Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho rằng di dời ga Hà Nội ra khỏi trung tâm là không khả thi - ẢNH: Nguyễn Khánh |
Ngày 9-8, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, nói ông không đồng tình với đề xuất di dời ga Hà Nội.
Theo ông Minh, đề xuất trên không khả thi bởi nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất, nếu di chuyển hệ thống ga trung tâm ra ngoại thành, điều đó đồng nghĩa với việc sẽ phải trung chuyển một lượng lớn hành khách từ ga vào nội thành và ngược lại.
Điều này đòi hỏi phải bổ sung thêm phương tiện giao thông công cộng tốn kém và gây áp lực lớn lên hạ tầng giao thông từ cửa ngõ tới nội đô.
Ông Minh dẫn chứng, một đoàn tàu chở từ 700-1000 hành khách, với số lượng chuyến khai thác như hiện nay, nếu ga trung tâm chuyển ra ngoại thành, mỗi ngày sẽ cần vài trăm phương tiện giao thông công cộng để trung chuyển số khách này.
Thứ hai, theo ông Minh, Quy hoạch đường sắt quốc gia được Thủ tướng phê duyệt vẫn có ga trung tâm là ga Hà Nội như hiện nay.
Nếu giả sử có chuyển ga trung tâm ra khỏi nội thành thì buộc phải thay đổi lại quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt.
Cũng theo nhận định của ông Minh, nếu ách tắc, xung đột giao thông là lý do để chuyển ga ra khỏi nội thành thì sẽ có giải pháp để giải quyết, đó là các phương án cho đường sắt đi ngầm hoặc đi trên cao tại các điểm xung đột, còn nếu chuyển ga ra ngoại thành, bài toán ách tắc không hề được giải quyết.
“Chúng tôi tìm hiểu điểm chung của hệ thống đường sắt trên thế giới là đảm bảo an toàn và nằm trong nội đô để đáp ứng nhu cầu đi lại thuận tiện của người dân. Còn các hệ quả những vấn đề phát sinh trong thực tiễn thì đòi hỏi bàn tay của cơ quan quản lý nhà nước điều chỉnh và xử lý”, ông Minh phân tích.
Trước đó, tại hội nghị về công tác an toàn giao thông do UBND TP Hà Nội tổ chức ngày 8-8, Thiếu tướng Phạm Xuân Bình, phó giám đốc Công an Hà Nội, cho biết tình hình tai nạn đường sắt đang diễn biến phức tạp. Một trong những nguyên nhân là do hệ thống đường sắt nội đô có rất nhiều đường ngang khiến cho công tác bảo đảm an toàn giao thông hết sức khó khăn.
Ông Bình đề xuất UBND TP Hà Nội kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải di dời tuyến đường sắt ra khỏi nội đô.
Địa điểm di dời, theo ông Bình, có thể là xuống huyện Thường Tín hoặc qua bên kia sông Hồng.
Nên chọn phương án giao thoa Đó là khẳng định của PGS.TS Nguyễn Hồng Thái, phó trưởng khoa Vận tải kinh tế, Đại học Giao thông vận tải, phó chủ tịch Hội Đường sắt Việt Nam. Theo ông Thái, xét ở góc độ địa bàn quản lý, đề xuất của đại diện Công an Hà Nội là có cơ sở, xuất phát từ tình hình thực tế về ùn tắc và tai nạn giao thông liên quan tới vận tải đường sắt. Tuy nhiên, để có thể di dời ga trung tâm ra ngoại thành là một bài toán rất phức tạp. “Ngành đường sắt muốn bảo vệ nguồn lợi khai thác từ ngành mình cũng là chính đáng. Còn phía Hà Nội thấy quản lý, vận hành khó khăn thì họ đề xuất trên là cũng dễ hiểu, nhưng phải xem lại tính khả thi. Muốn di dời thì kinh phí rất lớn, từ quỹ đất, xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất, vận hành… Tất cả lấy từ đâu trong bối cảnh ngân sách khó khăn và đầu tư công đang được hạn chế như hiện nay? Do vậy, theo tôi nên chọn phương án giao thoa để đảm bảo tính khả thi và cân bằng lợi ích hai bên”, ông Thái đề xuất. Theo đó, ông Thái cho rằng một mặt ngành đường sắt cần rà soát lại hệ thống đường ray hiện có, với những điểm xung đột nếu có thể đi trên cao hoặc hạ ngầm khả thi để tránh xung đột cần phải nghiên cứu triển khai. Ngoài ra, cần điều chỉnh giờ vào - ra của các chuyến tàu, tránh giờ cao điểm để giảm ùn tắc và xung đột cho giao thông đường bộ của Hà Nội hiện tại. Về phía Hà Nội, ông Thái đề nghị cần tăng cường rà soát hệ thống hành lang đường sắt, giải quyết dứt điểm tình trạng lấn chiếm, cản trở. Ngoài ra, việc huy động lực lượng chức năng chuyên nghiệp trong giám sát, vận hành các tuyến giao thông giao cắt với đường sắt cũng sẽ giúp giảm thiểu tối đa ùn tắc và tai nạn giao thông. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận