Ông Luân Quốc Hưng cho rằng việc người dân mở máy lạnh, xem tivi nhiều khiến tiền điện tăng cao - Ảnh: T.L.
Không cắt điện nếu không kịp đóng tiền mùa dịch
Vấn đề cung cấp điện, ông Luân Quốc Hưng - phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM - cho biết ngành điện lực đảm bảo cung cấp đầy đủ điện cho công tác phòng, chống dịch.
Ông Hưng cho rằng theo chỉ đạo của UBND TP là xây dựng những khu cách ly F0 không triệu chứng, Tổng công ty Điện lực đã chỉ đạo 15 công ty điện lực trực thuộc liên hệ với chính quyền địa phương để cung cấp điện trong 24 tiếng kể từ khi được yêu cầu. Tất cả các bệnh viện chữa trị COVID đều có 2 nguồn điện lưới để đảm bảo điện.
Ngành điện lực cũng đã triển khai bằng hệ thống đo ghi điện từ xa, hiện nay 80% khách hàng đã thực hiện hệ thống này. 20% khách hàng còn lại, ngành điện lực gọi điện cho khách hàng để cung cấp chỉ số, hoặc tạm tính bằng bình quân của lần trước và sẽ bù trừ sau.
Ngành điện lực khuyến cáo khách hàng sử dụng hình thức thanh toán không cần gặp mặt trực tiếp, có thể thanh toán qua các ví điện tử.
Tổng công ty Điện lực TP cam kết không ngừng cung cấp điện ngay trong trường hợp khách hàng không kịp đóng tiền điện hoặc khó khăn trong giai đoạn hiện nay.
Về việc giảm giá điện, ông Hưng cho biết ngành điện lực đã giảm giá 2 lần, lần này đối tượng giảm giá sẽ khác, như các cơ sở phòng chống dịch không thu phí sẽ giảm giá 20-100%.
Về việc tiền điện tăng cao, ông Hưng cho rằng do người dân ở nhà mở máy lạnh, xem tivi, nấu ăn nên tiền điện sinh hoạt nhiều lên. Ngành điện khuyến cáo nên thực hiện "4 đúng": đúng lúc, đúng chỗ, đúng cách, đúng nhu cầu. Đặc biệt vào mùa mưa, nếu mát thì tận dụng gió trời, giảm sử dụng máy lạnh lại.
Nhiều mặt hàng có dấu hiệu dư thừa
Cũng tại buổi họp báo, ông Nguyễn Nguyên Phương - giám đốc Sở Công thương TP.HCM - cho biết tình hình cung ứng hàng hóa thiết yếu trong 2 ngày qua ổn định. Lượng hàng cung ứng ngày một tăng lên, trái lại sức mua trên thị trường giảm, lượng người đi mua sắm tại các chợ, các siêu thị giảm hẳn.
Giám đốc Sở Công thương thông tin bên cạnh các chợ truyền thống được mở lại thì có chợ phải đóng cửa, hôm qua còn 33 chợ truyền thống mở cửa, hôm nay còn 32 chợ, có 1 siêu thị và 9 cửa hàng tiện lợi phải tạm ngưng hoạt động.
Vừa qua Bộ Công thương phối hợp với Tổ công tác đặc biệt hỗ trợ cho TP tìm kiếm nguồn hàng. TP.HCM đã đăng ký nhu cầu đối với các mặt hàng cần thiết có khả năng thiếu, cụ thể là 1.500 tấn rau, 300.000 trứng. Tổ công tác đã cung cấp danh sách các nhà cung ứng và sở công thương các tỉnh cũng đã liên lạc với Sở Công thương TP.HCM, đến nay có nhiều mặt hàng có dấu hiệu dư thừa.
Đối với chủ trương mở lại các điểm hàng bán thực phẩm thiết yếu, Sở Công thương cho rằng việc mở cửa hoạt động phải đảm bảo phòng chống dịch, tùy điều kiện của các địa phương mà quyết định mở cửa lại. Nếu địa phương thấy chưa đảm bảo an toàn thì phải tạm ngưng. Sở Công thương đã yêu cầu phòng kinh tế của các quận huyện rà soát và hoàn thiện phương án mở lại điểm bán, đảm bảo an toàn sẽ xây dựng và gửi về cho sở trước ngày 23-7.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận