Theo Bộ Ngoại giao, chuyến thăm Mông Cổ, Ireland và Pháp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm diễn ra theo lời mời của nguyên thủ ba nước này, kéo dài từ ngày 30-9 đến 7-10.
Hơn 6h30 sáng 30-9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm lên chuyên cơ. Máy bay cất cánh không lâu sau đó, đưa ông và đoàn đại biểu cấp cao đến điểm dừng chân đầu tiên là Mông Cổ.
Khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ của Việt Nam
Theo TTXVN, tham gia đoàn chính thức có Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Mai Văn Chính.
Bên cạnh đó còn có Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh.
Ngoài ra còn có lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Trợ lý Tổng Bí thư, Đại sứ Việt Nam tại các nước Mông Cổ, Ireland và Pháp.
Chuyến thăm cấp nhà nước tới Mông Cổ, Ireland và tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ, thăm chính thức Pháp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhằm khẳng định một lần nữa đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng của Việt Nam.
Đồng thời chuyến đi cũng thể hiện sự coi trọng cao của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Mông Cổ, quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt Việt Nam - Ireland, quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp và mong muốn của các nước trong việc nâng tầm, làm sâu sắc hơn các khuôn khổ hợp tác phù hợp với tình hình mới và lợi ích các nước.
Khai thác dư địa hợp tác với các nước
Chuyến công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam với các nước Mông Cổ, Ireland, Pháp và cộng đồng Pháp ngữ tiếp tục phát triển tích cực và đạt được nhiều kết quả tốt đẹp.
Chuyến thăm cấp nhà nước đến Mông Cổ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao và quan hệ hai nước đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất. Mông Cổ là quốc gia ủng hộ Việt Nam mạnh mẽ và sâu rộng cả về vật chất lẫn tinh thần trong phong trào đấu tranh giành độc lập và giải phóng dân tộc.
Theo Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ cùng lãnh đạo cấp cao Mông Cổ trao đổi các định hướng lớn, các biện pháp quan trọng trong chuyến thăm lần này.
Từ đó thắt chặt hơn nữa sự tin cậy chính trị cũng như tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực hai bên ưu tiên, nhất là hợp tác chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, du lịch và giao lưu nhân dân hai nước.
Với Ireland, đây là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao.
Ireland hiện là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Việt Nam tại thị trường EU và có chính sách ưu tiên Việt Nam là một trong hai quốc gia châu Á nhận viện trợ phát triển. Trong đó tập trung vào các lĩnh vực giáo dục, bình đẳng giới, ứng phó biến đổi khí hậu, hỗ trợ dân tộc thiểu số, người khuyết tật và hỗ trợ rà phá bom mìn,...
Lãnh đạo cấp cao hai bên sẽ trao đổi các biện pháp thúc đẩy hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu và Ireland có thế mạnh như đầu tư chất lượng cao, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, giáo dục - đào tạo, nhất là giáo dục đại học.
Với Pháp, trên cơ sở quan hệ "lương duyên" đặc biệt và kết quả quan hệ hợp tác Đối tác chiến lược hơn 10 năm qua, lãnh đạo hai bên sẽ trao đổi các biện pháp đưa quan hệ đối tác chiến lược lên một tầm cao mới, ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, tương xứng với tiềm năng và vị thế của cả hai nước ở khu vực và trên thế giới, theo ông Bùi Thanh Sơn.
Hợp tác Việt Nam và cộng đồng Pháp ngữ tiếp tục phát triển tốt đẹp. Cộng đồng Pháp ngữ luôn xem Việt Nam là hình mẫu về phát triển kinh tế - xã hội, là trung tâm trong các hoạt động hợp tác Pháp ngữ tại khu vực.
Với 88 quốc gia và vùng lãnh thổ thành viên, có dân số khoảng 1,2 tỉ người, chiếm 16% GDP và 20% thương mại toàn cầu, không gian kinh tế Pháp ngữ còn nhiều dư địa để Việt Nam đẩy mạnh hợp tác một cách sâu rộng, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục và đào tạo, nông nghiệp, du lịch bền vững, khoa học, công nghệ,...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận