Trong số các nhà báo bị bắn chết, phần lớn là trụ cột của tờ tuần báo biếm của Pháp. Họ gồm tổng biên tập - họa sĩ biếm Charb, giám đốc mỹ thuật - họa sĩ biếm Cabu, các họa sĩ biếm Tignous và Wolinsky và nhà báo Bernard Maris.
Ngoài ra còn có 11 người bị thương (trong đó bốn bị thương nặng) gồm nhà báo Philippe Lançon và hai cảnh sát.
* Đăng tranh biếm thủ lĩnh IS
Tổng biên tập tờ Charlie Hebdo, ông Stephane Charbonnier - Ảnh: AP |
Ông Stephane Charbonnier là một trong số 12 người thiệt mạng trong vụ tấn công. Trước đó ông đã nhiều lần bị dọa giết do đăng tranh biếm chế giễu Hồi giáo cực đoan.
Ông từng được chính quyền cử cảnh sát bảo vệ từ sau khi tờ tuần báo cho đăng biếm họa về đấng tiên tri Hồi giáo Mohammed.
Một đồng nghiệp của Charb kể lại rằng thỉnh thoảng ông vẫn đi lại mà không có cảnh sát bảo vệ, “điều đó chứng tỏ anh ấy không phải lúc nào cũng lo sợ cho tính mạng của mình”.
Charb nắm giữ vị trí tổng biên tập Charlie Hebdo vào tháng 5-2009. Không chỉ quyết định nội dung tờ báo, ông còn thường xuyên vẽ biếm cho báo mình và nhiều tờ báo khác. Ông có thời gian dài ủng hộ Đảng Cộng sản Pháp và sau này là Đảng Mặt trận cánh tả.
Dư luận Pháp và thế giới có những đánh giá rất khác biệt về những gì ông Charbonnier và tạp chí Charlie Hebdo đã làm.
Một số cho rằng đó là nỗ lực phi thường nhằm ủng hộ và quảng bá tự do ngôn luận, tự do báo chí. Nhiều người khác chỉ trích đó là hành vi khiêu khích tôn giáo và chủng tộc không cần thiết và nguy hiểm.
Năm 2012, ông Charbonnier bất chấp lời khuyến cáo của Chính phủ Pháp khi đăng tranh biếm họa Mohammed khỏa thân.
Khi đó Chính phủ Pháp phải tạm đóng cửa hàng loạt cơ quan ngoại giao, trung tâm văn hóa và trường học Pháp ở 20 quốc gia, chủ yếu là các nước Hồi giáo vì lo ngại nguy cơ bạo lực.
Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius khi đó đã đặt câu hỏi: “Đổ dầu vào lửa có phải là hành động hợp lý hay thông minh không?”.
Sống trong sự bảo vệ
Ông Charbonnier phải sống trong sự bảo vệ của cảnh sát kể từ năm 2011. Một cảnh sát chịu trách nhiệm bảo vệ ông đã thiệt mạng trong vụ tấn công hôm qua.
Tổng biên tập tạp chí Charlie Hebdo cho rằng những gì ông làm là để bảo vệ tự do ngôn luận và tự do báo chí, kể cả nếu sinh mạng của ông bị đe dọa.
Trong một lần trả lời phỏng vấn nhật báo Le Monde sau vụ tòa soạn bị đốt hồi năm 2011 (do đã đăng tải biếm họa về đấng tiên tri Hồi giáo Mohammed), nhà báo Charb đã nói: “Tôi không có vợ, con, không có xe hay thẻ tín dụng. Có thể nói thế này thì hơi khoa trương nhưng tôi là chết đứng còn hơn sống quỳ”.
Báo New York Times dẫn lời nhà làm phim Daniel Leconte, người thực hiện một bộ phim tài liệu về tạp chí Charlie Hebdo, khẳng định tất cả những người biết ông Charbonnier đều hiểu rằng tạp chí của ông không muốn khiêu khích bất kỳ ai.
Đơn giản là ông và các đồng nghiệp cho rằng tự do ngôn luận, quyền được suy nghĩ và nói những điều mình muốn là tối quan trọng đối với một xã hội dân chủ.
Thà chết còn hơn là sống như một con chuột
Kể từ khi chấp nhận đối mặt với những mối đe dọa sát hại thường xuyên (từng bị gọi điện dọa cắt cổ), tổng biên tập Charb vẫn giữ quan điểm của mình: bảo vệ tự do ngôn luận.
Trong một lần trả lời phỏng vấn trên Đài BFMTV vào tháng 9-2012, Charb từng tuyên bố theo kiểu rất… Charb: “Tôi không thể hình dung có thể sống trong một đất nước mà mình không thể cười về một chủ đề nào đó bởi vì tôi có thể bị vào tù hoặc bị sát hại. Nếu thế thì thà chết banh xác cho rồi”.
Rồi gần như ông tuyên chiến: “Với chúng tôi, điều được xem là vô trách nhiệm chính là nhượng bộ trước mối đe dọa cực đoan”.
Trong một lần trả lời phỏng vấn của ABC News năm 2012, Charbonnier từng nói: "Công việc của chúng tôi không phải là bảo vệ tự do ngôn luận, nhưng nếu không có tự do ngôn luận, chúng tôi sẽ chết ... Tôi thà chết còn hơn là sống như một con chuột. Tôi không có thời gian phải sợ, tôi có cả một tờ báo để làm việc".
Liên quan đến vụ tấn công, RT cho biết chỉ một giờ trước khi các tay súng xông vào, tờ Charlie Hebdo đã đăng lên mạng xã hội Twitter tranh biếm một thủ lĩnh IS.
Tranh vẽ Abu Bakr al-Baghdadi, một thủ lĩnh của IS, đang chúc mừng năm mới với ngón trỏ tay phải chĩa lên trời - một biểu tượng thường được các phần tử Hồi giáo cực đoan hiểu là ám chỉ đến "Tawhid", tức chỉ tin duy nhất Chúa trời trong đạo Hồi.
Một tranh biếm gần đây của tổng biên tập Charbonnier cũng vẽ một người đàn ông râu quai nón mang súng có cử chỉ tương tự.
Bức tranh có tựa "Vẫn không có vụ tấn công nào ở Pháp", kèm phần thoại của nhân vật mang súng: "Cứ chờ đó, chúng ta vẫn còn đến cuối tháng 1 để đưa ra lời chúc năm mới”.
Theo RT, một đoạn video quay cảnh các tay súng chạy đi sau khi tấn công Charlie Hebdo cho thấy một tên mang súng AK47 đã giơ ngón trỏ của mình theo cách tương tự.
Những con người vui tính Ông Francois Mouly, biên tập viên nghệ thuật báo New Yorker, cho biết nhóm của ông Charbonnier sống rất gần gũi, chan hòa và thường ăn tối cùng nhau. “Họ không hề ẩn danh sau những bức biếm họa của mình. Họ là những người vui tính. Họ hiểu rõ mối nguy hiểm phải đối mặt. Họ từng bị ném bom xăng, từng bị đe dọa tính mạng. Họ quyết không để bị những kẻ cực đoan đe dọa và khủng bố - biên tập viên Mouly mô tả - Việc các họa sĩ biếm họa bị sát hại vì tác phẩm của mình là chuyện chưa từng xảy ra kể từ thế kỷ 18”. Tạp chí 45 năm tuổi theo đuổi truyền thống của Pháp là dùng biếm họa để chỉ trích chính trị gia, cảnh sát, giới ngân hàng, các nhân vật tôn giáo... "Họ là những người gây rắc rối trong suốt cả cuộc đời” - biên tập viên Mouly ngậm ngùi. Dù có số phát hành chỉ 30.000 bản/tuần, nhưng Charlie Hebdo đã trở thành tâm điểm toàn cầu trong những năm qua. Họa sĩ trụ cột của tờ Charlie Hebdo, họa sĩ biếm Cabu 76 tuổi tên thật là Jean Cabut. Ông vẽ biếm ở các lĩnh vực nhạy cảm như chính trị, quân đội, các tôn giáo… Những bức tranh của ông về đấng tiên tri Hồi giáo Mohammed vào năm 2006 cũng từng khiến ông bị dọa giết. Trong 60 năm làm nghề của mình, ông đã có hơn 35.000 tranh biếm đã được đăng tải. Nhưng nhân vật biếm xuyên suốt của ông chính là người dân Pháp. Nhân vật được gọi là “beauf” này xuất hiện lần đầu năm 1973 dưới hình tượng một người đàn ông Pháp ưa say xỉn, cáu bẳn, cộc cằn, bảo thủ, phân biệt chủng tộc… Nhân vật do ông đặt ra sau này đã được đưa làm danh từ trong từ điển. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận