23/10/2022 17:44 GMT+7

Tổng bí thư giải thích rõ về nghị quyết mới cho vùng Đông Nam Bộ

TTXVN
TTXVN

TTO - Bài phát biểu kết luận của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị tập trung vào trả lời 3 câu hỏi mấu chốt cho nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ.

Tổng bí thư giải thích rõ về nghị quyết mới cho vùng Đông Nam Bộ - Ảnh 1.

Tổng bí thư và các ủy viên Bộ Chính trị chủ trì hội nghị - Ảnh: dangcongsan.vn

Ngày 23-10, Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Tại hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu: "Vùng Đông Nam Bộ cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống anh hùng, kinh nghiệm đổi mới, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu, thực hiện tốt vai trò là đầu tàu phát triển của cả nước".

Tổng bí thư cho biết: "Sự có mặt đông đủ của các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt các ban, bộ, ngành trung ương và toàn bộ 6 tỉnh, thành phố trong vùng đã thể hiện tinh thần nghiêm túc, ý chí và quyết tâm cao của chúng ta trong việc đổi mới, xây dựng, ban hành, tổ chức triển khai thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng - một vấn đề có ý nghĩa chiến lược, không chỉ đối với từng vùng mà còn đối với cả nước, theo tinh thần như tôi đã nhiều lần nói: "Tiền hô hậu ủng", "Nhất hô bá ứng", "Trên dưới đồng lòng" và "Dọc ngang thông suốt"!".

Tổng bí thư phân tích, nhấn mạnh thêm một số vấn đề, và cũng chỉ tập trung vào trả lời 3 câu hỏi: (1) Vì sao vào lúc này Bộ Chính trị lại phải bàn và ra nghị quyết về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045?; (2) Những ý tưởng mới, tinh thần mới, nội dung mới của nghị quyết lần này là gì?; (3) Chúng ta cần làm gì và làm như thế nào để thực hiện có kết quả nghị quyết của Bộ Chính trị, biến nghị quyết thành hiện thực sinh động?

Về câu hỏi thứ nhất: "Vì sao lúc này Bộ Chính trị lại phải bàn và ra nghị quyết mới về vùng Đông Nam Bộ?", Tổng bí thư nhấn mạnh rằng vùng Đông Nam Bộ là vùng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước. Với những tiềm năng, lợi thế vượt trội, vùng luôn là trung tâm đổi mới, năng động, sáng tạo hàng đầu của cả nước; là đầu tàu kinh tế và trung tâm phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ lớn nhất cả nước với hạt nhân là đô thị đặc biệt TP.HCM "rực rỡ tên Vàng" - trung tâm lớn nhất về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ; đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế; động lực, có sức hút và sức lan tỏa lớn của vùng.

Vùng Đông Nam Bộ bao gồm TP.HCM và 5 tỉnh trực thuộc trung ương: Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Năm 2020, quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của vùng Đông Nam Bộ tăng gấp 4,9 lần so với năm 2005 và 2,6 lần so với năm 2010, vượt mục tiêu đề ra. Vùng Đông Nam Bộ đã đóng góp 32% GDP của cả nước, 44,7% tổng thu ngân sách nhà nước. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 cao nhất cả nước.


Cơ cấu kinh tế của vùng chuyển dịch theo hướng hiện đại, tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng nhanh; tỉ trọng khu vực dịch vụ vượt mục tiêu đề ra; tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ cao nhất cả nước. Đã hình thành trung tâm công nghiệp hàng đầu với nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất lớn nhất cả nước. Kinh tế tư nhân phát triển năng động, có số lượng doanh nghiệp đứng đầu cả nước; là địa bàn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất, chiếm 41,1% tổng vốn FDI. Đã phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao, như: công nghệ thông tin, cơ khí chính xác, tự động hóa, vật liệu mới. TP.HCM từng bước đã trở thành trung tâm khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và công nghệ thông tin của vùng và cả nước.

Tổng bí thư giải thích rõ về nghị quyết mới cho vùng Đông Nam Bộ - Ảnh 3.

Hình ảnh hội nghị tại điểm cầu chính Trụ sở Trung ương Đảng - Ảnh: dangcongsan.vn

Tỉ lệ đô thị hóa của vùng Đông Nam Bộ đạt 67%; diện mạo đô thị ngày càng đổi mới, hiện đại; tỉ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 79,5%, đứng thứ hai trong các vùng của cả nước. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội đạt một số kết quả quan trọng. Công tác xóa đói, giảm nghèo, giải quyết các chính sách xã hội, đổi mới giáo dục - đào tạo đạt nhiều kết quả tích cực; tỉ lệ hộ nghèo thấp nhất cả nước...

Tuy nhiên, kinh tế - xã hội của vùng còn nhiều tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức lớn: Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Một số chỉ tiêu quan trọng đề ra chưa đạt được. Tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng có xu hướng chậm lại và thấp hơn cả nước; đóng góp vào tổng thu ngân sách nhà nước giảm; tốc độ tăng năng suất lao động thấp; việc triển khai thực hiện các quy hoạch còn chậm, mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, liên vùng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên vùng, còn thiếu và yếu, chưa đồng bộ, là điểm nghẽn cản trở sự phát triển... 

Chênh lệch về trình độ phát triển giữa các địa phương trong vùng chậm được thu hẹp. Liên kết nội vùng và liên vùng có mặt còn hình thức, thiếu chặt chẽ, hiệu quả thấp. An ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, thậm chí có nguy cơ mất ổn định. Năng lực cán bộ các cấp, nhất là ở cấp cơ sở, về quản trị xã hội, xử lý tình huống bất thường còn hạn chế.

Tình hình thực tế trên đây đã đặt ra yêu cầu phải khẩn trương, nghiêm túc tiến hành tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX; Kết luận số 27-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI và nghiên cứu xây dựng, ban hành nghị quyết mới về vấn đề đặc biệt quan trọng này, góp phần tạo ra sự chuyển biến có tính đột phá trong công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng Đông Nam Bộ trong giai đoạn phát triển mới. Đây cũng là việc làm rất có ý nghĩa đối với "miền Đông gian lao mà anh dũng", luôn là đầu tàu, động lực phát triển của cả nước trong hơn 35 năm đổi mới vừa qua; cũng như đối với miền Nam thành đồng của Tổ quốc, Nam Bộ mến yêu, cách mạng và anh hùng.

Về câu hỏi thứ hai: "Những ý tưởng mới, tinh thần mới, nội dung mới của nghị quyết Bộ Chính trị lần này là gì?"

Có 3 điểm đáng chú ý như sau:

Một là, về quan điểm, nhận thức và tư tưởng chỉ đạo: Nghị quyết lần này đã quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; kế thừa, bổ sung, phát triển các quan điểm của Nghị quyết số 53-NQ/TW thành những quan điểm chỉ đạo mới, phù hợp với bối cảnh, tình hình mới. Ở đây có nhiều nội dung thể hiện rất rõ tinh thần đổi mới, ý chí rất cao của Đảng ta quyết tâm tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ, có tính đột phá trong việc phát triển vùng Đông Nam Bộ, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. 

Bộ Chính trị đặc biệt nhấn mạnh: Cần phải đổi mới mạnh mẽ, năng động, sáng tạo hơn nữa, tạo chuyển biến có tính đột phá trong việc tiếp tục xây dựng và phát triển vùng Đông Nam Bộ trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hàng đầu của cả nước và khu vực Đông Nam Á, giữ vai trò đầu tàu trong liên kết phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung Bộ và cả nước. Trong đó, TP.HCM là thành phố kinh tế tri thức, trung tâm tài chính quốc tế, là điểm đến của tầng lớp trung lưu, trí thức, nhất là trí thức trẻ, đến sinh sống và làm việc; có trình độ phát triển ngang tầm với các thành phố lớn ở khu vực châu Á, đóng vai trò là một cực tăng trưởng của vùng Đông Nam Bộ và cả nước.

Phát triển vùng Đông Nam Bộ phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, bảo đảm thống nhất với hệ thống quy hoạch quốc gia, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia, thích ứng với biến đổi khí hậu...

Tổng bí thư giải thích rõ về nghị quyết mới cho vùng Đông Nam Bộ - Ảnh 4.

Hình ảnh tại điểm cầu Ban Tuyên giáo Trung ương - Ảnh: dangcongsan.vn

Cần phải đổi mới tư duy, phát huy sự năng động, sáng tạo của các địa phương để Đông Nam Bộ phải trở thành một hình mẫu tiêu biểu, hiệu quả cao trong hợp tác liên kết vùng. Lấy quy hoạch làm cơ sở quản lý phát triển vùng...

Đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền phù hợp với năng lực và điều kiện thực tế của từng địa phương. Thực hiện thí điểm những mô hình, cơ chế, chính sách mới vượt trội, có sức cạnh tranh quốc tế cao, tạo bước đột phá trong việc phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của vùng.

Hai là, về mục tiêu và tầm nhìn: Có thể xem đây là nội dung hoàn toàn mới. Nghị quyết lần này đã xác định rất rõ mục tiêu tổng quát và một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Phấn đấu đến năm 2030: "Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực. Đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, xây dựng "chính quyền số", "kinh tế số", "xã hội số". 

Tầm nhìn đến năm 2045: "Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển, có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại; trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế thuộc nhóm đầu của khu vực và thế giới; kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ. Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng, an ninh; có chất lượng cuộc sống cao, có trình độ y tế, giáo dục thuộc nhóm dẫn đầu Đông Nam Á. TP.HCM là hạt nhân, cực tăng trưởng của vùng; nơi thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, trí thức trẻ, đến sinh sống và làm việc; nơi tập trung các định chế tài chính quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới...

Ba là, về nhiệm vụ và giải pháp: Nghị quyết lần này đề ra khá đầy đủ, đồng bộ và mới mẻ các giải pháp, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới, bao gồm các nhóm nhiệm vụ, giải pháp về phát triển nhanh, bền vững, tạo bước đột phá trong kinh tế vùng; tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng; về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị; về phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; về bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị;... với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, nhằm thực hiện thành công các đột phá chiến lược về thể chế, chính sách vượt trội; về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; và về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý - vốn đang là những khó khăn, thách thức lớn nhất hiện nay của vùng, đặc biệt là TP.HCM.

Tổng bí thư giải thích rõ về nghị quyết mới cho vùng Đông Nam Bộ - Ảnh 5.

Thay mặt Bộ Chính trị, ông Lê Minh Khái - bí thư Trung ương Đảng, phó thủ tướng Chính phủ - đã báo cáo những nội dung chủ yếu của nghị quyết và dự thảo chương trình hành động của Ban cán sự Đảng Chính phủ triển khai nghị quyết - Ảnh: dangcongsan.vn

Về câu hỏi thứ ba: "Chúng ta phải làm gì, và làm như thế nào, để thực hiện cho bằng được và có kết quả cụ thể nghị quyết của Bộ Chính trị lần này về vùng Đông Nam Bộ?"

Tổng bí thư đề nghị cần đặc biệt chú ý một số vấn đề như "phải nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung của nghị quyết, nắm thật vững những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những công việc phải làm; trên cơ sở đó có sự thống nhất cao về ý chí, quyết tâm của cả nước, của toàn vùng, của từng địa phương trong vùng; của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương. Xác định rõ đây là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, chứ không chỉ là nhiệm vụ riêng của vùng và các địa phương trong vùng". 

Ngoài ra, trên cơ sở đổi mới về tư duy và nhận thức, phải đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển vùng. Đổi mới tư duy, tầm nhìn, phát huy sự năng động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành phát triển của từng địa phương, lấy khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao làm động lực phát triển của vùng. Huy động tối đa nguồn lực cho phát triển của vùng, trong đó xác định lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; kết hợp hài hòa với ngoại lực là quan trọng, đột phá.

Tổng bí thư cũng đề nghị Chính phủ và các cơ quan ở trung ương cần tăng cường phối hợp với các địa phương trong vùng, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện, ban hành và triển khai thực hiện luật pháp, chính sách ưu tiên, có tính đặc thù cho phát triển vùng. Tăng cường, nâng cao, làm tốt hơn nữa công tác xây dựng bộ máy tổ chức và cán bộ; nâng cao năng lực và chất lượng lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ. 

Cần cơ chế trọn gói phát triển vùng Đông Nam Bộ Cần cơ chế trọn gói phát triển vùng Đông Nam Bộ

TTO - Chương trình có nhiều thông tin cập nhật: Đại biểu muốn truy trách nhiệm vấn đề thiếu hụt xăng dầu; Phó văn phòng đăng ký đất đai bị bắt vì nghi nhận hối lộ; Tiêu xài trái phép 500 triệu người khác chuyển nhầm vào tài khoản...

TTXVN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp