Trong đề thi ngữ văn (ngày 27-6) có câu hỏi: Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa của việc tôn trọng cá tính.
Tôn trọng cá tính nghĩa là thừa nhận, đánh giá cao sự khác biệt, độc đáo của mỗi người. Trong xã hội đa dạng và phong phú, việc chúng ta chấp nhận và tôn trọng cá tính giúp xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa người và người, tạo nên một môi trường sống và làm việc hòa hợp.
Tôn trọng cá tính thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo. Mỗi cá nhân đều có thể tự do thể hiện, phát triển khả năng của mình mà không sợ ai phê phán, kìm hãm.
Chẳng hạn như làm việc trong môi trường toàn Gen Z, sếp tôn trọng và chấp nhận sự khác biệt tạo ra môi trường làm việc đầy tích cực. Khi đó, mọi người đều cảm thấy được tôn trọng, tự do đóng góp ý kiến tạo ra những sản phẩm chất lượng. Môi trường chuẩn 5 sao khiến nhân viên thích mê vì ai cũng thấy mình có ích cho xã hội, được đánh giá cao.
Ở trường học, mỗi học sinh có một phong cách học tập khác nhau. Thay vì áp đặt một phương pháp dạy duy nhất, nhiều giáo viên tạo ra nhiều phương pháp học tập khác nhau để phù hợp với từng em, giúp các em có cơ hội phát hiện tối đa khả năng của mình.
Còn ở nhà, thay vì ép buộc con cái phải theo một con đường nhất định, phụ huynh lắng nghe, hỗ trợ lựa chọn của con cái, giúp con phát triển toàn diện. Ba mẹ khuyến khích các con tự do thể hiện sở thích, đam mê, thậm chí là giới tính. Dù đó là nghệ thuật, thể thao hay khoa học, con chọn gì ba mẹ cũng ủng hộ hết mình.
Nói thì dễ, nhưng thực sự vẫn chưa có nhiều người làm được. Chúng ta thường bị định kiến Gen Z thế này thế kia, so sánh, phán xét con mình với "con nhà người ta" giỏi giang, không chấp nhận sự khác biệt của con mình. Chúng ta áp đặt những chuẩn mực và cấm cản rồi lại nhận được những kết quả không mong muốn.
Khi ta tôn trọng người khác cũng là đang tôn trọng chính mình.
Điều này nhắc nhở việc tôn trọng cá tính không chỉ là lý thuyết, mà còn cần được thể hiện một cách chân thành và kiên nhẫn trong mọi khía cạnh trong cuộc sống. Khi gặp gỡ người mới, việc lắng nghe, tôn trọng quan điểm, sở thích và cách sống của họ giúp xây dựng mối quan hệ bền chặt và ý nghĩa.
Đề văn năm nay không chỉ để các sĩ tử viết ra tâm tư, nguyện vọng của mình trong đó, mà cũng là dịp để người lớn soi rọi lại chính bản thân mình. Bởi vì ai cũng cảm thấy tự do và hạnh phúc hơn trong việc thể hiện bản thân. Việc chấp nhận điều ấy chính là một kỹ năng sống quan trọng cần được rèn luyện và thực hành hằng ngày.
Còn bạn, bạn nghĩ sao về việc tôn trọng cá tính mỗi người trong cuộc sống hằng ngày? Theo bạn, việc tôn trọng cá tính của người xa lạ có dễ dàng hơn tôn trọng cá tính của người thân?
Mời bạn chia sẻ quan điểm, bài viết về hòm thư [email protected]. Vui lòng cung cấp thông tin tài khoản để tòa soạn gửi nhuận bút nếu bài được xuất bản. Tuổi Trẻ Onine cảm ơn bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận