06/06/2013 16:44 GMT+7

Tôn vinh 241 gia đình, 9 dòng họ hiếu học đất Sài Gòn

HOÀNG HƯƠNG
HOÀNG HƯƠNG

TTO - Sáng 6-6, tại hội trường thành phố, UBND TP.HCM đã tổ chức Đại hội tuyên dương 241 gia đình hiếu học tiêu biểu, 9 dòng họ hiếu học và 11 khu dân cư khuyến học xuất sắc.

GibmQ1cs.jpgPhóng to
Các gia đình hiếu học xuất sắc, tiêu biểu giao lưu trong lễ tuyên dương - Ảnh: Như Hùng

Tại đại hội, phần tạo nhiều cảm xúc nhất cho người dự khán là chương trình giao lưu với những gương tiêu biểu.

Cả hội trường như lặng đi khi bà Nguyễn Thị Tuyết Hồng ở phường Bến Thành, quận 1, kể: “Chồng tôi mất sớm, để lại 4 đứa con nhỏ, đứa lớn nhất lúc ấy mới 10 tuổi và đứa nhỏ nhất 2 tuổi. Gia cảnh khó khăn, con lại quá nhỏ, tôi thấy nghề xe ôm là tiện nhất, vừa kiếm ra tiền vừa có thể đưa con đi học. Hằng ngày, cứ 3g sáng tôi dậy đi chở gạo cho người ta ở chợ, 6g quay về chở con đi học. 15 năm qua, cả gia đình tôi sống nhờ nghề xe ôm”.

Nói về việc học hành, bà Hồng không giấu sự tự hào: “Tôi luôn dạy dỗ các con phải luôn cố gắng, tự giác học tập. Mẹ không có khả năng cho các con học thêm nên đứa lớn hướng dẫn bài cho đứa nhỏ”. Nhờ nghề xe ôm mà đến nay 2 người con của bà Hồng đã vào đại học, một người đang học cao đẳng và 1 người đang học lớp 11.

Khi ông Nguyễn Văn Thành, phường 9, quận Phú Nhuận phát biểu, nhiều người dự khán đã rất ngạc nhiên: “Gia đình và dòng họ của chúng tôi lấy nguyên lý giáo dục 4 chữ “H”: học, hỏi, hiểu, hành, 4 chữ T: trách nhiệm với bản thân -trách nhiệm với gia đình - trách nhiệm với xã hội và trách nhiệm với thiên nhiên. Gia đình tôi có 1 phòng truyền thống hiếu học, là nơi lưu giữ các bằng cấp, hình ảnh, giấy tờ… thể hiện thành quả học tập của mỗi cá nhân trong gia đình. Căn phòng này như một sự nhắc nhớ mỗi lần họp mặt gia đình, nó là động lực giúp cho các thế hệ đi sau cố gắng học tập”.

Ông Thành còn đề nghị: “Tôi cũng mong trong các trường học nên có phòng này để lưu giữ những thành tích học tập của các thế hệ học sinh, nó sẽ tạo thành phong trào học tập, noi gương những người đi trước để học tập tốt”. Có lẽ vì thế mà gia đình ông Thành đều đạt trình độ từ đại học trở lên.

Đại hội không chỉ tôn vinh những gia đình, những dòng họ bền bỉ phấn đấu, vượt qua khó khăn để học tập, để cuộc sống gia đình ngày một tốt hơn mà còn tôn vinh những tấm gương âm thầm làm công tác khuyến học, giúp đỡ học sinh nghèo được tiếp tục đến trường.

Điển hình là tấm gương ông Nguyễn Ngọc Tương, ở phường Phước Long A, quận 9. Huy động cả vợ và hai con cùng tham gia phong trào “Tiết kiệm nuôi heo đất khuyến học”, từ năm 2005 đến nay gia đình ông Tương đã tiết kiệm được 67 triệu đồng.

Số tiền này ông đã mua 67 chiếc xe đạp để tặng học sinh khó khăn trên địa bàn. “Có những trường hợp rất cảm động mà tôi không thể nào quên. Đó là khi tôi trao xe đạp cho một học sinh vượt khó, mừng quá hai chị em cháu đã ôm nhau khóc. Chiếc xe đạp rất rẻ nhưng đối với nhiều học sinh nghèo là cả một giấc mơ” - ông Tương tâm sự tại đại hội.

Ông Nguyễn Mạnh Cầm, nguyên phó thủ tướng Chính phủ, chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, nhấn mạnh khi phát biểu tại đại hội: “Gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, khu dân cư khuyến học là mô hình độc đáo của Việt Nam, là nhân tố quan trọng và là động lực thiết thực thúc đẩy phong trào toàn dân học tập, xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập.

Các gia đình, dòng họ hiếu học, khu dân cư khuyến học đã góp phần tạo nên môi trường giáo dục lành mạnh trong quá trình chấn hưng nền giáo dục nước nhà. Sự động viên kịp thời, sự quản lý chặt chẽ của gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư đối với con em là bảo đảm việc gắn bó chặt chẽ giữa giáo dục gia đình, giáo dục nhà trường và giáo dục xã hội để tạo nên thế hệ trẻ vừa có đức vừa có tài”.

HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp