TTO trích đăng những điểm chính trong bài phát biểu của Tổng Bí thư.
Phóng to |
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Tranh chấp lãnh thổ diễn biến phức tạp
Sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. So với 10 năm trước, tình hình thế giới và khu vực đã có nhiều thay đổi sâu sắc, có những diễn biến phức tạp mới, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất trắc, khó lường. Đông Nam Á trở thành địa bàn cạnh tranh quyết liệt về thị trường và tài nguyên; tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển đảo diễn biến phức tạp. Đã xuất hiện một số loại hình chiến tranh kiểu mới, như chiến tranh thông tin, chiến tranh mạng, sử dụng sức mạnh mềm thông qua các hoạt động kinh tế, ngoại giao, văn hóa kết hợp với "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ... hết sức nguy hiểm.
Ở trong nước, sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, bên cạnh kết quả, thành tựu đã đạt được, vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, làm xuất hiện những vấn đề phức tạp mới ảnh hưởng tới việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Tác động mặt trái của kinh tế thị trường và mở cửa hội nhập quốc tế ngày càng bộc lộ rõ và gay gắt. Những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cùng với sự xuống cấp của các giá trị văn hóa, tình trạng phân cực giàu nghèo, khiếu kiện đông người,... có xu hướng ngày càng tăng. Các nguy cơ mà Đảng ta đã từng cảnh báo không những không giảm mà có mặt còn trầm trọng hơn.
Phải thấy hết những tình hình đó để có quyết tâm và biện pháp nâng cao cảnh giác, giữ vững an ninh quốc gia, bảo vệ Tổ quốc. Ban Chấp hành Trung ương khẳng định, phải tiếp tục thực hiện những mục tiêu, quan điểm, phương hướng, phương châm chỉ đạo mà Nghị quyết Trung ương 8 khóa IX đã đề ra, đồng thời bổ sung, phát triển cho phù hợp với tình hình mới. Nắm vững và vận dụng nhuần nhuyễn bài học của cha ông ta: "Dựng nước đi đôi với giữ nước"; "giữ nước từ khi nước chưa nguy"; có kế sách ngăn ngừa, loại bỏ các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa.
Nghĩa là, làm sao cho kinh tế phải vững, quốc phòng phải mạnh, thực lực phải cường, lòng dân phải yên, chính trị - xã hội ổn định, cả dân tộc là một khối đoàn kết thống nhất. Trung ương đặc biệt nhấn mạnh, phải luôn luôn giữ vững vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; không ngừng củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; nêu cao cảnh giác, làm thất bại mọi âm mưu, hành động chống phá, xâm lược của các thế lực thù địch, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; gắn phát triển kinh tế - xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Tiếp tục nắm chắc nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Xây dựng sức mạnh tổng hợp về chính trị, tư tưởng, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại để bảo vệ Tổ quốc.
Trong những năm trước mắt, cần phấn đấu tạo được sự chuyển biến rõ rệt, khắc phục những hạn chế yéu kém trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước; đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến, tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên. Sớm đưa nền kinh tế ra khỏi tình trạng khó khăn hiện nay, phát triển nhanh và bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Khắc phục tình trạng sơ hở, mất cảnh giác; phòng, chống có hiệu quả các nguy cơ chiến tranh, xung đột trên các hướng; không để xảy ra bạo loạn, khủng bố; hình thành tổ chức chính trị đối lập; bảo đảm an ninh trên các lĩnh vực; kiềm chế sự gia tăng tội phạm, tạo chuyển biến rõ rệt về trật tự, an toàn xã hội.
Hoạt động của một số tổ chức tín dụng chưa an toàn
Chúng ta đã kiềm chế được lạm phát và cơ bản ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, kinh tế - xã hội nước ta hiện vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn. Kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định vững chắc; vẫn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát tăng cao trở lại; nợ xấu ngân hàng còn cao, hoạt động của một số tổ chức tín dụng chưa thật an toàn; cân đối ngân sách khó khăn. Thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán còn trầm lắng. Sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng còn lớn. Khu vực công nghiệp tăng trưởng chậm lại. Sản xuất, xuất khẩu một số mặt hàng nông sản chủ lực gặp khó khăn về thị trường và giá cả. Chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế chậm được cải thiện, thậm chí có mặt còn suy giảm. Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập. Kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ 18,13% năm 2011 giảm xuống khoảng 7% năm 2013. Hoạt động của hệ thống các tổ chức tài chính - tín dụng an toàn, ổn định hơn; mặt bằng lãi suất giảm dần. Dự trữ ngoại hối tăng, tỉ giá ổn định. Xuất khẩu tăng khá; cán cân thương mại được cải thiện; tỉ lệ nhập siêu giảm từ gần 20% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2010 xuống còn 0,4% năm 2013. Nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn an toàn. Kinh tế từng bước được phục hồi; tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức bình quân 5,6%/năm trong 3 năm 2011 - 2013; riêng năm 2013 dự kiến đạt 5,4% (cao hơn năm 2012). Sản xuất công nghiệp, xây dựng, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo từng bước được cải thiện. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục giữ được đà tăng trưởng; dịch vụ tăng trưởng khá. Trong 9 tháng đầu năm 2013, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 10,8% và có hơn 11 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại. Chất lượng tăng trưởng có mặt được cải thiện. |
Lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa - thể thao, thông tin - truyền thông còn nhiều mặt hạn chế, yếu kém. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt được mục tiêu ngăn chặn, từng bước đẩy lùi. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những nhân tố có thể gây mất ổn định.
Bảo vệ chủ quyền quốc gia đứng trước nhiều thách thức. Tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp. Khiếu kiện liên quan đến đất đai vẫn còn nhiều …
Việc đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, thực hiện 3 đột phá chiến lược mới chỉ là bước đầu, còn chậm và nhiều bất cập. Đề án tổng thể tái cấu trúc nền kinh tế chưa thực sự định hướng được cho việc tái cấu trúc các ngành, lĩnh vực trên phạm vi cả nước và các vùng, phát triển nông nghiệp, công nghiệp, nhất là công nghiệp phụ trợ .
Trên cơ sở phân tích sâu sắc tình hình trong nước, quốc tế, dự báo xu hướng phát triển và những khả năng có thể xảy ra, Ban Chấp hành Trung ương đã chỉ rõ: Xét về tổng thể, vẫn phải kiên trì mục tiêu tổng quát do Đại hội XI của Đảng đã đề ra; song trong 2 năm còn lại của nhiệm kỳ khóa XI (2014 - 2015) phải nỗ lực hơn nữa để thực hiện mục tiêu: Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; phục hồi nhịp độ tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh trên cơ sở đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế. Bảo đảm phúc lợi và an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Bảo vệ tài nguyên, môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phòng, chống tham nhũng, lãng phí; cải thiện môi trường kinh doanh. Mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Riêng năm 2014, tập trung ưu tiên cao cho mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát đi đôi với tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tạo động lực, niềm tin cho người dân và doanh nghiệp.
Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục
Phát triển những kết quả đạt được tại Hội nghị Trung ương 6, Hội nghị lần này đã thảo luận và nhất trí ban hành Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. So với Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII, Nghị quyết của Hội nghị lần này đã kế thừa, bổ sung, phát triển nhiều nội dung đổi mới về nhận thức, tư duy, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện.
Đổi mới căn bản và toàn diện không có nghĩa là làm lại tất cả từ đầu mà phải kế thừa, phát triển những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đúng đắn, phát huy những thành tựu và kinh nghiệm tốt đã có, đồng thời bổ sung những quan điểm, tư tưởng mới, kiên quyết chấn chỉnh những lệch lạc, những việc làm trái quy luật, phát triển những nhân tố mới. Đổi mới phải bảo đảm tính hệ thống, phù hợp với từng loại đối tượng và cấp học, có tầm nhìn dài hạn, các giải pháp đồng bộ, khả thi, đồng thời có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình, bước đi phù hợp.
Hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này cơ bản đã được hoàn chỉnh cả về nội dung lẫn kỹ thuật văn bản, đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đề ra. Nội dung Dự thảo đã phản ánh được ý chí và nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân và toàn dân tộc. Thể hiện rõ và đầy đủ hơn bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ ta trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Quy định rõ ràng, đúng đắn và đầy đủ về chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ; quyền con người và quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân; tổ chức bộ máy nhà nước... Khẳng định Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và các cơ quan khác của Nhà nước. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp để mỗi cơ quan thực thi có hiệu lực, hiệu quả các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của Hiến pháp, với sự phối hợp, cộng tác chặt chẽ, tạo thành sức mạnh tổng hợp của quyền lực nhà nước.
Ngay sau Hội nghị này, Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp và các cơ quan chức năng cần khẩn trương tiếp thu ý kiến của Trung ương hoàn chỉnh toàn văn Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6 sắp tới.
Thành lập 5 tiểu ban chuẩn bị Đại hội XII của Đảng
Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận và thống nhất quyết định thành lập 5 Tiểu ban chuẩn bị Đại hội XII của Đảng gồm: Tiểu ban Văn kiện, Tiểu ban Kinh tế - xã hội; Tiểu ban Điều lệ Đảng; Tiểu ban Nhân sự; và Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội. Khi xem xét, quyết định thành lập các Tiểu ban, Trung ương đã thảo luận, cho ý kiến điều chỉnh về cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ và nhân sự cụ thể của từng Tiểu ban; coi đây là công việc khởi đầu cho quá trình chuẩn bị Đại hội XII của Đảng.
Các Tiểu ban cần khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch để sớm đi vào hoạt động, bảo đảm chất lượng và hiệu quả. Đặc biệt là, Tiểu ban Văn kiện và Tiểu ban Kinh tế - Xã hội cần tăng cường phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, tham mưu của Đảng và Nhà nước, chắt lọc, kế thừa kết quả tổng kết 30 năm đổi mới để đề xuất với Đại hội XII của Đảng những chủ trương, chính sách, biện pháp đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc hơn, tạo xung lực mới cho phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Tại Hội nghị này, Ban Chấp hành Trung ương cũng đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến vào dự thảo Quy chế bầu cử trong Đảng. Ban Chấp hành Trung ương giao Bộ Chính trị chỉ đạo việc tiếp thu ý kiến Trung ương, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện dự thảo Quy chế để trình Hội nghị Trung ương 9 khóa XI thông qua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận