Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (phải) tiếp Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Việt Nam tháng 11-2017 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Trao đổi với Tuổi Trẻ về chuyến thăm của Tổng bí thư, các chuyên gia nghiên cứu chính trị và quan hệ quốc tế trong nước đều đồng thuận cho rằng thời điểm của chuyến thăm cho thấy Trung Quốc đặc biệt coi trọng mối quan hệ với Việt Nam và mong muốn thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác giữa hai đảng.
TS Nguyễn Thành Trung - giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam, nhận định chuyến thăm có ý nghĩa với cả Trung Quốc lẫn Việt Nam.
"Việc Bắc Kinh mời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm ngay sau Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc cho thấy Trung Quốc xem Việt Nam là một quốc gia quan trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hơn nữa giữa hai đảng.
Trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay và hệ quả từ xung đột Ukraine, sự gắn kết giữa hai nước có cùng ý thức hệ được kỳ vọng sẽ tạo sự ổn định cho khu vực, mở đường cho hợp tác sâu hơn không chỉ giữa hai đảng", ông Trung nhận xét.
Theo ông Trung - một chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu về Trung Quốc, chuyến thăm của Tổng bí thư lần này cũng sẽ giúp thiết lập một kênh liên lạc quan trọng giữa hai nước. Thông qua kênh này, Việt Nam có thể trao đổi với Trung Quốc không chỉ các vấn đề hợp tác mà còn cả một vài điểm bất đồng khác.
"Việt Nam hiện nay là thành viên của nhiều tổ chức, cơ chế quốc tế. Do đó việc có quan hệ tốt với Việt Nam có thể giúp quảng bá hình ảnh của Trung Quốc cũng như việc ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương", ông Trung giải thích việc Trung Quốc mời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo nước ngoài cấp cao đầu tiên đến thăm sau Đại hội 20.
Đồng quan điểm với TS Nguyễn Thành Trung, TS Nguyễn Tăng Nghị - giảng viên khoa quan hệ quốc tế Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - nhận định chuyến thăm cho thấy sự gắn bó khăng khít và mức độ tình cảm cá nhân giữa các lãnh đạo hai bên, đặc biệt là giữa hai tổng bí thư.
"Trung Quốc đã chuẩn bị và dành những nghi thức cấp cao nhất cho việc đón tiếp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng", ông Nghị - người từng là nghiên cứu sinh tại Đại học Nhân dân Trung Quốc - nhận xét.
Việc chuyến thăm diễn ra chưa đầy hai tuần sau Đại hội 20, theo ông Nghị, cũng cho thấy phản ứng rất nhanh chóng của ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam mà đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
"Có thể dùng cụm từ ‘tuần trăng mật’ để nói về bầu không khí hiện nay ở Trung Quốc và tâm lý của các nhà lãnh đạo sau sự thành công của Đại hội 20 vừa qua. Họ đang cảm thấy rất thoải mái và chính vì thế đã thể hiện những cử chỉ thiện tình, sẵn sàng giải quyết ổn định một số vấn đề an ninh ngoài nước, trong đó có vấn đề Biển Đông. Đó là còn chưa kể dàn lãnh đạo mới hiện nay của Trung Quốc đang có được sự gắn kết và chung tiếng nói chưa từng có", ông Nghị nói.
"Tôi cũng tin các vấn đề hai bên chưa tìm được tiếng nói chung sẽ được đem ra phân tích và sẽ có những tiến triển tích cực, ít nhất là so với các năm trước" - ông Nghị nêu ý kiến và cho rằng việc giải quyết đến đâu, cụ thể bằng cách thức nào có thể sẽ được quyết định dần trong tương lai.
Học giả Trung Quốc đánh giá cao chuyến thăm
Truyền thông và học giả Trung Quốc cũng đã đưa ra nhiều đánh giá tích cực về chuyến thăm của Tổng bí thư. "Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm Trung Quốc kể từ Đại hội 20. Trong tuần sau, Trung Quốc cũng sẽ tiếp đón Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif, Tổng thống Tanzania Samia Suluhu Hassan và Thủ tướng Đức Olaf Scholz" - Thời báo Hoàn Cầu nêu.
Thời báo Hoàn Cầu nhắc lại sau Đại hội 19 năm 2017, Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới Việt Nam. Và lần này, chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là sự tiếp nối truyền thống và thể hiện sự tin cậy lẫn nhau cũng như mối quan hệ hữu nghị giữa hai đảng, hai nhà nước.
Giáo sư Trang Quốc Thổ, người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á của Đại học Hạ Môn (Trung Quốc), cho rằng việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm Trung Quốc sau Đại hội 20 cho thấy tầm quan trọng của mối quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam cũng như giữa hai đảng.
"Các cuộc trao đổi của các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng Cộng sản Việt Nam là một điểm quan trọng trong sự phát triển của quan hệ Trung Quốc - Việt Nam" - ông Trang nói.
Các học giả Trung Quốc cũng cho rằng chuyến thăm này sẽ giúp tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai nước. Chuyên gia Bạch Minh, phó giám đốc Viện nghiên cứu thị trường quốc tế thuộc Học viện Hợp tác kinh tế và thương mại quốc tế Trung Quốc, cho biết việc phát triển hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc và Việt Nam nằm trong quan điểm nhất quán của Bắc Kinh.
Chuyên gia này hy vọng thông qua cuộc gặp của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và nhà lãnh đạo Trung Quốc, sự hợp tác kinh tế giữa hai nước có thể đạt một tầm cao hơn. Chuyên gia Bạch Minh lưu ý Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam bất chấp tác động tiêu cực do đại dịch COVID-19, và điều này phản ánh hai nước coi trọng mối quan hệ cũng như sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau như thế nào, nhất là trong thời điểm khó khăn. (BÌNH AN)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận