Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, bên cạnh điểm lại những mặt làm được của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Tổng Bí thư Tô Lâm thẳng thắn nhìn nhận:
"Chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi.
Các quy định chưa thực sự đồng bộ, còn chồng chéo, nhiều quy định còn khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực; chưa tạo môi trường thực sự thuận lợi để thu hút nguồn lực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khơi thông nguồn lực trong dân".
Gỡ nhanh nhất điểm nghẽn quy định pháp luật
Tổng Bí thư cũng đánh giá hiện nay thủ tục hành chính còn rườm rà, dịch vụ công chưa thuận tiện, thông suốt; phân cấp, phân quyền chưa triệt để, chưa rõ trách nhiệm.
Bộ máy hành chính còn cồng kềnh, chồng lấn, chưa thực sự hiệu lực, hiệu quả quản lý.
Từ thực tế trên, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị mạnh mẽ chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển.
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm: "Tư duy quản lý không cứng nhắc, dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm.
Các quy định của luật phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài; luật chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc; không cần quá dài.
Những vấn đề thực tiễn biến động thường xuyên thì giao Chính phủ, địa phương quy định để bảo đảm linh hoạt trong điều hành. Tuyệt đối không hành chính hóa hoạt động của Quốc hội; luật hóa các quy định của nghị định và thông tư".
Cùng với đó đổi mới quy trình xây dựng, tổ chức thực hiện pháp luật. Bám sát thực tiễn, đứng trên mảnh đất thực tiễn Việt Nam để xây dựng các quy định pháp luật phù hợp; vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
Không nóng vội, nhưng cũng không cầu toàn, để mất thời cơ; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể.
Thường xuyên đánh giá hiệu quả, chất lượng chính sách sau ban hành để kịp thời điều chỉnh bất cập, mâu thuẫn, giảm thiểu thất thoát và lãng phí các nguồn lực; chủ động phát hiện và tháo gỡ nhanh nhất những điểm nghẽn có nguyên nhân từ các quy định của pháp luật.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền triệt để
Tổng Bí thư cũng đề nghị đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm.
Cùng với đó cải cách triệt để thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp. Tập trung kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật; siết chặt kỷ luật kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu; kiên quyết chống tiêu cực, lợi ích nhóm.
Chủ động, tích cực, khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý cho những vấn đề mới, xu hướng mới, nhất là những vấn đề liên quan đến Cách mạng 4.0, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh... tạo khung khổ pháp lý để thực hiện thành công cuộc cách mạng về chuyển đổi số, tạo đột phá cho phát triển đất nước những năm tiếp theo.
Tổng Bí thư yêu cầu thực hiện tốt hơn nữa chức năng giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Cần sớm nghiên cứu xác định rõ phương pháp, hình thức giám sát tối cao của Quốc hội phù hợp thực tiễn, tránh trùng giẫm với hoạt động của các cơ quan nhà nước khác gây lãng phí.
Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn, giải trình, giám sát văn bản pháp luật; chú trọng theo dõi, xem xét, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát. Đổi mới quy trình quyết định về ngân sách nhà nước bảo đảm thực chất, đi đôi với giám sát việc thực hiện ngân sách, từng bước thay thế việc ban hành các nghị quyết bằng các đạo luật về tài chính, ngân sách.
Ngoài ra đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động của Quốc hội, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội.
"Hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội phải đúng vai, thuộc bài và phân định rõ chức năng, nhiệm vụ và quan hệ giữa các cơ quan, nhất là các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ, bảo đảm chặt chẽ, hài hòa trong quy trình quản trị quốc gia", Tổng Bí thư đề nghị.
Cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng
Báo cáo trong ngày đầu Quốc hội họp, liên quan phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết từ nay đến cuối năm Chính phủ định hướng giữ đà, nhịp phát triển, thúc đẩy tăng trưởng để đạt và vượt 15 chỉ tiêu.
Quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia đi đôi với phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
* Đại biểu TRẦN HOÀNG NGÂN (TP.HCM):
Kỳ vọng tăng trưởng GDP đạt trên 7%
Tốc độ tăng trưởng GDP đạt trên 7% trong năm nay rất khả thi. Bởi trong 9 tháng đầu năm công nghiệp, công nghệ chế biến, chế tạo tăng trưởng tốt (trên 8%); tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng cũng tăng 8,8%.
Đồng thời động lực về xuất khẩu cũng tăng cao (trên 15%) và đầu tư cũng tăng, trong đó là vấn đề thu hút đầu tư nước ngoài, giải ngân cao nhất trong 5 năm qua.
Tổng vốn đầu tư cũng tăng. Có thể nói, chúng ta có đầy đủ tiền đề để phát triển, đạt mục tiêu 7% trong năm 2024.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã thổi được một niềm tin, động lực, khát vọng mà ai cũng biết rằng phải bước vào một kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Cùng với đó, khẳng định được vị trí, thương hiệu của Việt Nam trên trường quốc tế. Có thể khẳng định chúng ta đủ cơ sở để bước vào kỷ nguyên mới, và một trong những tiền đề quan trọng cần có là kết nối hạ tầng cùng thể chế.
Về thể chế, lần này Quốc hội đưa ra 31 dự án luật, dự thảo nghị quyết để thảo luận; trong đó Quốc hội sẽ xem xét, phấn đấu thông qua 18 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết quy phạm pháp luật và thảo luận, cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật khác.
Việc này để tạo nền tảng về thể chế và không chỉ nền tảng thể chế về kinh tế thị trường mà còn là thể chế về văn hóa, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Bởi hiện nay chúng ta nói nhiều đến 3 đột phá chiến lược là đột phá về hạ tầng, thể chế, nguồn nhân lực. Đây là 3 đột phá giúp chúng ta phát triển, nhưng đột phá thứ 4 giúp chúng ta tăng tốc đó là về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.
* Đại biểu Trịnh Xuân An (ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội):
Tôi tin tưởng tân Chủ tịch nước tạo nên sức mạnh mới
Tân Chủ tịch nước Lương Cường được đào tạo bài bản, rèn luyện và kinh qua rất nhiều vị trí công tác và từng có kinh nghiệm trong lĩnh vực quân sự - quốc phòng.
Khi giữ vị trí Thường trực Ban Bí thư, đại tướng Lương Cường cũng đã có rất nhiều kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Với kinh nghiệm tích lũy được, tôi tin tưởng tân Chủ tịch nước sẽ phát huy được năng lực, tạo nên sức mạnh, điểm tựa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; hoàn thành xuất sắc trách nhiệm cao cả mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, đó là thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận