Trưa 22-9 (giờ New York, tức khuya cùng ngày theo giờ Việt Nam), Hội nghị Thượng đỉnh tương lai đã khai mạc trọng thể tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York với sự tham dự của đông đảo lãnh đạo cấp cao các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự hội nghị.
Định hình tương lai thế giới
Hội nghị Thượng đỉnh tương lai được đánh giá là cơ hội "duy nhất trong thế hệ này" để cộng đồng quốc tế thống nhất về tầm nhìn và cách thức kiến tạo một tương lai tốt đẹp hơn cho các thế hệ mai sau.
Phát biểu khai mạc, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres khẳng định Hội nghị Thượng đỉnh tương lai lần này là thời khắc quan trọng để đề ra những biện pháp mang tính đột phá cho những vấn đề đang dần vượt ngoài khả năng giải quyết hiện nay như xung đột, tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh...
Còn Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc Philemon Yang thì nhấn mạnh trong thách thức vẫn tiềm ẩn nhiều cơ hội để cải tiến, cải tổ và củng cố mạnh mẽ hơn nữa hợp tác toàn cầu vì lợi ích chung của nhân loại. Ông cũng kêu gọi các quốc gia cùng đoàn kết vì một tương lai thịnh vượng cho tất cả mọi người.
Phát biểu tại phiên toàn thể đầu tiên của hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho rằng trí tuệ con người đã giúp thay đổi thế giới và cuộc sống con người. Song cũng chính con người là tác nhân gây ra nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, sự suy kiệt tài nguyên hay chế tạo các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Nhấn mạnh những lựa chọn ở hiện tại sẽ định hình tương lai, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam cho rằng mục tiêu phát triển bền vững của thế giới và lợi ích của con người phải được đặt ở vị trí trung tâm, là mục tiêu cao nhất.
Theo đó, thành tựu khoa học, công nghệ phải phục vụ tiến bộ xã hội, hướng về con người, giải phóng con người, phát triển con người toàn diện, không ngừng cải thiện đời sống, bảo đảm lợi ích và hạnh phúc của nhân loại và vì thế hệ tương lai.
Thành tựu khoa học, công nghệ, theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, cũng phải tập trung vào phát triển kinh tế, xây dựng xã hội công bằng, văn minh, nâng cao chất lượng sống người dân, xóa đói giảm nghèo.
Thành tựu khoa học, công nghệ cũng như cần thúc đẩy hợp tác, không được biến thành công cụ để chống lại các quốc gia, đi ngược lại khát vọng hòa bình, phát triển, công bằng và công lý của các dân tộc.
Cam kết của Việt Nam
Để làm được những điều trên trong giai đoạn mang tính bước ngoặt này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm kêu gọi tăng cường đoàn kết, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hiệp Quốc.
Người đứng đầu Đảng và Nhà nước kêu gọi tăng cường đẩy mạnh đầu tư, nghiên cứu trong các lĩnh vực phục vụ con người như y học, giáo dục đào tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và các giải pháp để phục vụ quảng đại quần chúng nhân dân.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh các nước, nhất là các nước lớn, cần hành xử có trách nhiệm, chia sẻ các thành tựu chung về nghiên cứu khoa học - công nghệ để cùng phát triển.
Việt Nam ủng hộ vai trò trung tâm và đi đầu của Liên Hiệp Quốc, cùng với các tổ chức khu vực, gồm có ASEAN, trong thúc đẩy hợp tác và ứng phó với các thách thức toàn cầu và tận dụng những cơ hội có được từ tiến bộ khoa học công nghệ.
Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhận định nhân loại đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa thế giới bước vào thời đại mới, kỷ nguyên phát triển mới tốt đẹp hơn, vì sự phát triển tiến bộ, công bằng xã hội, vì cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của người dân khi tất cả cùng thống nhất nhận thức, cùng hành động, cùng nỗ lực và hợp tác chặt chẽ hiệu quả.
Người đứng đầu Đảng và Nhà nước khẳng định cam kết Việt Nam sẽ đóng góp tích cực, hiệu quả vào các nỗ lực chung nhằm xây dựng thế giới hòa bình, phát triển bình đẳng vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân loại.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đang trong chuyến công tác đầu tiên đến Mỹ trên cương vị mới từ ngày 21 đến 24-9. Hội nghị Thượng đỉnh tương lai là một trong hai sự kiện quan trọng nhất mà ông sẽ tham dự tại trụ sở Liên Hiệp Quốc.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh tương lai ngày 22-9, các đại biểu đều nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy cải tổ mạnh mẽ, toàn diện các thể chế đa phương, tăng cường vai trò và tiếng nói của các nước đang phát triển trong các thể chế tài chính toàn cầu.
Nhân dịp này, hội nghị cũng đã nhất trí thông qua Văn kiện vì tương lai, Văn kiện số toàn cầu và Tuyên bố về các thế hệ tương lai. Các văn kiện này có nội dung toàn diện, đề ra những hành động, mục tiêu tham vọng trên tất cả các lĩnh vực hợp tác tại Liên Hiệp Quốc.
Một số ưu tiên cụ thể trong các Văn kiện bao gồm tăng cường đầu tư, huy động nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững. Đồng thời thiết lập các khuôn khổ, nguyên tắc mang tính nền tảng để thúc đẩy hợp tác số và đổi mới, sáng tạo; chuyển đổi và củng cố các thể chế Liên Hiệp Quốc và các thể chế tài chính quốc tế.
DUY LINH (TỪ NEW YORK)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận