng chi phí lên tới 589 tỉ đồng. Chi nhiều hơn thu nên tổng công ty thua lỗ khoảng 376 tỉ đồng.
Bộ Tài chính cũng cho biết Tổng công ty Sông Hồng đang đầu tư tài chính vào 26 công ty con, công ty liên doanh, liên kết với tổng số tiền khoảng 286 tỉ đồng, nhưng không có khoản đầu tư nào đem lại cổ tức, lợi nhuận cho tổng công ty.
Các công ty con này đang thua lỗ dẫn tới tổng công ty phải thực hiện trích lập dự phòng đầu tư tài chính cho 17 công ty số tiền 220 tỉ đồng.
Việc Tổng công ty Sông Hồng phải đề xuất Thủ tướng cho bán gấp cổ phần nhà nước tại tổng công ty để "vớt vát" phần nào tài sản, vốn nhà nước đã đầu tư vào doanh nghiệp là điều đáng buồn.
Nhà nước bỏ tiền vào doanh nghiệp nhưng không thu được lợi nhuận, ngược lại phải chạy theo gỡ vướng cho doanh nghiệp, chỉ mong thu lại một phần vốn.
Ông Lã Tuấn Hưng (tổng giám đốc Tổng công ty Sông Hồng):
'Bán doanh nghiệp càng nhanh càng có lợi'
Để càng lâu công ty mẹ càng lỗ, càng lỗ thì càng ít nhà đầu tư quan tâm, trong khi các dự án của tổng công ty đang triển khai có thể bị thu hồi.
Nếu thoái vốn chậm các dự án của tổng công ty bị thu hồi, tổng công ty tiếp tục thua lỗ, thủ tục thoái vốn phải làm lại, cán bộ công nhân viên giỏi cũng đi hết thì tài sản tổng công ty chả còn gì.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận